Một cuộc tập trận chung của lực lượng Israel và Mỹ. Ảnh: IDF/Twitter
Tàu tác chiến cận bờ (LCS)
Trong một thời gian dài, Hải quân Israel đã khảo sát tiềm năng của những mẫu tàu chiến có kích cỡ lớn hơn các tàu hộ tống từng chiếm ưu thế trong lực lượng của họ.
Do lợi ích an ninh hàng hải của Israel đã gia tăng (cần duy trì phong tỏa dải Gaza và tuần tra các mỏ năng lượng ngoài khơi), nhu cầu này càng trở nên cấp thiết.
Tàu tác chiến cận bờ (LCS). Ảnh: Lockheed Martin
Trong thập kỷ qua, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã nghiên cứu rộng rãi khả năng mua phiên bản sửa đổi của tàu LCS.
Những con tàu này sẽ có các tính năng khác biệt đáng kể, chủ yếu là giảm bớt số module và tăng khả năng hoạt động độc lập so với phiên bản mà Mỹ đang sử dụng. Tuy nhiên, những điều chỉnh đó đã làm gia tăng đáng kể chi phí của chúng.
Tiêm kích F-22 Raptor
Trước đây, Mỹ ban hành lệnh cấm xuất khẩu F-22 Raptor một phần là do lo ngại nguy cơ các đồng minh thân cận như Israel chuyển giao thiết bị công nghệ cao cho Nga và Trung Quốc.
Vì quyết định của Washington nên hiện nay, chỉ có Không quân Mỹ được vận hành mẫu máy bay chiến đấu này.
Tiêm kích F-22 Raptor. Ảnh: MW
Trong quá khứ, Israel từng muốn có được các máy bay chiến đấu-ném bom có khả năng thực hiện cả nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và tấn công.
Tuy nhiên, IDF mua F-15 khi nó vẫn chủ yếu là máy bay chiếm ưu thế trên không. Sau khi đưa vào trang bị, họ mới tiến hành những điều chỉnh cần thiết để biến F-15 thành tiêm kích-bom.
Nếu có mặt trong quân đội Israel, F-22 có thể đã trải qua quá trình tương tự.
Máy bay ném bom-tấn công tầm xa (LRS-B)
Mặc dù các máy bay chiến đấu F-15 và F-16 của Israel, với khả năng tiếp dầu trên không, có thể vươn đến các mục tiêu ở Iran nhưng khoảng cách mênh mông có thể gây bất lợi cho chúng khi tìm cách xâm nhập vùng không phận được bảo vệ của đối phương.
Đồ họa máy bay ném bom LRS-B. Ảnh: SOFREP
Trong trường hợp này, máy bay ném bom tầm xa B-21 có thể là lựa chọn hấp dẫn đối với Israel.
Tất nhiên, Israel đã không vận hành máy bay ném bom chiến lược nào kể từ khi loại biên B-17 Flying Fortresses trong những năm 1950. Tuy nhiên, nhu cầu nắm trong tay một loại vũ khí có khả năng xuyên thủng hàng rào phòng không của Iran rồi tấn công có thể khiến IDF suy nghĩ lại.
Bom MOP (Massive Ordnance Penetrator)
Từ đầu thập kỷ này đã xuất hiện nhiều đồn đoán rằng Israel đang rất quan tâm tới loại bom dẫn đường chính xác, nặng 14.000kg của Mỹ.
Bom MOP thu hút Israel vì khả năng "xuyên phá boongke", cho phép nước này tấn công sâu vào các cơ sở vũ khí của Iran cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.
Cho tới nay, Mỹ vẫn từ chối cung cấp bom MOP cho Israel do nước này chưa có phương tiện mang phù hợp. Chính quyền Mỹ cũng lo ngại rằng việc cung cấp cho Israel công cụ để tấn công Iran sẽ phá vỡ sự cân bằng trong khu vực.
Tuy nhiên, trong tương lai, những biến động chiến lược về địa chính trị trong khu vực (hoặc những thay đổi về chính trị tại Mỹ) có thể tác động tới tính toán đó.
Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo
Israel đã có trong tay các tàu ngầm lớp Dolphin nhưng tàu ngầm diesel-điện mang tên lửa hành trình không thể sánh bằng tàu ngầm hạt nhân ở khả năng hoạt động, dự trữ hành trình hoặc mức độ an toàn.
Tàu ngầm lớp Ohio. Ảnh: Military.com
Theo NI, ở đây không có ý nói Israel cần tới hoặc có thể trang bị mẫu tàu ngầm tương tự như lớp Ohio. Song, một mẫu tàu với kích cỡ khiêm tốn hơn, mang số lượng tên lửa ít hơn vẫn có thể trở nên hữu dụng đối với Israel trong việc thiết lập khả năng tấn công hạt nhân thứ 2 (khả năng đáp trả) mạnh mẽ. Một hạm đội với 4 chiếc tàu này sẽ mang lại cho Israel khả năng trả đũa gần như bất khả xâm phạm.