Những lễ hội này có thể trang trọng, nhộn nhịp hoặc đôi khi rùng rợn. Tất cả đều là những đặc trưng đại diện cho lối sống và niềm tin của những nền văn hóa khác nhau, mang trong mình những truyền thống đặc sắc và đa dạng.
Đặc điểm chung của các lễ hội là không chỉ tưởng niệm về thế giới bên kia mà đồng thời cũng là dịp để gắn kết những mối quan hệ và bảo tồn những truyền thống cổ xưa.
LỄ 'XÁ TỘI VONG NHÂN'
Đôi khi được gọi với nhiều danh xưng khác nhau như Tiết Trung Nguyên, Vu Lan, Rằm tháng Bảy… ngày lễ này được tổ chức vào khoảng giữa tháng Bảy của Lịch Âm ở Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nơi khác ở Đông Nam Á với một vài thay đổi. Nguồn gốc của dịp lễ này là niềm tin vào tháng Bảy theo Lịch Âm, cõi Âm sẽ mở cửa và các linh hồn sẽ được tạm thời "trở về" trần gian.
Những linh hồn này có thể sẽ vất vưởng và gây hại cho người sống nếu không được dâng cúng đầy đủ với thức ăn, "tiền âm phủ" và nhiều đồ dùng "âm phủ" bằng giấy khác, đôi khi có cả smartphone hoặc xe hơi. Ở một số nơi, những hoạt động biểu diễn cũng được tiến hành: các sân khấu hí kịch sẽ được dựng lên và hàng ghế đầu được để trống với mục đích "giữ chỗ" cho các linh hồn.
Hình 1 Đốt tiền giấy trên đường phố Hồng Kông. (Nguồn NatGeo)
NGÀY CỦA NGƯỜI CHẾT Ở MEXICO
Trong khi Halloween ở Bắc Mỹ và Tây Âu gắn liền với hình ảnh bóng đêm thì Ngày của Những Người Chết ở Mexico (ngày 1 và 2 tháng 11) được tổ chức như một cuộc diễu hành màu sắc và tôn vinh sự sống.
Dù mục đích là để tưởng niệm về cõi Âm nhưng tình cảm chủ đạo ở đây là tình yêu và sự tôn vinh. Trên đường phố Mexico, mọi người trang hoàng và diễu hành, tổ chức những bữa tiệc và múa hát đồng thời dâng tặng vật phẩm cho những linh hồn.
Hình 2 Bánh mỳ Cõi Âm ở Mexico (Nguồn NatGeo)
LỄ OBON
Cũng được tổ chức vào tháng 7 lịch Âm, lễ Obon hoặc đôi khi gọi tắt là Bon là một lễ hội Phật Giáo của Nhật Bản với niềm tin về những linh hồn thăm lại thế giới trần gian giống nhiều nơi khác.
Lễ hội được tiến hành với nhiều hoạt động: ca hát, gặp mặt gia đinh và đặc biệt là trình diễn ánh sáng. Trong lễ Obon, người Nhật treo đèn lồng trước cửa nhà và thả hoa giấy với niềm tin ánh lửa sẽ dẫn đường các linh hồn.
Hình 3 Đèn lồng lễ Obon (Nguồn NatGeo)
LỄ CHUSEOK
Chuseok (Hán Việt: Thu Tịch) là cách người dân bán đảo Triều Tiên gọi thời gian giữa tháng 8 lịch Âm. Đây là dịp lễ với nhiều phong tục được kết hợp với mục đích chung là để tưởng niệm tổ tiên. Nghi lễ chính là dọn dẹp phần mộ gia đình (bulcho) và dâng vật phẩm cúng cho tổ tiên (sungmyo). Tại gia đình, một lễ cúng nhỏ (charye) cũng được tiến hành với đồ ăn và rượu trên chiếc bàn thờ nhỏ được dâng lên tổ tiên.
Hình 4 Bàn thờ lễ Chuseok tại Hàn Quốc (Nguồn NatGeo)
LỄ CÁC ĐẲNG LINH HỒN
Có mối liên hệ nhưng đôi khi bị che mờ bởi Halloween trong văn hóa Phương Tây, lễ Các Đẳng Linh Hồn là dịp lễ của Công Giáo Rome với mục đích tưởng niệm linh hồn Công Giáo – bao gồm những linh hồn ở Luyện Ngục.
Trong thời gian này, người sống sẽ cầu nguyện để giúp các linh hồn đến được Thiên Đường. Những truyền thống Công Giáo từ lễ Các Đẳng Linh Hồn, Halloween và Ngày Các Thánh cũng chinh là nguồn gốc chính cho Ngày của Những Người Chết ở Mexico.
THỨ NĂM CỦA CÕI ÂM
Đây là một ngày lễ đa tôn giáo tại khu vực Trung Đông – được tiếp nhận bởi cả tín đồ Hồi Giáo và Thiên Chúa. Thứ Năm ở đây chỉ ngày thứ thứ Năm của Tuần Thánh (tuần trước Phục Sinh). Tuy nhiên nếu như Thứ Năm Tuần Thánh được tín đồ Thiên Chúa tổ chức vào ban đêm để kỷ niệm "Bữa tối cuối cùng" thì Thứ Năm của Cõi Âm ở Trung Đông được tổ chức vào ban ngày.
Người dân Trung Đông sẽ đi thăm mộ người đã qua đời, chia sẻ thức ăn cho người nghèo và trẻ em. Nguồn gốc của ngày lễ này gắn liền với truyền thuyết về Saladin – lãnh đạo Hồi Giáo thế kỷ 12 và nguyện vọng hòa giải giữa các tôn giáo.
Hình 5 Tranh vẽ Saladin vào thế kỷ 12 (Nguồn NatGeo)
PITRU PAKSHA
Lễ hội này đôi khi được gọi là khác là Sharaddha hoặc " hai tuần của tổ tiên". Diễn ra vào tháng 11, những hoạt động chính được tổ chức bao gồm dâng cúng thức ăn, không chỉ lên tổ tiên mà cho cả những linh hồn không may mắn lang thang bên ngoài. Kiêng kỵ, hành hương và chiêm nghiệm là những yêu cầu cho tín đồ Ấn Độ Giáo trong dịp này.
Hình 6 Lễ Pitru Paksha ở Ấn Độ (Nguồn NatGeo)
Nguồn tham khảo: National Geogrphic