Không chỉ bảo tồn, Việt Nam cần khôi phục đa dạng sinh học

Nguyễn Hoài (Thực hiện) |

Việt Nam đối mặt suy giảm đa dạng sinh học nhiều năm qua, nên đã đến lúc không chỉ bảo tồn mà cần phải có giải pháp phục hồi hoặc tái hoang dã đa dạng sinh học. Đây là chia sẻ của ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ tại Việt Nam, nhân Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5.

Thưa ông, vừa qua, đợt bẫy ảnh được thực hiện tại 21 khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cho thấy, đa dạng sinh học tại Việt Nam vẫn ở mức cao nhưng nhiều loài đặc biệt quý hiếm như Hổ, Báo gấm, Sói lửa, Sao la... không còn ghi nhận được. Ông đánh giá như nào về mức độ đa dạng sinh học ở Việt Nam hiện nay?

Không chỉ bảo tồn, Việt Nam cần khôi phục đa dạng sinh học- Ảnh 1.

Hình ảnh loài Chà vá chân nâu được bẫy ảnh chụp tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào năm 2022. Đây là loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN)

Việt Nam được xếp hạng là quốc gia có giá trị đa dạng sinh học đứng thứ 16 trên thế giới. Tuy nhiên chúng ta cũng cần nhớ rằng, thứ hạng đó dựa trên các loài từng được ghi nhận trong quá khứ như Hổ, Báo gấm, Sao la.

Mới đây, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tại Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát bằng bẫy ảnh lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Dự án đã thiết lập 1.176 điểm bẫy ảnh tại 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên địa bàn 8 tỉnh thành, thu được hơn 120.000 phát hiện độc lập động vật trong hàng triệu hình ảnh mà bẫy ảnh chụp được trong khoảng thời gian từ năm 2019-2023. Mặc dù kết quả khảo sát cho thấy động vật hoang dã đã suy giảm nghiêm trọng ở tất cả 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, nhưng mức độ phong phú loài và số lượng loài đặc hữu tương đối cao, với 9 loài đặc hữu và 21 loài có nguy cơ đe doạ cao của dãy Trường Sơn được ghi nhận. Các loài quý hiếm như Mang lớn và Gấu chó cũng được phát hiện, góp phần cung cấp một vài ghi nhận về các loài này ở Việt Nam trong 20 năm qua.

Tuy nhiên, một điều rất đáng chú ý là trong hàng triệu bức ảnh được chụp, chúng ta không ghi nhận được hình ảnh của các loài động vật ăn thịt lớn và động vật ăn cỏ như Hổ, Báo gấm, Sói lửa và Sao la. Điều đó cho thấy, một số loài thú từng được ghi nhận trước đây ở Việt Nam không còn hiện diện hoặc hiện diện với số lượng thấp đến mức quần thể gần như chắc chắn không còn tồn tại. Tất nhiên đa dạng sinh học không chỉ bao gồm các loài thú, nhưng có thể thấy rằng, sự thiếu vắng của nhiều loài thú nói trên cho thấy, tình trạng đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị suy giảm.

Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam những năm qua?

Nguyên nhân số một gây mất đa dạng sinh học ở Việt Nam là nạn săn bắn, tiếp theo là sự mất mát và suy thoái của sinh cảnh. Chừng nào việc sử dụng bẫy và súng săn tự chế vẫn tiếp diễn trong các khu vực được bảo tồn của Việt Nam thì chừng đó, khả năng suy giảm đa dạng sinh học vẫn sẽ tiếp tục.

Không chỉ bảo tồn, Việt Nam cần khôi phục đa dạng sinh học- Ảnh 2.

Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ tại Việt Nam

Từ ảnh vệ tinh, chúng ta có thể thấy rằng các diện tích rừng bị chia cắt và suy giảm chất lượng - điều này là do sự lấn chiếm để canh tác nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sá. Mất tính kết nối giữa các khu vực rừng tự nhiên cũng là yếu tố chính dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học nếu các loài không thể di chuyển giữa các khu vực rừng. Biến đổi khí hậu có thể sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn trong tương lai gần.

Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ và đã có một số cải thiện rõ rệt, nhưng mức độ của các mối đe dọa vẫn tiếp tục gia tăng. Vì vậy, cần nhiều sự đầu tư hơn để bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo rừng sẽ tiếp tục mang lại giá trị đa dụng cho đất nước.

Theo ông, chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức và người dân cần làm gì để tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam?

Tương lai của bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam không còn đơn thuần chỉ là bảo vệ mà phải có giải pháp phục hồi hoặc tái hoang dã đa dạng sinh học, khôi phục môi trường sống tự nhiên và quần thể động vật hoang dã. Bây giờ là thời điểm vàng để bắt đầu một chương trình nhân nuôi bảo tồn quốc gia nhằm tái hoang dã các khu bảo tồn, đồng thời duy trì và tăng cường các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là giảm nạn bẫy bắt động vật. Điều này sẽ cần các chính sách rõ ràng, đầy tham vọng cũng như sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Nhân Ngày quốc tế về đa dạng sinh học năm nay 2024 với chủ đề “Be Part of the Plan”-“Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”, chúng tôi mong muốn nhìn thấy nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng cư dân cùng chung tay hành động vì tương lai đa dạng sinh học của Việt Nam.

Cảm ơn ông

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024 (22/5) được Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề “Be part of the Plan” - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”, là lời kêu gọi các bên liên quan cùng đóng góp vào việc thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học trong thập kỷ “Phục hồi hệ sinh thái”. Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố đề nghị tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học, ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, nghiên cứu và áp dụng các giải pháp giảm ô nhiễm và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại