Chia năm xẻ bảy
Kể từ sau khi chiến dịch tiêu diệt IS ( tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi Giáo tự xưng) mang tên "Lá chắn Euphrate" tại Đông Bắc tỉnh Aleppo kết thúc bằng việc đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) nắm quyền kiểm soát thành phố al-Bab vào tháng 3 năm 2017 thì tình hình tại đây tương đối ổn định.
Tuy vẫn có một số giao tranh nhỏ giữa nhóm FSA Faylaq al-Sham là tàn quân tại Thành phố Aleppo và nhóm al-Hamza gồm phần lớn là người địa phương, nhưng kết quả chung cuộc cũng đã được giải quyết êm thấm.
Mặc dù nhóm khủng bố Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) không chính thức hoạt động tại đây, nhưng gần như toàn bộ các nhóm FSA đều có mối liên hệ mật thiết với Mặt trận al-Nursa (tiền thân của HTS) và là chi nhánh của al-Qaeda tại Syria.
Vào tháng 5 năm 2017, được sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng FSA tại Đông Bắc tỉnh Aleppo thành lập một lực lượng hỗn hợp riêng, lấy tên là Syrian National Army (Quân đội quốc gia Syria) gọi tắt là SNA. SNA được hình thành từ hơn 30 nhóm lớn nhỏ và được chia thành 3 quân đoàn có quân số khoảng 10,000 lính.
Tất cả 3 "quân đoàn" (với quân số tương đương Trung đoàn QĐNDVN) đều tham gia vào chiến dịch cành Oliu tại Afrin: Quân đoàn 1 (Lữ đoàn Samarkand lãnh đạo); Quân đoàn 2 (Lữ đoàn Sultan Murad lãnh đạo) và Quân đoàn 3 (Liên minh Faylaq al-Sham lãnh đạo).
Ngoài ra trong thời gian trước khi chiến dịch "cành Oliu", khoảng 2,000 -5,000 lính chủ yếu thuộc lữ đoàn Nour al-Din al-Zenki và Liên minh Faylaq al-Sham tại tỉnh Idlib cũng tham gia SNA khiến quân số tham gia chiến dịch này có thể huy động tối đa là 12,000-15,000 lính SNA.
Danh sách các nhóm FSA nằm trong 3 quân đoàn trên và mối quan hệ với al-Nursa.
A. Nhóm các lữ đoàn FSA quan hệ mật thiết với al-Nursa, phần lớn là có nguồn hỗ trợ tài chính của Ả rập Xê út và Qatar cùng với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm này chiếm 70% SNA.
1. Lữ đoàn North Storm: Hồi giáo cực đoan, hoạt động tại thành phố Azaz, Đông Bắc Aleppo.
2. Liên minh Faylaq al-Sham: Liên minh gồm hàng chục nhóm Hồi giáo cực đoan. Hoạt động tại 3 tỉnh Hama, Aleppo và Idlib.
3. Lữ đoàn Jaish al-Nasr: Hồi giáo ôn hoà. Hoạt động tại 3 tỉnh Hama, Aleppo và Idlib.
4. Lữ đoàn Jabhat al-Shamiya: Hồi giáo cực đoan. Hoạt động tại 2 tỉnh Aleppo và Idlib.
5. Lữ đoàn Nour ed-Din al-Zenki: Hồi giáo cực đoan. Hoạt động tại 3 tỉnh Hama, Aleppo và Idlib. Zenki chính là nhóm đã cùng với al-Nursa và Ahrar al-Sham thành lập lên HTS tuy nhiên lại tách ra năm 2017 và đang trong mối quan hệ lúc thì cộng tác, lúc thì giao tranh với HTS.
B. Nhóm các lữ đoàn do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tài chính 100%, ôn hoà hơn và mối quan hệ với al-Nursa không rõ ràng, nhóm này chiếm quân số 30% SNA.
6. Lữ đoàn Muntasser Bill: Hồi giáo ôn hoà, được hình thành sau khi al-Nusra đã không còn ở Đông Bắc Aleppo nữa.
7. Lữ đoàn Fatih Sultan Mehmet: Phần lớn là người Turkmen, không có thông tin cộng tác với Nusra,hoạt động chủ yếu ở 2 tỉnh Latakia và Aleppo.
8. Lữ đoànSultan Murad: Người Turkmen ôn hoà, không rõ có cộng tác với Nursa hay không, hoạt động chủ yếu ở tỉnh Aleppo.
9. Lữ đoàn Samarkand:Hồi giáo ôn hoà , không rõ có cộng tác với Nursa hay không.
10. Lữ đoàn al-Hamza: Lữ đoàn địa phương Đông Bắc Aleppo, Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoài ra còn hàng chục lữ đoàn chỉ còn phiên hiệu, quân số gần như quá ít gồm Lữ đoàn Suqour al-Jaber, Saladdin Afrin...
cờ Thổ Nhĩ Kỳ và các chiến binh SNA
Khoảng lặng trước bão lớn
Cho đến thời điểm hiện tại của chiến dịch cành Oliu, người Kurd đã chủ động rút khỏi hướng chính bắc của Afrin sau hơn 2 tuần giao tranh. Hai đầu cầu tấn công Bali Kaui và Shankal đã được nối thông tuy nhiên đà tiến của liên quân Thổ Nhĩ Kỳ và SNA rất chậm chạp.
Những kết quả nghèo nàn của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và SNA tại Afrin cho thấy, mặc dù tổ chức tốt, dùng quân số áp đảo với hoả lực mạnh và không quân hỗ trợ (20,000 lính so với lực lượng phòng thủ của người Kurd không tới 8,000 người) thì chiến tranh du kích - phản du kích là điều mà không một đội quân nào có thể cho là dễ dàng cả.
Người Kurd đang thể hiện họ là những chiến binh du kích cực kỳ thiện chiến khi liên tục quấy phá tuyến tiếp vận của Thổ Nhĩ Kỳ và SNA, tổ chức phục kích các đoàn xe chở nhu yếu phẩm hay các xe chở chỉ huy SNA.
Ngay cả đối với các lực lượng SNA mà tiền thân là FSA, sở hữu các chiến binh từng sát cánh bên lực lượng khủng bố al-Nursa vô cùng tinh nhuệ, có kinh nghiệm 8 năm nội chiến và chiến đấu du kích với Chính phủ Syria cũng phải nếm trái đắng.
Một số tin đồn cho biết chính vì những yếu kém trong tác chiến như trên mà SNA đang bắt liên lạc với HTS để các chiến binh HTS tại tỉnh Idlib tăng cường lên mặt trận này.
Đây là một cơ hội vàng cho HTS hiện diện tại khu vực mà nhóm khủng bố này chưa bao giờ có cơ hội tham chiến.
Bản đồ chiến sự ngày 1/2 ở Syria.
Chiến dịch nhành Oliu đã lộ ra mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là chiếm toàn bộ Afrin trong thời gian ngắn mà là tạo một vùng đệm - bàn đạp tổ chức các cuộc công kích tiếp theo vào sâu lãnh thổ Syria.
Điều này sẽ giảm thiểu thiệt hại cho chính Thổ Nhĩ Kỳ khi chiến trường được đẩy ra xa khỏi biên giới.
Cập nhật kết quả chiến dịch Cành Ô-liu của Thổ Nhĩ Kỳ tới 02/02/2018.
Với việc điểm nóng Afrin bất thần hạ nhiệt, còn tại tỉnh Idlib thì HTS đã bắt đầu rã ngũ. Các đơn vị HTS tại Idlib đang đầu hàng lực lượng Quân đội Ả rập Syria hay gia nhập IS hàng loạt, các hội đồng địa phương tại tỉnh Idlib đang nổi dậy và đuổi các chiến binh HTS ra khỏi làng của họ do lo ngại không kích của Nga.
Chúng ta cần tính đến việc HTS sẽ bỏ lại tỉnh Idlib và di chuyển sâu sang vùng Afrin, Đông Bắc Aleppo dựa vào mối quan hệ khăn khít của al-Nursa (nay là HTS) và FSA (nay là Quân đội Quốc gia Syria-SNA) đã nói ở trên.
Như vậy để tiêu diệt khủng bố tại Syria là một điều cực kỳ khó khăn vì các nước lớn trong khu vực đang tìm mọi cách tạo một vùng an toàn cho các tổ chức khủng bố tiếp tục trú ngụ và gây phức tạp thêm tình hình.
Trong một diễn biến khác thì thời gian tới Quân đoàn 5 (quân đoàn do Nga hỗ trợ với hoàn toàn trang bị mới của Nga) của quân đội Ả rập Syria (SAA) sẽ tiến vào Afrin khi các điều kiện thương thảo với người Kurd được thống nhất.
Và bất ngờ sau khi người Kurd chính thức mời Quân đội Syria tiếp quản thì lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và SNA sau khi chiếm làng Bulbul ở bắc Afrin thì bất thần tạm dừng công kích.
Đây là khoảng lặng trước cơn bão khi có thể leo thang chiến tranh giữa hai lực lượng SAA và HTS sẽ lan sang cả vùng Afrin và Đông Bắc Aleppo.
Có lẽ chỉ sau khi Chính phủ của tổng thống Assad cùng đại diện các lực lượng đối lập soạn thảo một hiến pháp mới thì cơ hội cho hoà bình tại Syria mới có thể rõ ràng.
Cho tới ngày đó người dân Syria nói riêng và người Trung đông nói chung vẫn tiếp tục chìm vào các cuộc xung đột bất tận, và các nhóm khủng bố như IS, HTS sẽ dựa vào những xung đột này mà càng lớn mạnh.