Một trong những bí mật khơi gợi trí tò mò nhất của Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất mà tới tận ngày nay vẫn chưa được giải quyết đó là những gì đã diễn ra với kho báu khổng lồ mà Romania tin tưởng giao cho đồng minh Nga cất giữ.
Bộ sưu tập kho báu đầy ấn tượng này không chỉ là khối lượng vàng dự trữ của Romania, ước tính khoảng 120 tấn, mà còn bao gồm cả một số lượng lớn đồ trang sức, các bức họa và tác phẩm nghệ thuật cũng như các di vật văn hóa rất giá trị.
Đến tận ngày nay, chỉ một phần rất nhỏ trong kho báu trên được trả lại chủ sở hữu mặc dù đã có rất nhiều các cuộc đàm phán kéo dài suốt cả thế kỷ qua.
Ngược dòng lịch sử
Romania chưa tham gia Thế chiến I cho tới tận năm 1916 khi nước này quyết định từ bỏ vị thế trung lập và gia nhập lực lượng đồng minh. Không lâu sau đó, Romania bị Đức chiếm đóng và buộc phải đưa ra quyết định chiến lược chuyển đầu não hành chính về Lasi ở Moldavia khi Thủ đô Bucharest bị chiếm giữ.
Cùng với việc chuyển trung tâm hành chính về Lasi, Chính phủ Romania cũng quyết định di chuyển kho dự trữ quốc gia với lo ngại nó có thể rơi vào tay các lực lượng chiếm đóng.
Tuy nhiên, đà tiến công của quân Đức buộc Chính phủ Romania phải đi tới một quyết định an toàn nhất là đưa kho ngân khố ra khỏi biên giới quốc gia. Biện pháp tốt nhất là tìm kiếm một đồng minh tin cậy nhất để giao phó.
Binh lính Romania hành quân ở Transylvania năm 1916
Xét trên khía cạnh an toàn thì lựa chọn đầu tiên là Mỹ hoặc Anh - nơi kho ngân khố có thể được lưu giữ tại Ngân hàng Anh quốc. Mặc dù có thể lựa chọn được nhiều nơi cất giữ nhưng Romania lại phải đối diện với một vấn đề là làm sao vận chuyển tới đó một cách an toàn nhất.
Thực tế, việc vận chuyển một khối lượng tài sản lớn như vậy sẽ gặp rất nhiều bất trắc, bởi bất cứ thứ gì được chuyển qua Trung Âu thời điểm đó đều phải đối diện với nguy cơ bị quân Đức bắt giữ, đặc biệt là nếu phải đi qua Bắc Âu.
Vì thế, Romania đã lựa chọn lưu giữ kho báu ở gần đất nước nhất và quyết định gửi nó tới Nga. Hai quốc gia sau đó ký kết một thỏa thuận để Kremlin cất giữ kho ngân khố cho Romania trong thời gian chiến tranh.
Quá trình vận chuyển
Sáng sớm ngày 15/12/1916, lượng hàng hóa giá trị này được chất lên một đoàn tàu hỏa gồm 25 toa, trong đó 4 toa chở theo lính bảo vệ và 21 toa chứa khoảng 120 tấn vàng thỏi và tiền vàng.
Tính theo thời giá hiện tại, các toa tàu trên có giá khoảng 7 tỷ USD, đó là chưa kể tới những tài sản giá trị khác tiếp tục được vận chuyển 7 tháng tiếp sau đó. Bởi trong bối cảnh chiến thắng của quân Đức ngày càng hiện hữu, Romania vẫn phải gửi thêm tài sản sang Nga cất giữ.
Lần này, hàng hóa không chỉ là tài sản dưới dạng tiền gửi ở ngân hàng quốc gia mà còn gồm cả những đồ cổ và những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, trong đó có cả các bức họa và bản thảo viết tay quý hiếm từ thời Trung Cổ. Ngoài ra, còn có một số lượng lớn trang sức thuộc sở hữu của hoàng tộc Romania.
Do đặc thù của kho báu nên gần như không thể ước tính được giá trị thực sự của nó mặc dù một số tính toán cho rằng lô hàng thứ hai thậm chí còn có giá trị lớn hơn lô thứ nhất chỉ xét riêng về góc độ tài chính chứ chưa tính tới giá trị văn hóa và lịch sử.
Tiền cổ Dacia
Những nỗ lực lấy lại kho báu
Khi chiến tranh Thế giới thứ Nhất kết thúc, cách mạng Nga bùng nổ và sự can thiệp của quân đội Romania vào Bessarabia, mối quan hệ giữa Romania và Nga đổ vỡ. Tất cả các quan hệ ngoại giao với Romania bị cắt đứt và kho báu đã bị Liên Xô tịch thu.
Nhiều năm trôi qua, Romania đã liên tục nỗ lực đòi lại kho báu nhưng gần như không thành công. Mặc dù cũng đạt được một số nhượng bộ nhưng chỉ một phần rất nhỏ kho báu được trả lại.
Nỗ lực thứ nhất diễn ra năm 1922 nhưng không mang lại bất cứ kết quả có ý nghĩa nào. Lần thứ hai là vào năm 1935, có phần khả dĩ hơn, và Romania đã giành lại được một số từ kho ngân khố.
Nỗ lực thứ 3 năm 1956 thành công hơn khi Nga đồng ý trả lại một số bức họa và di vật cổ. Quan trọng nhất trong số này là kho báu Pietroasele. Đây là bộ sưu tập các vật thể bằng vàng ròng, được phát hiện ở thị trấn Pietroasele của Romania năm 1837 nhưng có niên đại từ cuối thế kỷ thứ Tư.
Ngày nay, vị trí thực sự của kho báu không được biết bởi nó đã được di chuyển lần thứ hai. Nhiều thông tin cho thấy, trong Thế chiến thứ Hai, kho báu đã được chia nhỏ và chuyển từ Moscow sang nhiều địa điểm khác để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, khi được vận chuyển ra khỏi Moscow, các container đã không được đánh dấu theo yêu cầu và nhiều vật thể có thể đã bị thất lạc. Minh chứng cho điều này là một số sau đó đã được trả lại. Thùng chứa bị cậy nắp, các tài sản trong đó bị mất.
Đồ vật trong bộ sưu tập Pietroasele Treasure
Các cuộc đàm phán gần đây
Trong suốt thế kỷ 20 và 21, nhiều chính phủ Romania kế nhiệm đã liên tục cố gắng đàm phán nhưng đều không thành công trong nỗ lực lấy lại kho báu. Tình hình thậm chí còn không cải thiện sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nhà lãnh đạo Nga kế nhiệm không muốn đàm phán với Romania về việc trả lại kho báu.
Ngày nay, các cuộc thương thảo vẫn duy trì và được tổ chức trong khuôn khổ "Ủy ban về Vấn đề Kho báu Nga - Romania". Hai bên vẫn gặp nhau định kỳ để khởi động lại đàm phán và thúc đẩy thương thuyết cũng như thực hiện các nghiên cứu xác định tài sản mất tích.
Mặc dù vậy, tình hình hiện tại vẫn rơi vào bế tắc. Tiến trình bị cản trở một phần bởi thiếu thông tin chính xác về các vị trí cất giấu các tài sản và nhiệm vụ bất khả thi là tính toán giá trị các vật thể mất tích.
Những vũ khí Liên Xô đã nghiền nát Phát xít Đức trong Thế chiến II