Năm 1986, tôi tròn 6 tuổi, chị gái tôi lên 8. Khi đó cả nhà rất nghèo. Mẹ tôi ngoài giờ đi dạy thì vẫn phải tất bật cày cấy như những nông dân thực thụ. Do có ít thời gian cho đồng ruộng hơn nên bà thường phải làm gần như gấp đôi những người nông dân khác trong làng.
Bố mẹ vắng nhà, anh trai phải phụ trách việc cơm nước, hai chị em tôi thường tha thẩn chơi cùng nhau và mong bố mẹ sớm về.
Một hôm, bố mẹ đi gặt về muộn, chị gái tôi lẳng lặng chạy tắt qua vườn nhà hàng xóm để ra đầu làng ngóng mẹ. Nhưng ở khu vườn không có rào chắn là một cái bẫy chết người, đó là cái hố vôi mới được đào lên để tôi vôi từ chiều.
Ngày xưa ở miền Bắc hầu như nhà nào cũng có cái thùng - hố vôi. Đó là chỗ tôi vôi sống. Đá vôi gặp nước sôi ùng ục, lúc này nhiệt độ của hố vôi đủ nấu chín mọi thứ.
Chị gái tôi sa 1 chân xuống cái hố tử thần đó. Rất may sau vài giờ nó đã nguội bớt nhưng vẫn khiến chị tôi bỏng nặng, tuột cả da ở phần chân. Không hiểu bằng cách nào mà đứa trẻ 8 tuổi như chị bám víu vào cây cỏ đề không rơi cả người xuống hố. Chị tôi lê được lên vườn rau lang và nằm ngất đi ở đó.
Mẹ tôi kể lại, đột nhiên bà thấy ruột gan nóng như lửa đốt không tài nào gặt tiếp được nên chạy lao về rồi lồng lên đi tìm đứa con của mình. Chị tôi được mẹ tìm thấy đưa đi bệnh xá cứa chữa kịp thời.
Cái kỷ niệm rợn người đó gia đình tôi sau này rất ít nhắc tới. Ai cũng sợ nó sẽ là điều xui rủi ập đến nếu cứ nghĩ và nhắc về nó.
Khi còn bé tôi chỉ nghĩ chuyện cứu được chị gái là điều đương nhiên mà cha mẹ phải làm. Trí óc non nớt không giúp tôi cắt nghĩa được rằng, người mẹ từ khi nuôi dưỡng mầm sống bé nhỏ trong cơ thể mình thì giữa họ và đứa con đã hình thành nên mối giao cảm diệu kỳ.
Đó là linh cảm là bản năng che chở, bao bọc, yêu thương. Tình yêu, sự bao bọc đó sẽ đi hết cuộc đời người mẹ. Ngay cả khi đứa con đã trưởng thành, đủ lông đủ cánh thì trong mắt họ nó vẫn là đứa con bé bỏng, ngốc nghếch và luôn cần bảo vệ.
Tôi từng xem nhiều bộ phim về thế giới khủng long. Các "mẹ" khủng long có thể điên cuồng phá nát cả khu rừng, phá hết mọi thứ cốt chỉ để tìm lại chú khủng long con hay chỉ một quả trứng bị đánh cắp.
Và dù yếu ớt hơn nhiều, một con gà mái vẫn luôn sẵn sàng xù lông, bất chấp nguy hiểm để lao vào con vật khác to lớn, dữ dằn hơn cốt chỉ mong sao che chở cho đàn con bé bỏng của mình.
Ở thế giới tự nhiên này, không có gì mạnh hơn bản năng, sức mạnh của người mẹ. Đó là thứ tình cảm vĩnh hằng, tuyệt đối không bao giờ thay đổi.
Tất nhiên, không phải mọi linh giác của người mẹ bao giờ cũng đúng nhưng chỉ cần họ mơ hồ nhận thấy sự bất ổn của đứa con, bản năng làm mẹ sẽ thôi thúc bắt họ phải làm gì đó để chắc chắn thấy con họ đã an toàn.
Ngày hôm qua, câu chuyện một cậu bé 10 tuổi tại Hà Nội bị bố đẻ, mẹ kế bạo hành đến rạn họp sọ, gãy xương sườn khiến rất nhiều người ám ảnh. Bên cạnh những lời chửi mắng dành cho hai kẻ mất nhân tính thì không ít người cũng đặt câu hỏi, mẹ cháu bé đã ở đâu, làm gì khi con mình bị bạo hành ròng rã 2 năm trời mà không hề hay biết?
Trả lời báo chí, người mẹ cho rằng, do bố cháu - chồng cũ liên tục chuyển chỗ ở, không cho gặp mặt con, không cho hai mẹ con nói chuyện... Và chị nghĩ rằng, chồng cũ của mình sẽ không bao giờ làm hại đứa con chung bé nhỏ của hai người. Nhiều người thông cảm với chị, nhưng tôi thì lại đặt những câu hỏi giá như…
Hai năm không gặp con, 2 năm không nói chuyện để biết về sức khoẻ, về cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn của con. 2 năm không nhìn thấy con lớn lên, hai năm không được cầm tay, ôm thằng bé vào lòng, sẽ là quãng thời gian rất dài và thường là không chịu nổi với một người mẹ...
Và quan trọng nhất, hai năm qua đứa con chị dứt ruột đẻ ra đang ở với người mẹ kế. Dù không phải mọi người mẹ kế đều có vấn đề, nhưng rõ ràng việc người mẹ đẻ không cố gắng đến cùng để gặp con, là điều sẽ còn cắn rứt lương tâm chị nhiều năm tháng về sau nữa. Cậu bé thậm chí còn có thể đã thiệt mạng bởi những cú đá tàn bạo của bố và những trận đòn roi không ghê tay của mẹ kế.
Hai năm là hơn 700 ngày, hai năm là hàng vạn giờ, là quãng thời gian đằng đẵng thằng bé không được nếm trải tình mẫu tử thực sự. Nó không biết mẹ mình đang ở đâu, bao lần nó đã phát những "bước sóng" để tìm mẹ với hy vọng mong manh, linh cảm của mẹ, bản năng của mẹ sẽ trỗi dậy rồi tìm mọi cách để gặp nó.
Thậm chí, nếu phải san phẳng mọi thứ thì chắc mẹ nó cũng sẽ quyết làm. Nhưng chắc trong những giây phút bị giam cầm, thằng bé đã thất vọng. Khi không còn sức lực, tinh thần để chịu những trận đòn roi kinh hoàng của bố và mẹ kế giáng xuống nó mới quyết tâm bỏ trốn.
Sau thảm kịch bạo hành kinh hoàng với đứa trẻ lên 10 này, chúng ta có thể đổ tội cho bố đứa bé quá tàn ác, mất hết nhân tính; đổ lỗi cho người mẹ kế của cháu quá dã man, ông bà nội ngoại quá vô tư, vô tâm không hỏi han gì đến đứa cháu mình trong suốt 2 năm.
Nhưng có lẽ, cần phải thẳng thắn nói rằng, người mẹ của đứa bé đó đã không có đủ hành động cần thiết để thể hiện tình yêu thương cho đứa con của mình. Khi không có đủ điều đó thì sẽ có nhiều cách lý giải cho việc xa mặt cách lòng dù hai mẹ con đang ở ngay cùng một thành phố.
Nếu thực sự cảm thấy bất lực trong việc tìm kiếm thông tin về con, chị có thể nhờ họ hàng, bạn bè, cơ quan chức năng và thậm chí là cộng đồng mạng.
Nhưng điều đó đã không xảy ra, chỉ đến khi thằng bé suýt chết phải bỏ trốn thì chị mới biết.
Ở xã hội hiện nay, chuyện vợ chồng bất hoà rồi ly dị ngày càng nhiều. Nếu sau mỗi cuộc ly dị vợ - chồng đó, lại kèm theo một cuộc ly dị mẹ - con, cha - con; nếu những người mẹ quên đi hoặc không nỗ lực để nối sợi dây linh cảm và bản năng làm mẹ, thì sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những đứa trẻ phơi mình trần trụi trước bạo lực.