Bao giờ hết nạn bạo hành trẻ em?
Sáng sớm nay tôi ngồi viết linh tinh trong khi đài FM mở để nghe tin. VOV đang bàn làm thế nào để tránh bạo hành trẻ nhỏ. Có cả chuyên gia UNICEF và trong nước vào cuộc, từ giáo dục, pháp lý đến phương tiện, kể cả lắp camera tại các lớp.
Ngay lúc đó ngoài cổng nhà có chị bán phở sáng. Một bà mẹ đang quát đứa con "Há mồm ra, nuốt nhanh đi còn đến lớp. Nào, khóc gì, tát cho cái bây giờ. Tao mà đi làm muộn, lấy c*t mà ăn". Tiếp theo là tiếng nức nở của đứa bé. Ngày nào cũng vậy, bữa sáng của không ít đứa trẻ là nước mắt chan cơm, sự căm giận của cha mẹ đổ lên đầu trẻ thơ.
Một lần khác, ông già tới ăn và nhìn đứa trẻ, chào ông chưa. Đứa bé nhìn và không nói gì, có quen đâu mà chào. Bà mẹ trẻ tỏ ra muốn dạy con, chào ông đi. Cháu không chào, và màn quát nạt của cả người già và người trẻ đến khi đứa bé khóc lặng và bị ăn tát.
Đài báo bàn cứ bàn, người đẻ ra trẻ mắng con cứ mắng, dường như cái nôi của tuổi thơ là gia đình, là vòng tay yêu thương của bố mẹ, không còn nơi trú ngụ. Thử hỏi rằng cô bảo mẫu, cô nuôi dạy trẻ, bà giúp việc, có thể yêu đứa bé hơn chính cha mẹ của các cháu?
Quan niệm từ thời phong kiến của dân ta thật lạ lùng "yêu cho roi cho vọt" và dĩ nhiên nếu ghét "càng phải ăn đòn". Cả xã hội chấp nhận như thế. Thấy một đứa trẻ hàng xóm bị đánh đập tàn bạo thì nhà bên thản nhiên bảo nhau "Thằng ấy láo lắm, tẩn cho nó chết".
Đứa trẻ ấy lớn lên trong bạo lực sẽ mang máu bạo lực trong người. Đó chính là vòng luẩn quẩn "bạo lực sinh ra bạo lực" trong gia đình, nhà trường và xã hội. Tuổi thơ bị ngược đãi thì lớn lên nó cũng sẽ ngược đãi người khác, kể cả con cái mình đẻ ra, kể cả khi lên làm lãnh đạo, coi người dân như cỏ rác, vô trách nhiệm với đời.
Nước ta đã có luật bảo vệ trẻ em, rồi cũng là một trong những quốc gia sớm nhất ký Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, nhưng các em nhỏ từ sơ sinh đến tuổi học trung học phổ thông vẫn bị đánh, tát tai, bị chửi rủa, nhục mạ.
Công an nhìn thấy thì coi đấy là "dạy con đương nhiên phải thế". Đến khi một đứa trẻ bị keo dán miệng đang nằm hấp hối, bé đẻ vài tháng bị người giúp việc hành hạ, tung lên như quả bóng, mới chợt nhận ra có gì không ổn trong cách dậy theo truyền thống "yêu cho roi cho vọt". Nạn bạo hành đối với trẻ em đã đi quá xa.
« Không ai có quyền cấm tôi khóc »
Nhiều bài viết viết rất hay về quyền trẻ em nhưng trong cuộc sống, rất nhiều ông bố bà mẹ, và người lớn vẫn thích đá đít trẻ hơn là khuyên bảo như ông bố bà mẹ cho con ăn phở sáng.
Thời hiện đại mở cửa, có dịp ra nước ngoài, nhất là các nước phương Tây, nếu mới nhìn qua dễ thấy dân Tây không thích có con. Điều đó có lẽ đúng. Vì nếu có con nhỏ, đó là ràng buộc trách nhiệm rất cao. Pháp luật bắt ngươì làm cha mẹ phải nuôi đứa bé đến trưởng thành là 18 tuổi.
Luật qui định không được đánh trẻ hay nhục mạ chúng mà chỉ có thể khuyên bảo dù đó là cha mẹ, thầy cô giáo hay tổng thống. Họ vạch ra ranh giới rất rõ: Đánh trẻ con bất kỳ trong trường hợp nào cũng phạm luật.
Nếu bố mẹ đánh con, cảnh sát đến chỉ hỏi đứa trẻ và tin lời đứa trẻ. Họ không nghe bất kỳ lời giải thích nào của người lớn. Nguyên qui định đó đã hạn chế được cả quốc gia không đánh trẻ con. Các bậc cha mẹ, thấy cô giáo phải kiên nhẫn vô cùng khi trẻ hư để không chạy đi tìm roi.
Nhớ chuyện tôi viết về con trai từng đi nhà trẻ ở Việt Nam và sau đó học lớp 1 ở Virginia (Mỹ) nên biết so sánh. Rủ về nghỉ hè ở Việt nam thì cháu ra điều kiện "Con về thăm hai bà và nhà cũ ở Trích Sài nhưng sẽ sang Mỹ học. Con không học ở Việt Nam vì cô giáo hay mắng và cốc đầu".
Bốn tuổi cháu đã nói câu đó và sau đó vài năm vẫn nhắc lại. Đó là sự lựa chọn của đứa trẻ không biết nói dối, bởi cháu đã được hưởng "quyền cho trẻ em" rất rõ ràng.
Hàng ngày, cháu đi học có xe bus đón gần nhà rất đúng giờ. Khi xe ôtô đến, biển tín hiệu STOP được gạt ra bên hông xe – tương tự tín hiệu đèn đỏ ngã tư – tất cả các xe cùng chiều hay ngược chiều dù đường có sáu làn xe đều phải dừng lại đợi cho xe bus đón các cháu xong, các ô tô khác mới được phép đi.
Buổi sáng, người ta thường đi làm rất vội. Tuy nhiên, ai cũng tự giác thực hiện, nếu vi phạm sẽ bị phạt vài trăm đô la.
Trong giờ học các cháu được học theo chương trình khá chặt chẽ theo từng lứa tuổi. Họ cũng có hình phạt tượng trưng. Nếu cháu nào phạm lỗi thì có một cái ghế riêng time-out và được mời ra ngồi im trong 5-10 phút. Đó là cách phạt nặng nhất của lớp.
Một lần, tôi cho cháu bé thứ hai vào bệnh viện Nova của tiểu bang chữa bệnh. Ngoài sự tiếp đón ân cần và chu đáo của hộ lý, bác sỹ, tôi để ý đến nội qui viết về quyền của trẻ tại bệnh viện bằng tiếng Việt: "Tại bệnh viện Nova này, tôi (đứa trẻ) có quyền được ăn uống, đi vệ sinh bất cứ lúc nào. Ngoài ra, không ai có quyền cấm tôi khóc".
Bố mẹ thì khác. Để có nhà ở, xe hơi đi, con cái được học hành thì cha mẹ phải lao động cật lực.
Không mua bảo hiểm thì một lần ốm sẽ mất hết gia tài. Mua cái nhà giá 400 ngàn trả góp 30 năm, gốc lãi sẽ thành cả triệu, hàng tháng phải trả khoảng từ 1500 đến 2000 đô. Với lương khoảng 70 ngàn đô la một năm chỉ vừa đủ tiền nhà, tiền xe, tiền thuế, bảo hiểm và tiền ăn, không còn đồng nào tiết kiệm.
Nếu trong 30 năm ấy bị mất việc, không có tiền trả ngân hàng thì cái nhà kia sẽ mất và thành vô gia cư. Nuôi đứa con lớn lên trong môi trường đó không đơn giản chút nào.
Pháp luật và xã hội ràng buộc chặt chẽ để các bậc cha mẹ và nhà trường phải sản sinh ra những sản phẩm tinh thần cao cấp. Sự cạnh tranh khốc liệt bắt người ta phải tiến lên và tự giác lao động, không dám phạm luật vì đánh trẻ, bị tòa án sờ gáy là mất việc làm.
Hệ thống pháp luật chặt chẽ, giáo dục vì con người, có môi trường để con người phát triển và tự giác lao động, mới mong xã hội tiến lên và bớt đi nạn bạo hành trẻ em.
Nếu còn cảnh cha mẹ hành hạ trẻ thơ mỗi khi ăn phở sáng mà không bị pháp luật sờ gáy thì không mong một sớm một chiều hết nạn bạo hành trẻ em kể cả khẩu hiệu đầy đường hay lắp camera trong lớp.
>> Xem thêm clip: Hành trình bỏ trốn khỏi nhà bố và mẹ kế của cháu bé 10 tuổi bị bạo hành ở Hà Nội (Dựng video: Luyên NT)
Hành trình bỏ trốn khỏi nhà bố và mẹ kế của cháu bé 10 tuổi bị bạo hành