Khẩu B41 của “bông sen thép” Hoàng Đăng Miện

Cao Thảo |

Tại triển lãm “Nghĩa tình đồng đội” được tổ chức vào tháng 7/2017, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trưng bày hiện vật khẩu B41 của anh hùng, liệt sĩ Hoàng Đăng Miện.

Đây là một hiện vật thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách tham quan bởi phía sau đó là một câu chuyện cảm động về tinh thần chiến đấu quật cường về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Hoàng Đăng Miện.

Anh hùng, liệt sĩ Hoàng Đăng Miện sinh năm 1953 tại Thôn Đông Bình, xã Thịnh Đức, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc (nay là Thôn Đông Bình- Thị trấn Gia Bình - Huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).

Năm 1971, khi vừa tròn 18 tuổi, Hoàng Đăng Miện đã gác lại bút nghiên, tạm xa gia đình, quê hương kinh Bắc để vào chiến trường vì lý tưởng cao đẹp quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

Những ngày đầu tháng 6/1971, tân binh Hoàng Đăng Miện được điều động sang chiến trường Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng thuộc nước bạn Lào và biên chế trong đội hình của Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312.

Sau đó, anh được biên chế vào khẩu đội Đại liên của Sư đoàn. Vốn là người nhanh nhẹn, hoạt bát, ham học hỏi, Hoàng Đăng Miện có khả năng sử dụng thành thạo các loại súng khiến đồng đội rất thán phục.

Một thời gian sau, anh được điều sang Đại đội 9, trở thành xạ thủ súng phóng lựu B40, B41… Và khẩu B41 được trang bị cũng chính là khẩu súng theo anh chiến đấu đến giây phút cuối cùng trong cuộc đời người lính.

40 năm là khoảng thời gian đủ dài để con người ta quên đi nhiều thứ giữa vòng xoáy cuộc đời, nhưng với Cựu chiến binh Nguyễn Quang thì những ký ức về chiến tranh, về người đồng đội Hoàng Đăng Miện vẫn còn nguyên vẹn, tươi mới như ngày hôm qua.

Trong một lần đến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, được tiếp xúc với cán bộ sưu tầm, ông đã chia sẻ những ký ức về người đồng đội của mình. Ông Quang nói:

"Hoàng Đăng Miện có nét mặt thanh tú, điển trai, nụ cười tươi rói, hiền lành nhưng khi ra trận chiến đấu rất lỳ và gai góc đến lạ, cậu ấy có biệt tài sử dụng thành thạo súng B41, mỗi lần bóp cò là mục tiêu bị diệt gọn".

Trong một chiến dịch có mật danh "Z139", Hoàng Đăng Miện thuộc biên chế Sư đoàn 312 đã đạt nhiều thành tích xuất sắc khi tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, góp phần vào thắng lợi chung của đơn vị. Anh nổi lên như một ngôi sao và được đồng đội tặng cho biệt danh là "bông sen thép", loài hoa mang tính biểu tượng cho ý chí, sức sống mãnh liệt của dân tộc.

Tháng 4/1971, Sư đoàn 312 rời chiến trường Lào về nước, đến tháng 6/1972 thì tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch tiến công Trị - Thiên, một trong ba chiến dịch lớn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Mặt trận Trị Thiên từ những ngày cuối tháng 6 cho đến tháng 9/1972, chiến sự diễn ra phức tạp, giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Các đơn vị bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã kiên cường giữ vững trận địa dưới hỏa lực bom đạn cực kỳ ác liệt, trong điều kiện tương quan lực lượng chênh lệnh không có lợi cho ta.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, Hoàng Đăng Miện đã sử dụng súng B41 bắn 30 quả đạn, phá hủy 20 mục tiêu, diệt 70 tên địch.

Trong các trận đánh tại Như Lệ và trận đồi Cây mít, Hoàng Đăng Miện vẫn là xạ thủ B41 dày dặn kinh nghiệm. Ngày 9/9/1972, trong khi tiến công Đồi Cháy, một điểm cao nằm ở phía Đông Nam Như Lệ (Hải Lệ, Hải Lăng, Quảng Trị) Hoàng Đăng Miện đã kiên cường chiến đấu đến cùng và anh dũng hy sinh khi anh vừa lên thay chỉ huy đại đội.

Khi hy sinh, đôi tay anh vẫn giữ chặt lấy khẩu B41 như sắp nhả đạn về phía quân thù. Trong trận chiến ấy, quân ta đã làm chủ Đồi Cháy nhưng Hoàng Đăng Miện đã mãi mãi nằm lại nơi này khi mới 19 tuổi. Máu thịt của anh hòa vào đất mẹ để ươm mầm cho cây hòa bình hôm nay được mãi mãi xanh tươi. Tổ quốc đời đời ghi nhớ những hy sinh quả cảm của anh.

Khẩu B41 của “bông sen thép” Hoàng Đăng Miện - Ảnh 1.

Khẩu B41 của anh hùng, liệt sỹ Hoàng Đăng Miện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Cuộc đời binh nghiệp của Hoàng Đăng Miện chỉ vẻn vẹn 19 tháng nhưng những cống hiến của anh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc hết sức to lớn, là tấm gương sáng để đồng chí, đồng đội noi theo, góp phần không nhỏ đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

Dấu ấn tuổi hai mươi của Hoàng Đăng Miện sẽ sống mãi với non sông, đất nước.

Với những thành tích đạt được qua 19 tháng chiến đấu trong quân ngũ, Hoàng Đăng Miện đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, 2 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba, 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng, 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Ngày 23/9/1973, Hoàng Đăng Miện được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang giải phóng.

Khẩu B41 của anh hùng, liệt sĩ Hoàng Đăng Miện có số đăng ký: 6526 - K3/1653 đang được Bảo tàng Lịch sử Quân sư Việt Nam lưu giữ, bảo quản. Tháng 7/2017, khẩu súng B41 được lựa chọn trưng bày tại triển lãm "Nghĩa tình đồng đội" do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại