Sự thay thế sáng giá?
Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35. Ông Trump từng hỏi tập đoàn Boeing về một giải pháp thay thế F-35, việc làm này khiến cổ phiếu của Lockheed Martin lao dốc không phanh.
Nhận xét về ý tưởng của ông Trump, Trung tá David Berke, cựu chỉ huy phi đội F-35B đầu tiên của Thủy quân lục chiến Mỹ nói với Business Insider rằng: Ý tưởng nâng cấp một máy bay chiến đấu cũ để làm thay công việc của F-35 rõ ràng là không hợp lý.
Gói nâng cấp Advanced Super Hornet sẽ nâng cao sức mạnh cho tiêm kích hạm tốt nhất thế giới. Ảnh: Business Insider
Tuy nhiên, việc nâng cấp F/A-18 là cần thiết để bổ sung cho F-35. Phiên bản hiện đại hóa của Hornet có thể cung cấp khả năng tốt hơn F-35 ở một số lĩnh vực.
Dan Gillian - Phó chủ tịch chương trình F/A-18 và EA-18G của Boeing nói rằng, ngay cả khi F-35C đi vào hoạt động trên tàu sân bay, năng lực hàng không Hải quân Mỹ vẫn phụ thuộc vào F/A-18 đến năm 2040.
Boeing đang có kế hoạch nâng cấp F/A-18 để bù đắp các khoảng trống tạm thời. Biến thể nâng cấp được gọi là Advanced Super Hornet - sửa đổi từ chiếc F/A-18E/F Super Hornet.
Ông Gillian cho biết thêm, Boeing có thể bắt đầu sản xuất Advanced Super Hornet chậm nhất từ đầu năm 2020. Vậy phiên bản mới nhất trong gia đình tiêm kích hạm chủ lực của Mỹ có gì khác biệt? Mẫu chiến đấu cơ lừng danh này có thể so sánh với F-35 hay không?
Những điểm mới
Theo ông Gillian, về cơ bản, Advanced Super Hornet không khác quá nhiều Super Hornet vì nó được phát triển dựa trên khung máy bay sẵn có. Những thay đổi đáng kể nhất bao gồm:
Máy bay được bổ sung thùng nhiên liệu đa giác phía trên gốc cánh chính, giúp mở rộng tầm bay khoảng 231 km; Trang bị radar tiên tiến, lắp đặt thêm hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại cho phép phát hiện các đối tượng tàng hình; Nâng cao khả năng tác chiến điện tử với một số giải pháp công nghệ áp dụng từ EA-18G Growler.
Phiên bản mới là sự bổ sung hợp lý để bù đắp các thiếu sót trên F-35. Ảnh: Aviation Week
Advanced Super Hornet sẽ có khả năng tự bảo vệ và tấn công điện tử mà không quá phụ thuộc vào EA-18G. Trong buồng lái có một màn hình cảm ứng 19 inch, về cơ bản đây là một chiếc Ipad lớn dành cho máy bay, giúp phi công quản lý tất cả thông tin thu được từ cảm biến trong một mạng lưới thống nhất.
Ông Gillian nói tiếp, tính năng này trên phiên bản mới hoàn toàn có thể so sánh với F-35. Cải tiến hệ thống điện tử khiến chiếc tiêm kích trên ngắm được mục tiêu theo dữ liệu cung cấp từ F-35 hoặc máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye.
Gói nâng cấp bao gồm cả thay đổi về khí động học, khiến diện tích phản xạ radar giảm 50% so với phiên bản cũ. Ngoài ra, động cơ đã được cải thiện hiệu suất và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Tuy nhiên Boeing có vẻ như chưa tính đến khả năng chế tạo động cơ mới vì sẽ làm tăng chi phí của chương trình.
Mặc dù Advanced Super Hornet sở hữu hiệu suất tác chiến vượt trội phiên bản cũ, nhưng quan điểm thiết kế là đi cùng và bổ sung cho F-35 chứ không phải để thay thế nó.
Ông Gillian nhấn mạnh, đến năm 2040, sức mạnh hàng không của mỗi tàu sân bay Mỹ sẽ dựa trên 3 phi đội F/A-18 và 1 phi đội F-35C. Hai loại chiến đấu cơ này sẽ hỗ trợ và khỏa lấp thiếu sót cho nhau nhằm tăng cường sức mạnh cho Hải quân Mỹ.
F/A-18 có lợi thế về tải trọng vũ khí, tốc độ; trong khi ưu điểm của F-35 nằm ở tính tàng hình, cảm biến tinh vi. F-35 sẽ bí mật tiếp cận khu vực phòng không đối phương để chỉ thị mục tiêu cho F/A-18 tiêu diệt. Nếu không có F/A-18, F-35 khó lòng duy trì được ưu thế cho hàng không Hải quân Mỹ.
Advanced Super Hornet không thể thay thế cho F-35 và Boeing chưa từng có ý định như vậy. F/A-18 chưa từng đảm nhiệm vai trò máy bay xâm nhập không phận, nhưng tương lai của nó sẽ là hiện diện trên tàu sân bay Mỹ trong nhiều thập kỷ tới.