Bất chấp những lời đe dọa trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước đã bắn thử ít nhất một tên lửa của hệ thống phòng không S-400 nhằm thể hiện quyết tâm kích hoạt hệ thống này, nhưng Ankara có thể cũng đang để mắt đến các mục tiêu khác, theo Al-Monitor.
Trong khi Ankara không xác nhận cũng như phủ nhận vụ thử kéo dài 6 giờ, một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm hệ thống S-400.
Thổ Nhĩ Kỳ vượt lằn ranh đỏ
Trước đó, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra thông báo về các tên lửa không xác định sẽ được bắn gần thành phố Sinop, Biển Đen vào giữa tháng 10.
Các chuyên gia phân tích đã xác định đây là tên lửa 40N6E của S-400 dựa trên góc độ và đường bay. Hai cuộc kiểm tra khác dự kiến sẽ diễn ra trong cùng khu vực vào ngày 19/10.
Cuộc thử nghiệm đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình kích hoạt hệ thống S-400 - một ranh giới đỏ mà Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ - sau các cuộc tập trận trước đó vào tháng 11/2019, khi Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng chiến đấu cơ F-16 và F-4 để kiểm tra năng lực radar hệ thống do Nga sản xuất.
Bước cuối cùng trước khi kích hoạt sẽ là việc Ankara chỉ định các đơn vị vận hành tên lửa S-400 và xác định nơi làm nhiệm vụ.
Vẫn chưa rõ nơi đóng quân của bốn tổ hợp tên lửa S-400, nhưng một khẩu đội gần như chắc chắn sẽ được đặt ở Ankara. Với sự hiện diện mạnh mẽ về mặt quân sự ở biển Aegean và Đông Địa Trung Hải, hai khẩu đội khác có khả năng sẽ đóng quân ở các khu vực đối diện khu vực này. Khẩu đội thứ tư có thể tới biên giới Syria hoặc Armenia.
Cuộc thử nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra vào thời điểm Washington đang bận tâm đến cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11. Trước các thông tin về động thái chuẩn bị kích hoạt S-400, phía Mỹ và NATO tiếp tục đưa ra những lời phản đối mạnh mẽ.
Thời điểm vàng
Cuộc thử nghiệm S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện vào thời điểm vàng.
Theo các nhà quan sát, thời điểm Ankara thực hiện cuộc thử nghiệm không phải là điều ngẫu nhiên mà hoàn toàn có những tính toán.
Nhiều người tin rằng Ankara đang có các bước đi nhằm tăng cường đòn bẩy trước viễn cảnh ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11. Lập luận dựa trên giả định rằng Ankara đang sử dụng S-400 để thu hút sự nhượng bộ từ Washington trong các vấn đề gây tranh cãi khác như đông bắc Syria, nơi Mỹ đang hậu thuẫn cho người Kurd.
Theo đó, Ankara có thể lùi bước sau khi kích hoạt hoàn toàn S-400, nhưng điều này tùy thuộc vào những nhượng bộ đạt được từ phía Mỹ.
Tuy nhiên, có những quan điểm khác lại tin rằng Ankara đã quyết tâm kích hoạt S-400 từ lâu và không có ý định lùi bước. Theo quan điểm này, S-400 sẽ phản ánh nỗ lực "độc lập" của Thổ Nhĩ Kỳ khỏi khối an ninh phương Tây và NATO.
Nói cách khác, lập luận cho rằng, S-400 là biểu tượng của vị thế địa chính trị mới và sự tự tin của một Thổ Nhĩ Kỳ đang khẳng định mình là một cường quốc độc lập trong khu vực.
Một quan điểm khác tập trung vào các vấn đề trong nước của Chính phủ. Thổ Nhĩ Kỳ đang vướng vào một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc đang ảnh hưởng nặng nề đến người dân.
Do đó, Ankara cần "những câu chuyện thành công" trên trường quốc tế để khơi dậy tình cảm dân tộc chủ nghĩa và đánh lạc hướng công chúng, sẵn sàng bất chấp rủi ro chính sách đối ngoại để duy trì sự ủng hộ của người dân. S-400, được coi là biểu tượng cho nền độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ, đang phục vụ mục đích này một cách không thể nào tốt hơn.
Cuối cùng, một số nhà quan sát rút ra mối liên hệ giữa vụ bắn thử và mối quan hệ ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ với Ukraine. Cùng ngày S-400 được thử nghiệm, Tổng thống Erdogan đã tiếp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Istanbul.
Hai bên đã ký kết các thỏa thuận hợp tác quân sự nhằm nâng cao sự hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng lên cấp độ "đối tác chiến lược". Do đó, cuộc thử nghiệm tên lửa S-400 nhằm mục đích trấn an Nga, quốc gia có quan điểm xung đột với Ukraine.
Quan hệ đối tác chiến lược Thổ Nhĩ Kỳ-Ukraine về cơ bản có thể làm thay đổi địa chính trị ở khu vực Biển Đen và chắc chắn sẽ khiến Moscow khó chịu, mặc dù vẫn chưa thấy phản ứng chính thức từ nước này.
Về cơ bản, cả bốn lập luận trên đều có lý và dường như đã góp phần vào quyết định của Ankara trong việc tiến hành thử nghiệm S-400 ở một mức độ nhất định. Điều quan trọng hơn, thời điểm mà Ankara tiến hành là khá khôn ngoan vì cả Washington và Moscow hiện đang bận rộn với các ưu tiên khác.