BYD bán xe điện nhưng không xây dựng trạm sạc
Theo công bố từ nhà sản xuất BYD, hãng sẽ không tập trung xây dựng hạ tầng trạm sạc nhưng sẽ thực hiện nhiều kế hoạch thay thế hiệu quả nhằm mang đến sự tiện lợi cho khách hàng.
Cụ thể, trong thời gian tới đây, BYD sẽ hợp tác với các đối tác trạm sạc để khách hàng có thể sạc xe tại trạm sạc công cộng cũng như tại các hệ thống đại lý của BYD trên toàn quốc. Tuy nhiên, các trạm sạc được xây dựng tại các showroom của BYD, cho đến thời điểm hiện tại, hãng xe Trung Quốc vẫn chưa đưa ra con số cụ thể số lượng đầu sạc, công suất…
Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể chọn giải pháp sạc tại nhà mà BYD cung cấp. Có nghĩa, khi đặt mua các dòng xe như Dolphin, Atto 3 và Seal, khách hàng sẽ được tặng 1 thiết bị sạc cầm tay, 1 bộ sạc treo tường 7 kW và hỗ trợ miễn phí lắp đặt, 1 thiết bị chuyển đổi nguồn điện. Những thiết bị này sẽ phục vụ cho khách hàng khi có điều kiện sạc xe tại nhà hoặc các địa điểm phù hợp.
Như vậy, các phụ kiện của bộ quà tặng khi mua xe BYD nhắm tới những khách hàng có điều kiện sạc xe tại nhà. Nhưng đây không phải giải pháp mà khách hàng nào cũng có thể đáp ứng.
Khách hàng băn khoăn trước phương án sạc của BYD
Đối với các phương án sạc của hãng xe Trung Quốc - BYD đưa ra, nhiều khách hàng khá băn khoăn trước phương án sạc tại nhà khi mà các đại lý hay trạm sạc do bên thứ ba được lựa chọn làm đối tác của hãng xe này chưa rõ ràng.
Bởi, tại Việt Nam, việc sạc xe điện tại nhà chắc chắn không phải khách hàng nào cũng có thể đáp ứng được. Chưa kể đến, nếu có điều kiện đưa xe vào nhà để sạc, phần lớn cũng sẽ là hình thức sạc chậm, khiến cho thời gian sạc khá lâu. Còn đối với khách hàng đang ở các chung cư, hay gửi ô tô ngoài các điểm gửi xe thì đây là một điều khá bất tiện, thậm chí là không thể thực hiện được.
“Tôi đang gửi xe ngoài điểm trông xe gần nhà. Tôi cũng đã tìm hiểu việc nếu mua xe điện có thể sạc ngoài điểm trông giữ xe hay không. Phần đông các bãi đỗ đều từ chối vì khó thực hiện hoặc vì lý do an toàn” - anh Nguyễn Tuấn Nam (Hàm Nghi, Hà Nội) cho biết.
Anh Lê Anh Tuấn - Đống Đa (Hà Nội) cho biết: "Tôi khá quan tâm tới các dòng xe điện vì tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng được cơ sở hạ tầng sạc thì rất khó với nhiều người Việt, vì không phải nhà ai cũng có thể cho xe vào nhà để cắm sạc. Còn sạc công cộng thì phải đảm bảo được sự tiện lợi cho người sử dụng, độ phủ lớn, rộng khắp. Và điều này tại Việt Nam, thì hiện mới chỉ có VinFast là đang làm khá tốt".
Còn ở phương thức sạc thứ 2 của BYD - khách hàng sẽ nạp “nhiên liệu” tại các trạm sạc xây dựng ở đại lý của BYD. Điều này cũng không quá xa lạ với người dùng Việt Nam, các thương hiệu xe sang như Porsche, Audi cũng đã làm tương tự. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, số lượng xe điện hạng sang tại Việt Nam không quá nhiều, nên phần nào đó đáp ứng đầy đủ được nhu cầu của khách hàng.
Với BYD, hệ thống đại lý ở Việt Nam theo hãng công bố thời gian tới đây sẽ có khoảng 10 showroom. Địa điểm cụ thể của các showroom này cũng chưa được hãng xe Trung Quốc công bố cụ thể. Như vậy, với những khách hàng ở gần các đại lý của BYD, việc sạc xe phần nào đó trở nên thuận lợi. Tuy nhiên, với những chủ xe ở xa, hoặc quãng đường di chuyển hàng ngày không có sự xuất hiện của các showroom BYD, chắc chắn rất bất tiện.
Ở phương thức sạc điện thứ 3 - tại trạm của các bên thứ 3, có lẽ là phù hợp nhất cho người sử dụng xe BYD. Tuy nhiên, ngoài các trạm sạc của VinFast, số lượng các điểm sạc do bên thứ 3 phát triển ở Việt Nam không nhiều, chỉ có tương đối ít ở thành phố lớn, hầu như không có sạc nhanh.
Trong khi đó, theo công bố từ VinFast, hãng xe Việt đã phát triển trên toàn quốc khoảng 150.000 cổng sạc, mỗi trạm sạc cách nhau khoảng 65 km, xuất hiện ở cao tốc, tuyến quốc lộ, đô thị, vùng sâu xa… Nhưng, ở thời điểm hiện tại, VinFast không có kế hoạch mở trạm sạc cho các thương hiệu xe khác.
Như vậy với các dòng xe điện khác ở Việt Nam chỉ có thể sạc chậm bằng điện dân dụng, sạc nhanh do hãng xây dựng tại các đại lý, hoặc phụ thuộc vào công suất của các trạm sạc do bên thứ 3 xây dựng.
Mà tính đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam, có một vài bên thứ 3 xây dựng các trạm sạc điện cho tất cả các dòng xe điện như Charge+ (đặt tại đại lý Porsche Việt Nam ở Hà Nội và TP.HCM), EV One (24 điểm sạc trên cả nước) và Evercharge (19 điểm trên cả nước). Như vậy, với số lượng trạm sạc chưa nhiều và phủ rộng, ở thời điểm hiện tại, sử dụng các điểm sạc của bên thứ 3 chưa phải là thuận tiện.
Theo các chuyên gia, khi xe điện đã dần trở nên quen thuộc với người dùng tại Việt Nam; bên cạnh các yếu tố như giá bán, lượng trang bị công nghệ, thiết kế… trạm sạc đang nổi lên như là vấn đề mà người sử dụng quan tâm nhất. Nếu việc sạc xe không dễ dàng, sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới việc sử dụng xe của khách hàng.
“Phần đông bạn bè của tôi đều cho rằng, nếu việc các trạm sạc công cộng chưa được phát triển rộng rãi. Đối với những ai sử dụng xe điện, họ sẽ rất ngại nếu phải di chuyển một hành trình dài, hoặc những chuyến đi không có kế hoạch cụ thể” - anh Nam cho biết.