Khả năng đánh chặn của tên lửa tầm cao SM-3 Mỹ: Bất bại hay thất bại?

Trịnh Ngọc Tiến |

Giới quân sự Mỹ không tin tưởng vào hiệu quả của SM-3 đối với tên lửa liên lục địa (ICBM). Ngay cả khi có thực hiện thành công, nó cũng chỉ làm cho nước Mỹ kém an toàn hơn.

Tiếp tục củng cố lá chắn tên lửa

Ngày 17/01/2018, Bộ quốc phòng Mỹ công bố: Hải quân nước này sẽ lần đầu tiên thử nghiệm tên lửa đánh chặn tầm cao để bắn hạ một ICBM vào giai đoạn giữa hành trình.

Không rõ tên lửa SM-3 của Hải quân Mỹ có hoàn thành thử nghiệm hay không? Giả sử nếu có, việc triển khai tên lửa đánh chặn tầm cao của Mỹ có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm.

Cũng trong ngày 17/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Học thuyết phòng thủ tên lửa mới, trong đó nhấn mạnh đến mối đe dọa từ kho tên lửa của các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran. Học thuyết cũng đề cập tên lửa đánh chặn tầm cao SM-3 sẽ là phương tiện đánh chặn quan trọng từ mặt đất cũng như mặt biển.

"Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản - để đảm bảo rằng chúng tôi có thể phát hiện và tiêu diệt bất kỳ tên lửa nào bắn vào Mỹ, từ bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào" - Tổng thống Mỹ kết luận.

Hành trình của ICBM được phân chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn tăng tốc, được tính từ khi bắt đầu phóng và kéo dài cho đến khi kết thúc động cơ tên lửa hoạt động.

Đây là giai đoạn dễ bắn hạ tên lửa nhất nhưng điều này là không thể, bởi vì các căn cứ phóng thường nằm sâu trong lãnh thổ của đối phương; khi phát hiện và khởi động được tên lửa đánh chặn thì ICBM đã vào giai đoạn giữa hành trình.

Giai đoạn giữa hành trình của ICBM, đây giai đoạn dài nhất, được tính từ khi tên lửa vào quỹ đạo parabol cho tới mục tiêu.

Giai đoạn cuối, khi đầu đạn tên lửa được tách ra, thông thường giai đoạn này chỉ mất chưa đầy 1 phút thì phát nổ.

Khả năng đánh chặn của tên lửa tầm cao SM-3 Mỹ: Bất bại hay thất bại? - Ảnh 1.

Mỹ phóng tên lửa SM-3 Block IIA

Việc đánh chặn 1 tên lửa xuyên lục địa ở giai đoạn giữa hành trình, về mặt lý thuyết, hiện nay chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc có thể thực hiện được.

Một phiên bản mới của tên lửa đánh chặn tầm cao SM-3 của riêng Hải quân bố trí trên mặt đất sẽ giúp củng cố hệ thống đánh chặn tên lửa trên mặt đất (GMD), những tên lửa đánh chặn SM-3 Blk IIA được dự định sẽ là một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực.

Rất có thể trong tương lai, SM-3 sẽ là nền tảng quan trọng trong tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao của Mỹ.

Hiện nay Quân đội Mỹ đang có 44 tên lửa SM-3 thuộc hệ thống GMD tại các căn cứ đóng tại bang Alaska và California. Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ yêu cầu tăng thêm 20 tên lửa nữa cho hệ thống GMD.

Hải quân Mỹ đã mua 90 tên lửa SM-3 Block IB cũ hơn vào năm 2017 và 2018. Bộ Tư lệnh phòng thủ tên lửa Mỹ tuyên bố, sẽ thử nghiệm SM-3 Block IIA để bắn hạ các ICBM vào năm 2020, toàn bộ các hoạt động thử nghiệm này có kinh phí đến 230 triệu USD.

Tính đến cuối năm 2018, hạm đội Mỹ bao gồm 38 tàu khu trục và tàu tuần dương được trang bị radar tương thích với các phiên bản phòng thủ tên lửa của SM-3.

Hải quân muốn phát triển hạm đội được trang bị công nghệ phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) lên 41 tàu vào năm 2019, trong đó đặc biệt chú trọng cải tiến hệ thống Aegis linh hoạt hơn với khả năng phòng thủ tên lửa.

Hai hệ thống Aegis Ashore trên mặt đất của quân đội Mỹ ở Romania và Ba Lan cũng sử dụng tên lửa đánh chặn SM-3. Do vậy, những hệ thống này cũng sẽ nhận được phiên bản mới nhất của tên lửa SM-3.

Trong giai đoạn giữa hành trình, một ICBM di chuyển trong bầu khí quyển với tốc độ gấp 20 lần vận tốc âm thanh (20 Mach). Các chuyên gia cho rằng để tên lửa SM-3 đạt được độ cao cũng như tốc độ để “truy đuổi - tiêu diệt” (hit to kill) với một ICBM có tốc độ trên 20 mach là một bài toán khó về mặt kỹ thuật.

Trong một thử nghiệm đầy kịch tính vào ngày 30/5/2017, Cơ quan phòng thủ tên lửa của Mỹ (MDA) đã phóng mục tiêu giả định là một ICBM tại vùng Kwajalein Atoll thuộc quần đảo Marshalls, cách California hơn 6.700 km.

Tên lửa đánh chặn được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg tại California. Khoảng gần 1 tiếng sau, Lầu Năm Góc xác nhận tên lửa đánh chặn đã tiêu diệt thành công mục tiêu tại Thái Bình Dương.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc thử nghiệm, Đô đốc hải quân James Syring, người đứng đầu MDA, nói với các phóng viên:"Mặc dù đây chỉ là một thử nghiệm, nhưng đây chính xác là kịch bản mà chúng tôi dự kiến ​​sẽ xảy ra trong một cuộc giao chiến thực sự".

Cuộc thử nghiệm ngày 30/5/2017 cũng được cho là lần đầu tiên hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đánh chặn được ICBM đúng nghĩa. Tất cả các thử nghiệm phòng thủ tên lửa trước đó đều dùng các ICBM bay chậm và thấp hơn nhiều.

Khả năng đánh chặn của tên lửa tầm cao SM-3 Mỹ: Bất bại hay thất bại? - Ảnh 2.

Tên lửa đánh chặn tầm cao SM-3 Block IIA trong tương lai sẽ là xương sống của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, nhưng liệu nó có phát huy hiệu quả mong muốn?

Thành công trong nghi ngờ

Hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong các lần thử nghiệm còn khác nhau và các nhà phân tích quốc phòng tiếp tục nghi ngờ về khả năng tác chiến thực sự của tên lửa đánh chặn trong điều kiện chiến đấu thực tế.

Và kết quả cuộc thử nghiệm ngày 30/5/2017 có thể không thực tế như Lầu Năm Góc tuyên bố?

Laura Grego, một chuyên gia về đánh chặn tên lửa thuộc Liên minh các nhà khoa học thực nghiệm có trụ sở tại Massachusetts, đã kiểm tra khoảng cách mà hai tên lửa thử nghiệm ngày 30/5/2017 và đưa ra kết luận rằng: ICBM thử nghiệm có tốc độ chậm hơn đáng kể một ICBM của Triều Tiên.

Một ICBM của Triều Tiên nếu bắn vào thành phố Los Angeles có thể sẽ đạt vận tốc 6,7 km mỗi giây; ICBM trong thử nghiệm năm 2017 có thể đạt tối đa 5,9 km mỗi giây, như vậy rõ ràng là chậm hơn, Grego tuyên bố.

Nếu GMD trên thực tế không thể chặn nổi ICBM, SM-3 cũng có thể rơi vào kịch bản tương tự. Theo những nhà quan sát trung lập, trong cuộc thử nghiệm dự kiến năm 2020, chìa khóa sẽ là tốc độ và độ cao của ICBM dùng làm mục tiêu giả định. Nếu mục tiêu bay thấp và chậm hơn ICBM thực sự, thì kết quả cuộc thử nghiệm chỉ là những màn lừa dối.

Chỉ làm cho nước Mỹ kém an toàn hơn

Với một cách tiếp cận khác, hai chuyên gia về tên lửa Kristensen và Matt Korda, thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ở Washington cho rằng:

Ngay cả khi SM-3 thử nghiệm thành công, thì đây cũng là hành động khiêu khích, kích thích Nga và Trung Quốc phát triển vũ khí chiến lược mới có thể tránh được các loại tên lửa đánh chặn của Mỹ, và điều này có khả năng thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm.

Khả năng đánh chặn của tên lửa tầm cao SM-3 Mỹ: Bất bại hay thất bại? - Ảnh 3.

Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa SM-3

"Đáng chú ý là các quyết định tiến hành thử nghiệm như vậy dường như xoay quanh năng lực công nghệ chứ không phải thay đổi môi trường an ninh" - Kristensen và Korda viết.

Nói cách khác, chính quyền Trump đang thúc đẩy các biện pháp phòng vệ mới chống lại ICBM trong khi các công cụ răn đe truyền thống vẫn phát huy kết quả tốt.

Nga dường như không chờ xem SM-3 có thực sự có thể ngăn chặn được ICBM của họ hay không. Năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gấp rút phát triển tên lửa hành trình có tốc độ siêu âm sử dụng động cơ hạt nhân Avangard.

Loại tên lửa hành trình này có tốc độ Mach-20, lại có trần bay thấp hơn ICBM, do vậy tên lửa đánh chặn như SM-3 chỉ hoạt động ở độ cao lớn sẽ không phát huy được tác dụng.

"Rất rõ ràng, chiến lược của Nga là phát triển các hệ thống tấn công hạt nhân mới mà ngay cả những người hoàn toàn không hiểu biết gì cũng sẽ hiểu hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ không giải quyết được vấn đề", Ted Postol, chuyên gia tên lửa tại Viện Công nghệ Massachusetts giải thích.

Do vậy, khi MDA quyết định vẫn tiếp tục thử nghiệm đánh chặn ICBM bằng tên lửa đánh chặn tầm cao SM-3, điều này thực sự vẫn là chủ đề gây tranh cãi ngay chính trong giới chức quân sự Mỹ.

Họ thực sự không tin tưởng vào tính hiệu quả của tên lửa đánh chặn tầm cao SM-3 đối với tên lửa liên lục địa và ngay cả khi đánh chặn thành công, nó cũng chỉ làm cho nước Mỹ kém an toàn hơn mà thôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại