Không thể phủ nhận Đại học là một cánh cửa rộng mở mà hầu như tất cả mọi người đều muốn chen chân vào. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như bạn học hết bốn năm với một ngành mình tàm tạm thích, ra trường (nếu may mắn) có được công việc đúng chuyên ngành rồi cuộc đời cứ thế như lục bình nhẹ nhàng trôi.
Thế nhưng, sẽ ra sao nếu như trong bốn năm ấy bạn nhận ra thế mạnh và ngành mình thật sự quan tâm? Hoặc tệ hơn, khi đã bước chân ra khỏi cánh cổng mà ngày nào mình đã dốc hết mồ hôi nước mắt, tiền bạc, và quan trọng nhất là thời gian để cố gắng đi vào, bạn mới biết mình đã đi sai đường?
Cách chúng ta chọn bừa một ngành chỉ để có tấm bằng cử nhân rồi.. sau đó tính tiếp hay đơn giản chỉ để có cái mác "đang học Đại học" đã vô tình làm chúng ta thụt lùi những 4 nhịp so với các bạn trẻ khác.
Cuộc đời có 60 năm, tuổi trẻ chỉ có tầm 7 năm, thế mà bạn đã phí mất 4 năm tươi đẹp nhất của mình chỉ để ngồi đó băn khoăn không biết mình có đi đúng đường hay chưa.
Đại học không biết từ bao giờ đã trở thành một gánh nặng quá lớn trên vai các cô cậu học sinh. Cứ mỗi kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia là mỗi lần câu khẩu hiệu "Học ngành gì cũng được, miễn vào được Đại học" lại được các bậc phụ huynh hát ru văng vẳng bên tai những tâm hồn non nớt vẫn chưa biết bản thân mình là ai và đam mê của mình là gì.
Đại học là "học đại", câu nói này không phải vô lí khi đa số các bạn trẻ bước chân vào môi trường học thuật này vẫn không biết mình cần những kiến thức gì và nên tận dụng triệt để 4 năm đó như thế nào. Chúng ta cứ mặc nhiên ngốn hết đống kiến thức mà người khác học mình cũng phải học, trong khi không hề biết mình học để làm gì.
Mình sẽ làm gì với cuộc đời này? Câu hỏi này nghe có vẻ quá vĩ mô. Okay, chúng ta cần đơn giản nó lại: Chúng ta muốn một cuộc sống như thế nào?
Nếu bạn chỉ cần một cuộc sống với công việc gì-cũng-được quen thuộc lặp lại hằng ngày, mỗi sáng vác mặt đến công ty ngồi đếm thời gian mong đến giờ về, đầu tháng lĩnh lương đời lên hương, cuối tháng lĩnh nợ đau thương đời, thì chắc chắn bạn không muốn trả lời câu hỏi này.
Vì bạn muốn một cuộc đời không phức tạp, ra trường làm việc kiếm ăn qua ngày, đến tuổi lấy vợ lấy chồng đẻ cái sinh con. Học đại một ngành, xin bừa một việc. Và cuộc sống cứ thế làn nhàn trôi. Thế nên, nghĩ làm gì cho rối, chỉ cần chọn cách thỏa hiệp với nó.
Sau bốn năm Đại học, chúng ta vẫn không biết mình thích gì, muốn gì. Và rốt cuộc, sau cả một đời người, lúc nằm trên giường bệnh, ta vẫn không biết ta đã làm chi đời mình.
Còn nếu bạn muốn sống theo phương châm "ăn món mình thích, cưới người mình yêu, làm điều mình muốn", thì ngay từ bây giờ nên dành càng nhiều thời gian càng tốt tự vấn bản thân câu hỏi này: Mình có đang học ngành mình thật sự thích hay không? Nhưng nếu bạn phân vân và cần nhiều thời gian để tìm câu trả lời, đó là khi câu trả lời chắc chắn là không.
Khi không có mục tiêu rõ rệt, bạn sẽ lạc đường.
Câu nói này có lẽ bạn đã đọc hàng ngàn lần trên các mặt báo và trong những cuốn sách dạy kỹ năng sống rải rác khắp nhà sách. Khi thời gian còn dư dả, đọc những câu nói ấy bạn sẽ chỉ dừng lại ba giây, chép miệng, sau đó lật vội sang trang khác.
Nhưng khi bàng hoàng nhận ra mình đã tiêu phí bốn năm, bạn sẽ lại nhìn nó theo một cách khác: Rõ là khi học ngành mình cảm thấy phù hợp, yêu thích và có mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ dám dấn thân và làm được nhiều hơn.
Có thể bạn không biết, trong bốn năm ấy có những người bạn đã được trải nghiệm môi trường đa văn hóa, phong cách làm việc chuyên nghiệp, những điều thú vị, những người bạn với nhiều góc nhìn khác nhau qua những chuyến trao đổi sinh viên ở nước ngoài.
Tầm nhìn của họ đã khác đi, họ không còn ở cùng điểm xuất phát như bạn nữa rồi. Vì họ có đích đến để nhắm, còn bạn thì cứ chạy bừa.
4 năm có thể biến một con người vô danh trở thành một ngôi sao vụt sáng trong lĩnh vực nào đấy. Thử tưởng tượng trong khi bạn mất bốn năm loay hoay với sự vô nghĩa thì ngoài kia, những người cùng chí hướng với bạn vẫn luôn cố gắng miệt mài.
Và nỗi tiếc nuối ấy sẽ vỡ òa khi ngày bạn ra trường với tấm bằng cử nhân trên tay nhưng trong lòng lại dấy lên muôn vàn băn khoăn về con đường đã chọn, thì có một người đã sử dụng bốn năm ấy để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực bạn yêu thích. Bạn chậm hơn người khác 4 nhịp, bạn sẽ phải cố gắng hơn gấp 40 lần.
Khi bạn xác định được con đường đi của mình và những gì mình muốn, bạn sẽ thấy việc học Đại học tuy rất quan trọng nhưng đó chỉ là một hành trình, không phải và không nên là đích đến. Hay nói cách khác, trường Đại học chỉ là công cụ mạnh nhất để biến ước mơ của bạn thành hiện thực.
Thế nên, dù nó mạnh đến cỡ nào thì bản chất nó vẫn chỉ là một công cụ để theo đuổi tri thức đích thực và khám phá đam mê của bản thân, đừng sử dụng nó như một vạch đích của cuộc đời. Đừng học vì trào lưu mà hãy học vì ham thích.
Gửi những bạn trẻ không muốn sống cuộc đời nhàn nhạt: đừng ngồi đó băn khoăn, hãy xách balô đi tìm đam mê nào!
Hẳn là chúng ta ai cũng có rất nhiều sở thích: đọc truyện tranh, vẽ vời vớ vẩn, chỉnh ảnh so deep câu like sống ảo, hay thậm chí.. chế ảnh dìm bạn bè. Tuy rằng đam mê khác xa với sở thích, rằng nên tìm kiếm những điều vĩ mô hơn là một sở thích tầm thường, những điều này đã được nói nhan nhản trên các trang web dạy kỹ năng sống.
Nhưng chúng ta không hề biết, không có sở thích nào là vô nghĩa, chỉ cần bạn hết lòng với nó. Một sở thích nhỏ có thể dẫn chúng ta đi rất xa trên con đường tìm kiếm mối quan tâm thật sự của mình, thứ mà dù chúng ta có than vãn cả ngày vì phải khó khăn, mệt mỏi thì vẫn không muốn bỏ. Hãy nghĩ về nó như kiểu những đêm chúng ta ngồi tâm sự với người yêu đến sáng, rất mệt nhưng vẫn muốn làm.
Đừng lo lắng vì bạn vẫn chưa biết mối quan tâm thật sự của mình là gì. Hầu như tất cả chúng ta đều như vậy. Nhưng sự khác biệt giữa những người xuất chúng trong một lĩnh vực nào đó và vô số những gương mặt nhạt nhòa khác đó chính là họ không ngừng tìm kiếm nơi họ thuộc về.
Bạn sẽ không biết liệu đó có phải là đam mê thật sự hay chỉ là một sở thích nhất thời một khi bạn không thử. Có thể bạn sai, có thể bạn sẽ không thích nữa, mà điều này hầu như chắc chắn sẽ xảy ra.
Nhưng cuộc sống này chưa bao giờ là hai màu đen trắng cả, đam mê và sở thích cũng vậy. Có thể một lúc nào đấy bạn còn nhận ra một thực tế phũ phàng rằng đam mê một lĩnh vực nào đó không có nghĩa là chúng ta sẽ giỏi ở lĩnh vực đấy.
Rằng dù đam mê có thể là chất xúc tác hiệu quả, trở thành động lực để bạn đặt mối quan tâm của mình đúng nơi đúng chỗ, nó vẫn là vô nghĩa nếu bạn không có khả năng.
Tuy nhiên, ngay cả những người thành công nhất trong một lĩnh vực nào đó cũng đã từng có lúc băn khoăn không biết nó có phải là chân lý hay không, liệu mình có thể đi đến cùng với nó hay không. Câu trả lời duy nhất chính là thử.
Vì chúng ta còn trẻ, thứ duy nhất chúng ta có nhiều chính là thời gian, nên hãy tận dụng nó nhiều nhất có thể. Sai thì làm lại chứ đừng làm đại. Đừng chọn bừa ngành học, vì có thể bạn sẽ bốc trúng lá thăm may mắn khi nhắm mắt đưa chân theo nguyện vọng của người khác, nhưng chính bạn cũng biết xác suất không nhiều và liệu bạn có muốn đem tuổi trẻ duy nhất của mình ra đánh cược?
Càng va chạm nhiều với cuộc sống này, lớp bụi bặm bên ngoài trái tim bạn sẽ được phủi dần, để rồi bạn sẽ biết trái tim nóng hổi ấy đang đập vì điều gì. Khi ấy, bạn sẽ hiểu rõ bản thân mình hơn, sẽ biết mình quan tâm điều gì.
Trớ trêu thay, đa phần người ta chỉ biết được mình dành nhiệt huyết cho điều gì khi người ta đã đi qua nhiều tháng năm thăng trầm và không còn trẻ nữa. Vì chỉ khi bạn thật sự hiểu rõ bản thân mình, bạn mới biết được mình đang tìm kiếm điều gì.
Khi còn trẻ, chúng ta thừa nhiều thứ nhưng thiếu đam mê. Trải nghiệm nhiều, chúng ta có đam mê nhưng lại thiếu thời gian để biến nó thành sự thật.
Xác định được đam mê chỉ là bước đầu của hành trình xây dựng một cuộc đời như mình mong muốn. Để là chính mình, chúng ta cần rất nhiều dũng cảm. Nhiều bạn trẻ đã xác định được công việc mình yêu thích và phù hợp với khả năng nhưng vì nhiều lí do họ đã thỏa hiệp với những sự lựa chọn an toàn khác.
Giữa lưng chừng đoạn đường Đại học mà bản thân đang bước đi một cách vô thức, tình cờ chúng ta chợt nhận ra đam mê của mình nhưng lại chần chừ không dám bước theo nó.
Chúng ta trì hoãn, vì không chắc chắn với những lựa chọn bấp bênh, vì sợ làm bố mẹ thất vọng, vì ngại thay đổi, vì không biết mình có thật sự đam mê nó không, vì ngại khó khăn, vì abc, vì xyz, vì hàng ngàn nỗi sợ hãi vô hình khác.
Cứ mỗi ngày chúng ta đều tự trấn an mình bằng suy nghĩ "Để mai tính", và ngày mai thì không bao giờ đến.
Để rồi trong những giây phút hồi tưởng của tuổi già, chúng ta bỗng nhớ lại thời tươi trẻ mình cũng đã từng mơ ước làm thợ chụp ảnh, đầu bếp, nhà văn nhà báo, làm người sáng tạo... Nhưng rốt cuộc, chúng ta đã làm gì trong những tháng năm tuổi trẻ vậy?
"Dễ dãi là đời dở dang" (Ý tưởng này là của chúng mình – Huỳnh Vĩnh Sơn), chúng ta sẽ còn lãng phí thêm bao nhiêu năm tháng tuổi trẻ ngắn ngủi này nữa chỉ để ngồi đó lo sợ?
Để rồi khi thời gian trôi qua, chúng ta nhận ra mình vẫn chưa bao giờ ngừng yêu thích công việc ấy, cuộc đời "ngày 8 tiếng hái ra tiền với công việc đam mê" vẫn chưa bao giờ thôi là mơ ước của mình. Khi ấy cũng là lúc chúng ta nhận ra cuộc đời mình đã dở dang một đoạn rồi.
Tương lai chưa bao giờ là một điều chắc chắn, thế nên kế hoạch cũng không cần quá an toàn. Và nếu chúng ta chờ đợi cho đến khi nào bản thân sẵn sàng, chúng ta sẽ phải đợi đến hết phần đời còn lại.
Khi cuộc đời tạt cho bạn một gáo nước lạnh, hãy đi lấy thêm cục xà bông rồi tắm rửa cho thơm tho nào.
Lúc bạn nhận ra ngành học mình đang theo không phải là đam mê của mình, thậm chí mình còn chán ghét nó, nhưng bạn buộc phải đi hết con đường này, đó là lúc bạn nhận được gáo nước lạnh đầu tiên từ cuộc đời. Thay vì ngồi đó co ro và lầm bầm chửi rủa, hãy nhếch mép cười rồi đi tìm cục xà bông thơm nhất có thể về tắm với thau nước lạnh được cho.
Con đường Đại học mà chúng ta đang bước đi, dẫu có vì lựa chọn của người khác thì cũng đừng vì chán nản mà ù lì chậm chạp mong thời gian trôi nhanh. Môi trường năng động đó chắc chắn sẽ dạy cho chúng ta rất nhiều điều ngoài sách vở. Không ai biết được điều gì từ những trải nghiệm ấy sẽ là mồi lửa đánh thức đam mê của mình.
Vậy nên xin đừng lãng phí tuổi trẻ của mình vào sự trì hoãn và băn khoăn nữa. Dẹp sợ hãi qua một bên, và hãy chiến đấu cho tuổi trẻ của mình.