Nga đang xúc tiến kế hoạch chế tạo phiên bản thứ ba của dòng xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT-72 Terminator ("Kẻ hủy diệt"). Theo truyền thông Nga, loại phương tiện mới này, mặc dù được thiết kế để hỗ trợ cho các xe tăng và bộ binh trên chiến trường nhưng sẽ có khả năng tiêu diệt cả các máy bay không người lái (UAV).
"Phương tiện chiến đấu mới có khả năng đối phó với tất cả các dạng mục tiêu: trên không, trên bộ và binh lính đối phương", Sergei Abramov, Tổng giám đốc Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rostec chia sẻ trên hãng thông tấn Sputnik.
Những thay đổi mới bao gồm "các đầu đạn đất đối không có thể điều chỉnh quỹ đạo bay, cho phép Terminator-3 bắn hạ các phương tiện bay không người lái, đầu đạn nổ cũng như pháo chính cỡ nòng lớn", một quan chức khác thuộc ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết.
Dù được lắp đặt trên khung gầm xe tăng T-72 nhưng về mặt kỹ thuật, BMPT-72 với trọng lượng 44 tấn không phải là tăng chiến đấu chủ lực như T-72 hay M-1 Abrams. Thay vì sử dụng pháo cỡ nòng lớn, nó chỉ được trang bị pháo tự động 30 mm, 2 súng phóng lựu tự động, 4 tên lửa chống tăng Ataka và một súng máy hạng nặng.
Terminator 2 đã được triển khai cùng các binh sĩ Nga tham chiến tại Syria và đã trang bị cho quân đội Kazakhstan. Algeria được cho là cũng sẽ tiếp nhận 300 chiếc trong năm nay.
"Dựa trên kinh nghiệm tham chiến của Terminator, chúng tôi hiện đang chế tạo một biến thể mới", Abramov cho biết. "Nó có thể được đặt tên là Terminator 3, tùy thuộc vào sự phê chuẩn của quân đội Nga".
Ý tưởng phát triển BMPT-72 được đưa ra từ những năm 1990, đúc rút từ những kinh nghiệm tham chiến của Nga ở Afghanistan và Chechnya, nơi rất nhiều các phương tiện thiết giáp của Nga bị quân nổi dậy tấn công phá hủy bằng tên lửa và rocket chống tăng.
Xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT-72 Terminator
"Kẻ hủy diệt" có thực sự là một ý tưởng tốt?
Việc Nga đang muốn biến một chiếc Terminator thành loại phương tiện chống máy bay không người lái đang đặt ra rất nhiều câu hỏi. Các nhà chế tạo của nước này sẽ bố trí vũ khí chống UAV ở đâu trên một khung gầm vốn đã được trang bị tới 9 loại vũ khí khác nhau?
Hay như, loại phương tiện chiến đấu này sẽ lắp đặt radar phòng không ở chỗ nào? Nếu không có radar, thì khi đó nó sẽ chỉ tấn công được các máy bay không người lái cỡ nhỏ trong tầm nhìn.
Phát triển các xe bọc thép với mục đích kép không phải là ý tưởng mới. Trước đây, pháo phòng không 4 nòng ZSU-23-4 huyền thoại của Liên Xô từng chứng tỏ được sức mạnh hỏa lực với các mục tiêu mặt đất. Tuy nhiên, việc trang bị cho Terminator 3 pháo, súng phóng lựu, súng máy, tên lửa chống tăng và rồi cả vũ khí chống UAV thì sẽ như thế nào?
Một phương tiện chiến đấu bị chất quá nhiều vũ khí như vậy tất yếu đòi hỏi kíp lái phải xử lý rất nhiều công việc.
Liệu việc chế tạo một loại xe chiến đấu hỗ trợ tăng mới này có thành hiện thực hay không vẫn còn phải chờ xem. Nga tuyên bố Terminator 2 đã hoạt động rất thành công ở Syria nhưng bằng chứng đưa ra lại rất có giới hạn.
Xét về lịch sử, xe chiến đấu hỗ trợ tăng đã từng được sử dụng trong Thế chiến thứ Hai: Anh từng trang bị cho các xe tăng A15 Crusader lựu pháo 3 inch còn Mỹ cũng đã sử dụng lựu pháo 105 mm cho M4 Sherman.
Mặc dù các xe chiến đấu này được bọc giáp rất tốt và mang lại những khả năng chuyên biệt, nhất là trong việc đối phó với các mục tiêu bộ binh và nhiều mục tiêu mềm khác nhưng chúng rất tốn kém.
Trong khi đó, các xe tăng vốn là những "quái thú" nặng nề, phức tạp đòi hỏi phải bảo trì liên tục.
Lục quân Mỹ đang ứng dụng một phiên bản phòng không cho xe chở quân bánh lốp Stryker. Nếu nước này cũng cố gắng chế tạo một phương tiện phòng không hoặc chống tăng dựa trên khung gầm M1 Abram thì mức độ phức tạp sẽ đến đâu?
Bất chấp tên gọi nghe có vẻ rất kêu - "Kẻ hủy diệt", BMPT-72 có được chứng tỏ là một ý tưởng tốt hay không thì vẫn cần phải chờ xem.
Đồ họa 3D giới thiệu về BMPT-72 tại RAE-2014