Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) của tỷ phú Jack Ma, chiếc tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc này lớn hơn tàu Liêu Ninh, nhỏ hơn tàu Nimiz 10 vạn tấn của Mỹ nhưng lớn hơn tàu Charles de Gaulle 42.500 tấn của Pháp và tàu Queen Elizabeth II 65 ngàn tấn của Anh.
Nếu hoàn thành, chiếc tàu sân bay thứ 3 này của Trung Quốc sẽ lớn hơn mọi con tàu của tất cả các nước châu Á.
Nhân sự kiện này, trang tin Đa Chiều hôm 16.5 đã đăng bài viết về kế hoạch đóng tàu sân bay và chiến lược hải quân biển xa của Trung Quốc.
Bài báo cho biết, theo dự kiến đến năm 2021, chiếc tàu sân bay thứ 2 do Trung Quốc tự đóng cùng với tàu Liêu Ninh hoán cải từ chiếc tàu Varyag mua của Ukraine và chiếc Type 001A tự đóng đang chạy thử nghiệm sẽ tạo thành biên đội tàu sân bay gồm 3 chiếc. Nhưng đó chưa phải là toàn bộ diện mạo của Kế hoạch đóng tàu sân bay của Trung Quốc.
Hình ảnh vệ tinh chụp chiếc tàu sân bay thứ 3 đang được đóng ở Thượng Hải
Kế hoạch đóng tàu sân bay đầy tham vọng
Từ lâu, dư luận bên ngoài đã lan truyền tin Kế hoạch đóng tàu sân bay của Trung Quốc được đề ra từ Hội nghị Bắc Đới Hà (Hội nghị các Ủy viên Bộ Chính trị và các nhà lãnh đạo lão thành) tháng 8.2004.
Khi đó, Chủ tịch Quân ủy Giang Trạch Dân đã phê chuẩn bản kế hoạch đóng tàu sân bay mang mật danh “Công trình 048”.
Theo bản kế hoạch chưa từng được công khai xác nhận này thì nó được chia làm 3 bước (giai đoạn): bước một, trong vòng 10 năm đóng 2 tàu sân bay hạng trung; bước hai: trong 10 năm tiếp theo sẽ đóng 2 tàu hạng lớn; bước thứ ba: căn cứ tình hình thực tế để phát triển tàu sân bay hạt nhân loại lớn.
Theo đánh giá, nhiệm vụ của bước thứ nhất đã cơ bản hoàn thành sau khi có tàu Liêu Ninh và Type 001A; chiếc Type 002 đang được đóng tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam (Thượng Hải) cho thấy bước thứ hai đang được xúc tiến; bước tiếp theo sẽ là thừa cơ thay thế tàu cũ để phát triển tàu sân bay hạt nhân.
Theo tính toán về thời gian, sau khi hạ thủy chiếc Type 002 năm 2021 sẽ khởi động luôn bước thứ ba. Giới quan sát nước ngoài dự đoán, đến năm 2049 Trung Quốc sẽ có trong biên chế 6 tàu sân bay. Cũng có giả thuyết cho rằng, nhìn xa hơn,Trung Quốc sẽ xây dựng biên đội tàu sân bay sánh ngang với Mỹ, tức là có khoảng 10 chiếc.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh trên biển
Thế nhưng, trên thực tế, kế hoạch đóng tàu sân bay của Trung Quốc không phải bắt đầu năm 2004.
Năm 1983, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc khi đó là tướng Lưu Hoa Thanh sau khi nhậm chức đã lập ra Trung tâm luận chứng hạm tàu hải quân để luận chứng về tính cấp thiết của việc xây dựng lực lượng tác chiến cốt lõi là biên đội tàu liên hợp cơ động; nhưng khi đó có sự tranh luận giữa phái chủ trương làm tàu sân bay và phái chủ trương phát triển tàu ngầm, tức trong nội bộ cũng có bất đồng.
Các tướng Lục quân thì bất mãn với việc đầu tư khoản tiền khổng lồ vào việc luận chứng và phát triển tàu mặt nước loại vừa và lớn của Hải quân; các tướng Hải quân xuất thân khác nhau, từng trải khác nhau cũng bày tỏ hoài nghi về công dụng thực tế của loại tàu mặt nước loại lớn. Điều này khiến giới lãnh đạo cao cấp của đảng và quân đội khi đó trù trừ không quyết.
Thời cơ bất ngờ xuất hiện sau khi Lưu Hoa Thanh từ chức, thập niên 1990, chiến tranh hiện đại có những diễn biến mới, cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan, nhất là sự xuất hiện của thuyết “hai nước Trung Hoa” cùng với tình trạng yếu kém về cung ứng năng lượng của Trung Quốc lúc đó đã buộc giới lãnh đạo cấp cao phải hạ quyết tâm phát triển các hạm tàu mặt nước cỡ vạn tấn trở lên.
Tàu Type 001A, chiếc tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc đóng đang trong quá trình chạy thử
Trong thực tế, đồng thời với việc bàn luận có cần phát triển tàu mặt nước loại lớn hay không, Trung Quốc đã chi nhiều trăm triệu Nhân dân Tệ (NDT) để mua 4 chiếc tàu sân bay cũ đã loại ngũ của nước ngoài.
Trong đó, năm 1985 Công ty phá dỡ tàu Hoàng Phố mua chiếc tàu sân bay “Melbourne” 3 vạn tấn của Australia về nghiên cứu hơn 1 tháng mới phá dỡ; mua 3 tàu sân bay cũ “Minsk”, “Kiev” và “ Varyag ” di sản của Liên Xô cũ, 2 chiếc đầu được chuyển đổi thành công viên giải trí còn chiếc “Varyag” được cải tạo thành chiếc Liêu Ninh.
Đi bằng “hai chân”
Ngày 23.4.2019, Trung Quốc tổ chức lễ duyệt binh hải quân quy mô lớn trên vùng biển gần Thanh Đảo, lần đầu tiên trình diễn “Đệ nhất thế trận” biên đội tàu ngầm 8 chiếc các loại khác nhau; bao gồm 2 chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 (mang tên Trường Chinh-10, Trường Chinh-11), 2 tàu ngầm hạt nhân tiến công Type 093A (Trường Chinh-15, 16), 2 tàu ngầm động lực thường Type 039B (Trường Chinh-231, 236) và 2 tàu Type 039A (Trường Chinh-197, 205).
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo Type 094 lần đầu lộ diện
Type 094 và 093A là hai loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu ngầm hạt nhân tiến công chủ yếu nhất có trong biên chế Hải quân Trung Quốc hiện nay. Loại 094 thể hiện năng lực tấn công hạt nhân lần 2 khiến Mỹ lo ngại nhất; loại 094 đã xuất hiện trên truyền thông lần đầu năm 2018.
Hiện nay Trung Quốc mới chỉ công khai 2 chiếc loại 094 đang có trong biên chế, theo Reuters thì cả 2 đều được bố trí tại cảng Du Lâm (Hải Nam), tức trong biên chế Hạm đội Nam Hải.
Chiếc đầu tiên của loại tàu ngầm hạt nhân tiến công Type 093A đưa vào biên chế năm 2012, hiện có 4 chiếc, cộng thêm loại tiền thân Type 093 và loại Type 093B được lắp thêm hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng thì hiện Trung Quốc có tới 9 chiếc đang trong biên chế.
Type 093B/093G đều là loại động lực thường, hiện có 18 chiêc trong biên chế, có hệ thống AIP giúp nâng cao đáng kể khả năng lặn ngầm và sức chiến đấu của loại tàu ngầm động lực thường. Gần đây, các loại tàu ngầm này đã được trình làng nhiều lần tại các Triển lãm quốc phòng quốc tế, đã có khách hàng quốc tế đặt mua, cho thấy chúng có giá trị tiềm tại.
Điều này cho thấy, mặc dù từ sau cuối thập niên 1990 Trung Quốc đã quyết định phát triển các tàu mặt nước loại lớn để phát triển năng lực hoạt động biển xa; họ đồng thời cũng không bỏ qua việc phát triển tàu ngầm cơ động linh hoạt, giá thành thấp, thích hợp với môi trường biển gần.
Hiện nay Trung Quốc cũng đang ra sức cải tiến tính năng tàng hình đột kích, khả năng lặn sâu của tàu ngầm và phát triển tung tâm chiến lược hướng tới biển xa.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công 093A
Trên thực tế, chiến lược biển xa của Trung Quốc hiện đang thực hiện “đi bằng hai chân”. Ngoài các tàu ngầm hạt nhân kiểu mới đã bộc lộ, còn có thông tin cho thấy đã có các loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu ngầm hạt nhân tiến công các kiểu kế tiếp đang ở trong giai đoạn nghiên cứu phát triển, thậm chí đã chạy thử.
Biên chế tương lai
Theo số liệu thống kê của Global Firepower, Trung Quốc hiện có cả thảy 714 hạm tàu mặt nước và tàu ngầm với đủ các loại tàu sân bay, hộ vệ, khu trục, hộ vệ hạng nhẹ, phóng lôi, tuần tra, chi viện lưỡng thê, đổ bộ, tiếp tế hậu cần.
Số lượng này chỉ kém Triều Tiên (967 chiếc), nhưng nhiều hơn Mỹ (415 chiếc), Iran (398 chiếc), Nga (352 chiếc). Đương nhiên, đó là xét về số lượng, chưa xét đến số liệu về tổng số tấn.
Trong thực tế, nếu xếp theo số lượng tấn, mấy năm gần đây Trung Quốc cũng phát triển rất nhanh, các tàu mới hạ thủy được ví "nhiều như sủi cảo", “10 năm hạ thủy hơn trăm tàu”.
Tin cho biết, năm 2018, tổng số tấn của các tàu hải quân Trung Quốc mới hạ thủy lên tới hơn 20 vạn, chiếm hơn 1/3 tổng lượng tấn tàu hạ thủy trong năm của cả thế giới, cao gấp 2,5 lần hải quân Mỹ. Ngoài ra trên các dây chuyền sản xuất của các nhà máy đóng tàu vẫn còn mấy chục chiếc đang đóng dở.
Tuy nhiên, số liệu đó không thể hiện được toàn bộ diện mạo. Xét về thực lực hải quân toàn cầu thì hải quân Trung Quốc vẫn còn khoảng cách rõ rệt so với hải quân Mỹ.
Bảng so sánh các loại tàu của Mỹ, Nga và Trung Quốc
Biên chế của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh hiện đã công khai, cụ thể gồm:
- Tàu khu trục tên lửa Type 052C: 2 chiếc (Trịnh Châu 151 và Hải Khẩu 171)
- Tàu khu trục tên lửa Type 052D: 1 (Trường Sa 173)
- Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A: 2 (Yên Đài 538, Lâm Nghi 547)
- Tàu hộ vệ tên lửa Type 056A: 1 (Chu Châu, 594)
- Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903A: 1 (Cao Bưu Hồ, 966)
- Tàu tấn công nhanh (chưa được tiết lộ).
Tàu khu trục Type 055 Nam Xương, chiếc tàu khu trục cỡ vạn tấn đầu tiên của Trung Quốc
Qua đó có thể thấy, tàu hộ vệ, tàu khu trục mỗi loại 2-3 chiếc, tàu tiếp tế hậu cần 1 chiếc đều là biên chế tất yếu. Nhưng tàu sân bay Liêu Ninh mục đích chủ yếu không phải là chiến đấu, mà là huấn luyện nên chưa có biên chế hoàn chỉnh.
Ngoại trừ nhân tố đặc biệt, các tư liệu công khai cho thấy theo kế hoạch xây dựng 10 đến 20 năm tới, số lượng các loại tàu chính của Trung Quốc như sau có thể giúp ích cho việc đánh giá biên đội tàu sân bay tương lai:
- Tàu khu trục Type 055 cỡ vạn tấn: dự kiến 8 chiếc ( hiện mới có 1 chiếc Nam Xương)
- Tàu khu trục Type 052D: dự kiến 26 chiếc (hiện có 11, năm 2022 sẽ có đủ)
- Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A: 30 chiếc, hiện đã có đủ.
- Tàu hộ vệ tên lửa Type 056A: dự kiến 38 (đã có 20, 18 sắp hạ thủy)
- Tàu đổ bộ Type 071: dự kiến 8 chiếc (đã có 6 trong biên chế)
- Tàu tiếp tế tổng hợp Type 901: dự kiến 4 chiếc (đã có 2, 2 đang đóng).
- Tàu tiếp tế tổng hợp Type 903: dự kiến 9 chiếc (đã có 8, 1 đang đóng)
- Tàu ngầm hạt nhân tấn công 093/093A/093B: đã biết có 8 chiếc đang trong biên chế.
- Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095: dự kiến 8 chiếc, 3 đang đóng.
- Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo chiến lược Type 094/094A: đã biết 5 chiếc (4 trong biên chế, 1 đang đóng).
- Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo chiến lược Type 056: nghe nói có 2 chiếc (1 đã lộ diện).
Tổng cộng: 146 chiếc, chưa kể số lượng lớn các tàu tuần tra, tàu phóng lôi, tàu tấn công loại nhỏ...