Vào một đêm tháng 2-1986, trời lạnh giá, cây cầu Glienicke ở Berlin (Đức) đã trở thành nơi diễn ra cuộc trao trả tù nhân cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Đó là cuộc trao đổi một kẻ phản bội Liên Xô để "siêu điệp viên" Karel Koecher được trả về cho Tiệp Khắc.
Cuộc trao đổi đó đánh dấu sự kết thúc một câu chuyện nhiều tình tiết lắt léo về cuộc đời hai mặt của một điệp viên nằm vùng lâu năm nhất thời Chiến tranh Lạnh - điệp viên nước ngoài duy nhất chui sâu vào trong bộ máy của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Câu chuyện tình báo của ông đã từng được dựng thành bộ phim ăn khách "Bridge of Spies" (Chiếc cầu tình báo).
Cái "số" phải làm điệp viên
Karel Koecher là một công dân Cộng hòa Slovakia trong Liên bang Tiệp Khắc. Ông được Đại tá tình báo KGB Alexander Sokolov, người trực tiếp liên lạc với Koecher, gọi là "siêu điệp viên" vì thành tích có một không hai thời đó: chui sâu vào bên trong CIA, làm gián điệp cho KGB trong suốt hơn 2 thập niên mà không bị phát hiện.
Nói thông viết thạo 5 ngôn ngữ, Koecher là một mẫu điệp viên điển hình của thời Chiến tranh lạnh: Thông minh, khéo léo, đủ tài trí để đấu với không chỉ CIA mà ngay cả cơ quan tình báo đã tuyển dụng mình là KGB.
Ông cũng có đóng góp to lớn trong việc phá hỏng chương trình tuyển mộ điệp viên châu Mỹ Latinh của CIA trong những thập niên 60-70 của thế kỷ XX. Ông chỉ bị FBI theo dõi và bắt giữ sau khi bị ít nhất hai kẻ phản bội "bắn sau lưng".
Koecher mang nhiều mật danh, như Rino, Turian hay Pedro, cùng vợ là Hana Koecherova, mật danh là Adrid, sang Mỹ định cư từ năm 1965. Cả hai mua một căn hộ và cư ngụ tại số 50, phố 89 Đông, khu Manhattan, New York City, nơi có nhiều nhân vật nổi tiếng sinh sống.
Đó là đoạn mở đầu của một câu chuyện tình báo dài hơn 20 năm. Nhưng trước khi đến Mỹ để làm "siêu gián điệp", Koecher từng làm những việc "tày trời" khiến cho các cơ quan an ninh Tiệp Khắc phải luôn "bận rộn" với ông.
Karel Koecher sinh năm 1934 tại Bratislava, nay là thủ đô Cộng hòa Slovakia; mẹ ông là người Slovakia gốc Do Thái, cha ông là người Séc. Gia đình ông di chuyển đến Prague sinh sống khi Koecher lên 4 tuổi. Cha ông là người giỏi tiếng Anh, vì thế từ nhỏ Koecher đã có cơ hội học tiếng Anh cùng với đám trẻ con nhà giàu.
Tháng 2-1948, cách mạng Xô Viết lên nắm quyền tại Prague. Năm đó Koecher 14 tuổi.
"Thời đó, gián điệp xuất hiện khắp nơi" - Koecher nhớ lại. Vào năm 1949, một cô gái tên là Rita Kilmova, đoàn viên thanh niên cộng sản theo tư tưởng Stalinist (người mà sau này trở thành phụ tá cho ông Vaclav Havel và là người đã "sáng tạo" ra thuật ngữ "Cách mạng nhung"), đã đến tiếp xúc với Koecher.
Koecher kể, bà Rita lúc đó đang tìm kiếm người làm cái việc "kỳ cục" là "do thám bọn trẻ con" đồng lứa ở khu vực Koecher sinh sống. Koecher nổi giận, bảo Rita "biến đi cho khuất mắt", và thế là Koecher bị đuổi khỏi trường học Anh văn. Tuy nhiên, ngay sau đó, Koecher đã được Cục An ninh quốc gia Tiệp Khắc (StB) chú ý.
Koecher trở thành mục tiêu theo dõi của StB do tính khí nổi loạn và những hành động nông nổi tuổi thiếu niên. Hồ sơ lưu trữ của StB ghi nhận:
"Trong những năm 1949-1950, Koecher là thành viên một nhóm chống nhà nước, muốn tham gia làm gián điệp. Vào cuối năm 1949, và nhóm của mình đã tạo được quan hệ với một đặc vụ Mỹ nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ người Mỹ".
Năm 1950, 16 tuổi, Koecher và nhóm bạn bị bắt và tạm giữ suốt đêm vì cơ quan an ninh phát hiện cả bọn tàng trữ súng. Koecher được thả ra, nhưng một năm sau, một người trong nhóm bạn phạm tội bắn một binh sĩ, Koecher bị kết tội liên can, từ đó cậu thiếu niên bắt đầu trở thành mục tiêu theo dõi của StB.
Koecher tiếp tục theo học ngành Vật lý và Toán tại Trường Đại học Charles, học về điện ảnh ở Viện Hàn lâm Nghệ thuật biểu diễn. Vào năm 1958, Koecher lại bị án quản thúc tại nơi cư trú do tội xúc phạm cán bộ công chức.
Sau khi tốt nghiệp, Koecher làm nhiều việc khác nhau, như giáo viên, phóng viên truyền hình, viết hài kịch cho đài truyền thanh. StB vẫn bám theo ông suốt khoảng thời gian này. Ông thậm chí bị cấm đi ra nước ngoài làm việc sau khi được tuyển vào làm cho Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO), cũng vì "thành tích" nổi loạn của ông.
Tháng 5-1962, Koecher lại nhận án phạt tù treo từ 8 tháng đến 2 năm do "vi phạm đạo đức", tổ chức tiệc tùng ăn chơi có sự tham gia của trẻ em gái vị thành niên. Thế là Koecher lại mất việc tại đài truyền thanh địa phương. Koecher cảm thấy quẫn trí. Ông suy nghĩ: "Chỉ còn cách tham gia vào cơ quan tình báo, vì ít nhất ông cũng sẽ không còn bị theo dõi, thứ hai là có thể được đi nước ngoài.
Thế là Koecher có ngay cơ hội tiếp cận và làm việc cho StB. Một người bạn làm việc trong StB đã gợi ý với cấp trên của anh ta về trình độ tiếng Anh của Koecher, đồng thời Koecher cũng năng đến một quán cà phê mà các điệp viên StB thường lui tới.
Koecher dần dà làm quen được với các điệp viên StB. Trong khi đó, một làn gió đổi mới cũng bắt đầu xuất hiện ở Tiệp Khắc. Trong hai năm sau đó, Koecher được huấn luyện và cộng tác với cơ quan phản gián ở Prague, có nhiệm vụ theo dõi điệp viên CHLB Đức.
Năm 1965, Koecher nhận được một cú điện thoại từ một quan chức StB đề nghị một cuộc gặp trực tiếp tại căn hộ của ông này. Tại cuộc gặp đó, vị quan chức StB yêu cầu Koecher đi Mỹ. Koecher hỏi lại: "Tôi sẽ phải làm gì ở đó?". "Anh sẽ xâm nhập vào hàng ngũ CIA". Lại hỏi: "Bằng cách nào?" .Trả lời: "Việc đó tùy anh". Koecher cảm thấy đây là một cơ hội mạo hiểm thật "điên rồ", nhưng cũng thật hấp dẫn. Thế là ông đồng ý ngay lập tức.
Sang Mỹ nằm vùng và chui vào CIA
Trong hồ sơ của StB, năm đó cơ quan này đã đưa ra một đánh giá đáng chú ý về Koecher: "Quá tự tin, quá nhạy cảm, hung hăng với mọi người, làm việc vì tiền, thích phiêu lưu, mạo hiểm, cảm xúc không ổn định, có tính cách nổi loạn, chống xã hội, không chấp nhận chế độ chuyên chế". Nói tóm lại, StB kết luận Koecher hoàn toàn thích hợp cho công việc được giao.
Cũng cần nói thêm về đời sống riêng tư của Koecher. Ông cưới vợ là Hana Pardemecova, 19 tuổi, vào năm 1963. Khi Koecher nhận nhiệm vụ từ StB, đôi vợ chồng trẻ ngay lập tức lên đường đi Mỹ định cư. Họ đóng vai là một cặp đôi "phản động" bị chính quyền truy đuổi gắt gao phải trốn ra nước ngoài sinh sống. Lúc này, Koecher 31 tuổi.
Sang đến Mỹ, đôi vợ chồng Koecher tạm trú trong một căn nhà biệt lập do nhà xã hội học nổi tiếng C Wright Mills thiết kế và xây dựng ở khu West Nyack, ngoại ô thành phố New York.
Mills là tác giả của quyển sách khảo cứu nổi tiếng thời đó nhan đề "The Power Elite" (Quyền lực Thượng lưu). Koecher đã có dịp gặp gỡ Mills tại Ba Lan thông qua mối quan hệ thân quen với cô vợ gốc Ukraina của ông này. Ở Mỹ, muốn có một căn nhà và một chiếc xe ôtô thì phải có công ăn việc làm hẳn hoi, nhưng Koecher lúc ấy chẳng có việc làm mà lại có nhà và xe.
Thế mới lạ, nhưng chẳng mấy ai trong xóm giềng của họ mảy may để ý. Michael Reinitz, một người bạn mới quen ở Mỹ của vợ chồng Koecher, kể với tờ báo New York Times rằng, "họ nói họ sang Mỹ định cư để chạy trốn cộng sản".
Ấn tượng nổi loạn, và Koecher chỉ toàn "nói xấu" về nước Nga, về Liên Xô đã tạo nên ấn tượng trong cộng đồng người Mỹ rằng nhà Koecher đúng là "những kẻ phản động chạy trốn cộng sản" thật.
Với kỹ năng ngoại ngữ tốt, cộng với tính cách "nổi loạn" của cả hai vợ chồng, sau một năm học dự thính tại Trường đại học Indiana, Koecher được nhận vào làm việc trong Đài phát thanh châu Âu Tự do do CIA tài trợ. Năm 1967, Koecher quay trở về thành phố New York, học tiến sĩ ngành Triết học tại Đại học Columbia, đồng thời học ngành Nga học cũng tại trường này.
Việc học này cũng được sắp xếp có mục đích hẳn hoi. Như vậy, mục tiêu cơ bản của Koecher là "hội nhập dần" vào xã hội Mỹ đang tiến triển thuận lợi.
Tuy Koecher không đòi hỏi gì, nhưng các quan chức tình báo StB và KGB luôn luôn theo sát và đáp ứng đầy đủ các khoản lợi ích dành cho ông. Và các khoản lợi ích này ngày càng được tăng lên theo từng bước tiến triển của Koecher tại Mỹ.
Koecher ngày càng tiếp cận sâu hơn, cao hơn trong cộng đồng tình báo Mỹ. Koecher kể, thời gian theo học tại Đại học Columbia là bước đầu thành công của ông trong tiến trình tiếp cận tình báo Mỹ, và ông đã nghĩ rằng việc xâm nhập vào hàng ngũ CIA là hoàn toàn có thể. "Học giỏi ở một trường danh tiếng là một điều kiện vô cùng thuận lợi".
Một trong những ông thầy ngành Nga học của Koecher ở Đại học Columbia là Giáo sư Zbigniew Brzezinski (người sau này trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Jimmy Carter). Chính Brzezinski là người đã giới thiệu Koecher cho CIA, giúp ông có cơ hội tiếp cận và "chui sâu" vào cơ quan tình báo bậc nhất nước Mỹ thời bấy giờ.
Trong khi đó, tại Tiệp Khắc, biến cố chính trị năm 1968 đã dẫn đến một cuộc "đại thanh lọc" trong cơ quan phản gián, các chỉ huy tình báo cấp trên của Koecher đều bị mất chức, mất việc, và Koecher bỗng trở thành "tài sản vô chủ", sống trôi nổi ở Mỹ.
Mất phương hướng, chán nản, Koecher đã nghĩ đến việc tự thú, và trên thực tế ông đã đến FBI. Koecher đã có ý định sẽ thú nhận làm gián điệp cho khối xã hội chủ nghĩa và hy vọng sẽ được tuyển mộ, quay ngược lại làm gián điệp cho Mỹ.
Thế nhưng, Koecher kể: "Họ chẳng quan tâm chút nào hết. FBI lúc đó chẳng mảy may quan tâm đến điệp viên nước ngoài như tôi, mà chỉ chú tâm vào bọn mafia". Một báo cáo năm 1969 của StB đã mô tả Koecher khi đó "lười biếng và thiếu hợp tác", rằng "anh ta không có bất kỳ thông tin chỉ điểm nào".
Năm 1970 và 1971, StB đánh giá mức độ cung cấp thông tin của Koecher dưới trung bình, và phê phán ông đã không tận dụng được "mối quan hệ tốt đã có với người của CIA tại Đài châu Âu Tự do".
Mặc dù không ưa thích giới lãnh đạo mới tại StB, bực mình vì những lời phê bình, đánh giá không tốt của họ, nhưng Koecher rốt cuộc không làm cuộc đào tẩu sang phía địch như từng dự định, mà vẫn trung thành với tổ quốc, không rời bỏ hàng ngũ.
Ngược lại, nhận chỉ thị mới từ cấp trên, Koecher tiếp tục theo đuổi công việc hợp tác với CIA. Koecher kể lại, việc đó đối với ông vẫn rất hấp dẫn. Nó cho ông cảm giác quyền lực của một gián điệp nằm vùng.
Tháng 11-1972, Koecher vượt qua được cuộc sàng lọc tuyển dụng của CIA và được thuê làm phiên dịch viên và nhà phân tích tình báo.
Cho đến thời điểm đó, các đánh giá của StB đối với Koecher vẫn còn chưa khởi sắc, vẫn xem ông là một nguồn tình báo "non nớt", không đáng quan tâm. Bất ngờ, các quan chức cấp cao ở Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) đặc biệt chú ý đến Koecher, vì ông đang đảm nhận một vị trí ở CIA mà chưa có điệp viên KGB nào làm được.
Trong khi Koecher hoạt động bí mật ở Mỹ, vợ ông, bà Hana cũng tham gia hoạt động dưới vỏ bọc là nhà kinh doanh kim cương. Sau một thời gian làm ăn "giả tạo" mà thu lợi thật, vợ chồng Koecher đã có được một cơ ngơi khá tốt ở New York.
Bà Hana hoạt động với mật danh là Adrid. Họ bắt đầu tham gia vào các hoạt động về đêm của giới điệp viên ở Mỹ, tham gia các câu lạc bộ ăn chơi, tiệc tùng và họ đã phát hiện ra nhiều bí mật của giới điệp viên nước ngoài tại đây.
(Còn tiếp)