Hớn hở tập trận RIMPAC, Trung Quốc không ngờ "sa bẫy" của Mỹ

Hải Vy |

Trong cuộc tập trận RIMPAC 2016, Hải quân Mỹ đã phô diễn 2 khả năng đặc biệt quan trọng. Chúng mang theo tín hiệu mà Washington muốn gửi tới những đối thủ tiềm năng ở Thái Bình Dương.

Trong bài viết trên tạp chí Diplomat, nhà phân tích Steven Stashwick cho biết: "Vành đai Thái Bình Dương" - cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới (gọi tắt là RIMPAC) do Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ chủ trì đã kết thúc tốt đẹp ngoài khơi Hawaii và Nam California vào tuần này.

Trong 5 tuần qua, 45 tàu chiến mặt nước, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh lính từ 26 quốc gia đã tham gia các bài tập với nội dung đa dạng, từ ứng phó thiên tai, triển khai các hoạt động an ninh hàng hải cho tới kiểm soát biển và chiến đấu trong môi trường phức tạp.

Đối với tất cả các nước tham gia, RIMPAC là cơ hội để trau dồi kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức hoạt động và chiến đấu, đồng thời xây dựng khả năng tương tác, sự hiểu biết và mối quan hệ đối tác với các quốc gia khác.

Riêng với Mỹ, cuộc tập trận là dịp để phô diễn những khả năng mới trong chiến đấu và hỗ trợ tác chiến, đồng thời mở rộng mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc trên các phương diện khác (trừ hoạt động chiến đấu).

Trong số này, có 2 khả năng đặc biệt quan trọng, mang theo tín hiệu mà Mỹ muốn gửi tới những đối thủ tiềm năng ở Thái Bình Dương: Đó là khả năng chống hạm đáng tin cậy của các tàu tác chiến cận bờ (LCS) và khả năng tàu tiếp dầu tự bổ sung nhiên liệu (để tiếp tục cung cấp cho các tàu chiến khác) mà không cần trở về cảng.

Hớn hở tập trận RIMPAC, Trung Quốc không ngờ sa bẫy của Mỹ - Ảnh 1.

Tên lửa chống hạm Harpoon Block IC phóng từ tàu USS Coronado (LCS 4)

Khả năng diệt hạm

Nhân cuộc tập trận RIMPAC, Hải quân Mỹ đã tiến hành vụ phóng thử nghiệm đầu tiên đối với tên lửa hành trình chống hạm Harpoon trên tàu LCS.

Trước đây, tàu LCS vấp phải nhiều chỉ trích vì thiếu khả năng chống hạm mạnh mẽ. Vụ phóng thành công từ tàu USS Coronado (mặc dù tên lửa trượt mục tiêu) đã chứng minh rằng LCS có thể phóng tên lửa Harpoon mà không cần điều chỉnh cấu trúc bổ sung.

Có thể thấy, Hải quân Mỹ đã không lãng phí thời gian trong việc đưa khả năng trên lý thuyết này vào thực tiễn.

Với thành công đó, tàu Coronado sẽ tiến thẳng tới Thái Bình Dương sau khi hoàn thành bài tập cùng 4 tên lửa Harpoon.

Năm ngoái, tàu USS Fort Worth (LCS-3) đã bị khinh hạm Type 054A của Trung Quốc theo dõi khi đang tuần tra gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Con tàu này được vũ trang nhiều hơn so với tàu Fort Worth. Nó mang theo pháo hạng nặng và cả tên lửa chống hạm, trong khi đó, Fort Worth chỉ trang bị pháo hạm cỡ nhỏ và không có tên lửa chống hạm.

Vì thế, màn thể hiện của Hải quân Mỹ ở RIMPAC là nhằm ra mắt một khả năng lớn, mới của các tàu LCS trước sự chứng kiến của Hải quân Trung Quốc và các lực lượng hải quân Đông Nam Á, ngay trước khi triển khai chúng tới khu vực.

Tàu USS Coronado phóng tên lửa Harpoon.

Tàu tiếp dầu tái nạp nhiên liệu ngay trên biển

Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ còn phô diễn một khả năng mới khác, có thể trở nên vô cùng quan trọng trong trường hợp xung đột kéo dài. Đó là tàu tiếp dầu (oiler) của Hải quân Mỹ có thể tái nạp kho nhiên liệu của mình từ một tàu chở dầu khác (tanker - chủ yếu chở nhiên liệu, không thực hiện tiếp liệu trực tiếp cho tàu chiến).

Hớn hở tập trận RIMPAC, Trung Quốc không ngờ sa bẫy của Mỹ - Ảnh 3.

Tại RIMPAC 2016, 1 triệu gallon nhiên liệu đã được chuyển từ tàu chở dầu (tanker) M/T Empire State (T-AOT 5193) sang tàu hậu cần USNS Rainier (T-AOE 7).

Kể từ trước Thế chiến 2, Lực lượng hậu cần chiến đấu (CLF) của Hải quân Mỹ, với một hạm đội tàu tiếp tế, đã cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, quân nhu, phụ tùng, thư từ và các vật dụng quan trọng khác, "để giúp hạm đội tàu chiến (Mỹ) duy trì hoạt động trên biển và sẵn sàng chiến đấu trong thời gian kéo dài".

Việc giúp hạm đội tàu chiến không phải mất thời gian rời vị trí đóng quân để về cảng tiếp nhiên liệu cho phép Mỹ triển khai một lực lượng bền bỉ hơn và có thể làm được nhiều việc hơn dù với số tàu chiến ít hơn.

Tuy nhiên trước đây, những tàu tiếp tế đó vẫn phải quay lại cảng để tái nạp nhiên liệu trước khi quay trở lại hỗ trợ hạm đội.

Ngày nay, các trạm tiếp liệu nổi của Hải quân Mỹ đã chứng minh rằng chúng hoàn toàn có thể giữ nguyên vị trí đóng quân bằng cách tái nạp kho nhiên liệu từ các tàu chở dầu khác.

Hớn hở tập trận RIMPAC, Trung Quốc không ngờ sa bẫy của Mỹ - Ảnh 4.

Tàu USNS Rainier (T-AOE 7) tiến hành tiếp nhiên liệu cho tàu đổ bộ USS Peleliu (LHA 5) tại cuộc tập trận RIMPAC 2014.

Điều đó cho phép nâng cao đáng kể khả năng duy trì hoạt động trên biển của Hải quân Mỹ khi tiến hành các chiến dịch, nhất là trong bối cảnh đang có một số ý kiến lo ngại rằng năng lực hậu cần của họ quá yếu để đáp ứng những thách thức tại Thái Bình Dương trong tương lai.

Một mũi tên trúng hai đích

Tuy nhiên, RIMPAC không chỉ là "sân khấu" phô diễn sức mạnh chiến đấu hoặc năng lực hậu cần, đây còn là cơ hội để mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối thủ tiềm năng của Mỹ.

Sự tương tác giữa Hải quân Mỹ và Trung Quốc đã gặp trở ngại kể từ khi Mỹ bắt đầu các hoạt động tuần tra tự do hàng hải gần các đảo đá nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông vào năm ngoái.

Trong bối cảnh Trung Quốc kêu gọi quân đội nước này có những động thái đáp trả cứng rắn hơn trước sự hiện diện của Mỹ thì có vẻ 2 nước sẽ không thể hợp tác trong các hoạt động chiến đấu ở tương lai gần.

Thế nhưng, bằng cách hợp tác trong các lĩnh vực phi chiến đấu, 2 lực lượng hải quân có thể đảm bảo mối quan hệ tương tác giữa 2 phía vẫn chuyên nghiệp và an toàn, dù không còn hữu hảo như trước.

Tại RIMPAC, Mỹ và Trung Quốc đã phối hợp trong các bài tập giải cứu thủy thủ từ tàu ngầm gặp sự cố và trong diễn đàn về hỗ trợ y tế - cứu trợ thiên tai, cũng như các bài tập chống cướp biển, lặn - cứu hộ, tìm kiếm - cứu nạn.

Đầu năm nay, sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông đã khiến một số nghị sĩ Mỹ lên tiếng kêu gọi loại Trung Quốc khỏi cuộc tập trận RIMPAC.

Song, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định Washington luôn cố gắng để quy tụ tất cả các bên.

Mặc dù vậy ông Carter cho rằng phía Trung Quốc nên dừng việc "rời xa mọi người" và "tự cô lập mình". Mỹ hối thúc Trung Quốc "nên cố gắng tìm cách trở thành một phần trong hệ thống các quốc gia hợp tác, để các phép màu châu Á có thể xảy ra".

Khi cuộc tập trận RIMPAC đã bước vào hồi kết, có thể nhận thấy rằng dường như sự tham gia của Trung Quốc là nhằm phục vụ 2 mục đích trong chiến lược của Washington:

Một là xây dựng diễn đàn hợp tác, hiểu biết lẫn nhau.

Hai là cơ hội phô diễn khả năng mới mà Mỹ và đồng minh có thể hỗ trợ nếu xảy ra xung đột trong khu vực, như để nhắc nhở rằng: Hòa bình là lợi ích của tất cả mọi người.

***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Steven Stashwick.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại