"Khổng lồ" Kirov Nga đối đầu "viên đạn bạc tàng hình" Zumwalt Mỹ

Hải Vy |

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Kyle Mizokami đã đặt ra tình huống giả định: Sẽ thế nào nếu 2 con tàu này đối đầu nhau, một chọi một?

Sự suy giảm gần đây trong mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã một lần nữa hâm nóng các cuộc tranh luận về khả năng đối kháng tàu chiến giữa 2 phía.

Sau hơn 1 thập kỷ hỗ trợ các cuộc chiến tranh trên bộ ở Trung Đông và Trung Á, Hải quân Mỹ đang tái đầu tư cho nhiệm vụ cốt lõi, đó là "đánh chìm tàu chiến đối phương".

Họ đang tích cực tăng cường khả năng này nhưng cũng đồng thời cho ra đời một lớp tàu mới - khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Zumwalt, được thiết kế chủ yếu để hỗ trợ tác chiến trên bộ.

Trong khi đó tại Nga, Moscow vẫn nỗ lực tận dụng triệt để các tuần dương hạm lớp Kirov. Những con tàu khổng lồ dù đã gần 30 năm tuổi nhưng nhờ kho vũ khí hiệu quả, chúng vẫn đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ chính yếu như tấn công tàu chiến cỡ lớn của đối phương, đặc biệt là tàu sân bay.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Kyle Mizokami đã đặt ra tình huống giả định: Sẽ thế nào nếu 2 con tàu này đối đầu nhau, 1-chọi-1?

I - Tương quan lực lượng 2 phía

1. Zumwalt

"Zumwalt" là lớp tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường mới nhất của Hải quân Mỹ, gồm 3 tàu: Admiral Elmo Zumwalt, Michael Mansoor và Lyndon B. Johnson được tối ưu hóa để hỗ trợ hỏa lực cho hải quân.

Đây là những con tàu " tàng hình" đúng nghĩa đầu tiên trong biên chế Hải quân Mỹ, với thiết kế góc cạnh để giảm độ bộc lộ radar.

Zumwalt có lượng giãn nước 14.000 tấn, biến chúng trở thành tàu khu trục lớn nhất của Hải quân Mỹ từ trước tới nay. Dù vậy, con tàu dài gần 183m này được cho là có độ bộc lộ radar chỉ bằng một tàu đánh cá cỡ nhỏ, và có tốc độ tối đa tới 30 hải lý/h.

Khổng lồ Kirov Nga đối đầu viên đạn bạc tàng hình Zumwalt Mỹ - Ảnh 1.

Zumwalt chỉ có độ bộc lộ radar bằng 1 tàu đánh cá nhỏ.

Ngoài kích cỡ "khủng", con tàu còn có hệ thống cảm biến và vũ khí ấn tượng. Radar đa chức năng AN/SPY-3 cung cấp khả năng tìm kiếm từ tầm trung cho tới tầm cao ưu việt hơn các radar trước đây, và có thể chỉ thị mục tiêu cho tên lửa đất-đối-không SM-2.

Các tàu lớp Zumwalt có 80 ống phóng thẳng đứng, dùng để phóng tên lửa SM-2, Evolved Sea Sparrow, tên lửa tấn công mặt đất Tomahawk và rocket chống ngầm ASROC.

Mặc dù có thể Zumwalt không có khả năng phòng không khu vực nhưng nó lại thừa sức bảo vệ mình.

Dù ban đầu có một số nghi ngờ nhưng có vẻ Zumwalt thực sự sẽ được trang bị tên lửa SM-2. Vừa qua, Hải quân Mỹ đã đặt hàng 18 tên lửa SM-2AUR, có thể sẽ trang bị trên chiếc đầu tiên thuộc lớp này.

Bên cạnh đó, Zumwalt còn có tên lửa phòng không tầm ngắn Evolved Sea Sparrow, với mỗi ống phóng chứa 4 tên lửa. Như vậy, trên lý thuyết, mỗi tàu có thể mang tới 320 tên lửa Evolved Sea Sparrow.

Khổng lồ Kirov Nga đối đầu viên đạn bạc tàng hình Zumwalt Mỹ - Ảnh 2.

Hệ thống pháo hạm AGS 155 mm trang bị trên tàu Zumwalt.

Xét tới các cuộc chiến tranh trên bộ đầu thế kỷ 21 và sự suy yếu trong năng lực chống tàu mặt nước của Hải quân Mỹ hiện nay thì không có gì ngạc nhiên khi Zumwalt thiếu khả năng chống tàu.

Các tên lửa chống hạm Harpoon chưa được trang bị trên tàu lớp Zumwalt, do chúng không tương thích với các ống phóng trên tàu, mà cần được lắp đặt trên các ống phóng nghiêng thường bố trí ở boong chính.

Hai hệ thống pháo hạm tiên tiến (AGS) 155mm của Zumwalt, với tầm bắn 83 hải lý và tốc độ bắn 10 phát/phút, có khả năng chống tàu mặt nước và sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các tàu bọc thép hạng nhẹ hiện nay.

Công nghệ hiện đại, tối tân trên tàu khu trục lớp Zumwalt

2. Kirov

Trong khi đó, tuần dương hạm lớp Kirov - đối thủ của Zumwalt là di sản của thời đại trước.

Ra đời vào cuối những năm 1980 để nhanh chóng vô hiệu hóa tàu sân bay Mỹ, các tàu lớp Kirov được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ tấn công. Đồng thời, chúng còn có khả năng phòng không đáng gờm.

Khổng lồ Kirov Nga đối đầu viên đạn bạc tàng hình Zumwalt Mỹ - Ảnh 4.

Tuần dương hạm hạng nặng lớp Kirov

Mỗi tàu dài 252m, gần bằng thiết giáp hạm Bismarck và Iowa thời Thế chiến 2 nhưng có lượng giãn nước chỉ 24.000 tấn và có thể đạt tốc độ tối đa 32 hải lý. Điều này phần lớn là do Kirov sử dụng động cơ hạt nhân, thay vì động cơ turbine và nồi hơi.

Một lý do khác là: Thay vì mang pháo hạng nặng như thiết giáp hạm Iowa (9 khẩu pháo 406mm nặng 1.075 tấn, chưa kể tháp pháo, giáp và đạn dược), Kirov trang bị tên lửa.

Về vũ khí tấn công, Kirov có 20 tên lửa chống tàu P-700 Granit "khổng lồ". Mỗi tên lửa dài khoảng 10m và nặng hơn 7.000kg, giống như các máy bay không người lái.

Khổng lồ Kirov Nga đối đầu viên đạn bạc tàng hình Zumwalt Mỹ - Ảnh 5.

Tên lửa P-700 Granit

Tên lửa Granit có tầm bắn 300 hải lý, với tốc độ Mach 2.5 và mang đầu đạn nặng khoảng 750kg. Thông tin ban đầu về mục tiêu có thể do một phương tiện khác cung cấp cho Kirov như trực thăng trang bị trên tàu, máy bay tuần tra cất cánh từ căn cứ trên bộ như Tu-95 Bear hoặc hệ thống vệ tinh Legenda (cung cấp dữ liệu mục tiêu cho cả Kirov và tên lửa Granit).

Kirov còn có khả năng phòng không, với mỗi tàu trang bị một lượng lớn tên lửa phòng thủ để giúp chúng trụ vững, ít nhất là cho tới khi tên lửa Granit được sử dụng hết.

96 tên lửa đất-đối-không tầm xa S-300F tạo thành một lớp phòng không bên ngoài, 192 tên lửa 3K95 và 40 tên lửa tầm ngắn 4K33 tạo thành lớp phòng thủ bên trong. Và ở lớp phòng thủ cuối cùng, Kirov có 8 pháo 6 nòng cỡ 30mm AK-630.

Sức mạnh tuần dương hạm lớp Kirov

II - Nếu đối đầu, con tàu nào sẽ chiến thắng?

Giả sử 2 con tàu đều đang di chuyển trên biển, tàu Zumwalt nằm trong phạm vi tầm bắn tối đa của tên lửa chống hạm Granit trên tàu Kirov: 300 hải lý.

Không giống những kịch bản trước đây, lần này chúng ta giả định 2 con tàu đều chưa nắm được vị trí của đối phương, chúng sẽ tìm kiếm lẫn nhau.

Kirov có hệ thống vệ tinh Legenda hỗ trợ nhưng Legenda là vệ tinh phát hiện tín hiệu radar, trong khi Zumwalt là tàu khu trục tàng hình với độ bộc lộ radar chỉ bằng một chiếc tàu đánh cá nhỏ.

Cả 2 tàu đều đang hùng hổ tìm kiếm đối phương, triển khai các trực thăng trên tàu dò quét để tìm kiếm mục tiêu ngoài đường chân trời. Trong tình huống này, tàu khu trục tàng hình có một lợi thế rõ rệt trước chiếc tàu tuần dương đồ sộ nhưng không có khả năng tàng hình.

Các trực thăng trên tàu Zumwalt sẽ phát hiện ra tàu Kirov trước và gửi dữ liệu vị trí về cho tàu mẹ. Trong khi đó, tàu Kirov có thể phát hiện ra các trực thăng này nhưng chưa thể xác định vị trí thực của tàu Zumwalt.

Nếu Zumwalt có thể giữ vững khả năng tàng hình thì về lý thuyết, nó có thể tiếp cận gần tới tầm bắn của pháo hạm trên tàu Kirov. Tuy nhiên, tàu tuần dương của Nga sẽ muốn lùi lại và tấn công Zumwalt từ khoảng cách xa.

Không may cho phía Nga, mọi hệ thống trên tàu Kirov, từ vệ tinh chỉ thị mục tiêu cho tới hệ thống dẫn đường trên tên lửa Granit đều phụ thuộc vào radar. Kirov có thể phóng tên lửa về phía nghi là vị trí của tàu Zumwalt, sau đó radar dẫn đường của Granit vẫn có cơ may bắt được tín hiệu radar yếu ớt của chiếc tàu khu trục Mỹ.

Khổng lồ Kirov Nga đối đầu viên đạn bạc tàng hình Zumwalt Mỹ - Ảnh 7.

Tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov phóng tên lửa chống hạm P-700.

Ngay cả nếu Granit có thể khóa trúng tàu Zumwalt thì con tàu của Mỹ vẫn có hệ thống phòng không để đối phó. Trang bị ít nhất 19 tên lửa phòng không tầm trung SM-2 và hàng chục tên lửa phòng không tầm ngắn Evolved Sea Sparrow, Zumwalt có thể hạ gục hầu hết các tên lửa Granit.

Song liệu Zumwalt có thể dùng pháo hạm tấn công tàu Kirov hay không? Điều này còn tùy thuộc nhiều thứ.

Với tầm bắn tối đa 83 hải lý, đạn pháo tấn công mặt đất tầm xa (LRLAP) bắn đi từ hệ thống pháo AGS của Zumwalt sẽ cần 161,89 giây để chạm tới mục tiêu.

Ngay cả nếu Zumwalt biết chính xác vị trí của Kirov thì các viên đạn pháo này cũng di chuyển quá chậm chạp để đánh trúng chiếc tàu của Nga.

Hệ thống dẫn đường GPS trên pháo hạm AGS không hỗ trợ được nhiều trong trường hợp này, trừ phi Zumwalt có thể theo dõi tàu Kirov khí nó di chuyển ở tốc độ ổn định và điều chỉnh được độ lệch của đạn khi gặp gió.

Phương án đó có thể hiệu quả trong chuỗi bắn đầu tiên nhưng một khi Kirov bắt đầu di chuyển ngoằn ngoèo thì không thể nhắm trúng nó được nữa.

Khổng lồ Kirov Nga đối đầu viên đạn bạc tàng hình Zumwalt Mỹ - Ảnh 8.

Mỗi viên đạn pháo của AGS sẽ cần 161,89 giây để chạm tới mục tiêu.

Kết quả của cuộc chiến này sẽ là: Một trận hòa. Không bên nào có thể bắn trúng phía còn lại.

Zumwalt không thể tiếp cận đủ gần để tấn công bằng pháo hạm và Kirov không thể sử dụng các vũ khí dẫn đường bằng radar của nó. Cả 2 phải dừng lại để chờ cơ hội giao chiến vào một thời điểm khác.

Song trong tương lai, các loại vũ khí mới như tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) sẽ mang lại cho Zumwalt lợi thế thực sự. Bên cạnh đó, đạn pháo 155mm sẽ trở nên hữu dụng hơn nếu nó có thể tiếp nhận dữ liệu dẫn đường trong giai đoạn cuối từ máy bay không người lái.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Kyle Mizokami - một cây viết tại San Francisco chuyên về các vấn đề quốc phòng và an ninh quốc gia. Mizokami từng cộng tác với các ấn phẩm nổi tiếng như Diplomat, Foreign Policy, War is Boring và Daily Beast.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại