J-10 Trung Quốc có đủ sức "bắt nạt" F-16 Block 52?

Hải Dương |

Trong trường hợp Việt Nam quyết định đặt mua F-16 Block 52, đối thủ xứng tầm của nó sẽ là chiếc tiêm kích nhẹ Chengdu J-10 của Trung Quốc.

Nguồn gốc Chengdu J-10 Trung Quốc xuất phát từ chiếc tiêm kích hạng nhẹ IAI Lavi của Israel, trong khi Lavi lại được thiết kế dựa trên F-16, cho nên giữa J-10 và F-16 có rất nhiều nét tương đồng từ hình dáng bên ngoài cho đến các đặc tính kỹ chiến thuật.

Vậy nếu xảy ra tình huống đối đầu giữa hai chiếc chiến đấu cơ này thì ai sẽ là người chiến thắng?

J-10 Trung Quốc có đủ sức bắt nạt F-16 Block 52? - Ảnh 1.

Tiêm kích J-10A của Không quân Trung Quốc

Hiện nay nhiều thông số kỹ thuật cơ bản của "con cưng" Không quân Trung Quốc vẫn được giữ kín trong đó có cả tham số radar.

Tạp chí quốc phòng Jane's từng cho rằng radar trang bị cho J-10 là loại KLJ-10 do Trung Quốc nghiên cứu phát triển theo nguyên mẫu N010 Zhuk của Nga, có khả năng phát hiện 40 mục tiêu, theo dõi 10 mục tiêu và dẫn đường cho vũ khí tiêu diệt 2 đối tượng cùng lúc.

Phạm vi theo dõi mục tiêu có diện tích phản xạ radar (RCS) 3 m2 của KLJ-10 đạt khoảng 90 km ở chế độ đối không và 40 km ở chế độ đối đất. Thông số này thực sự không gây nhiều ấn tượng.

Tuy nhiên theo trang mạng Chinadefence Mashup, radar của J-10 thực tế là KLJ-3 được chế tạo trên cơ sở công nghệ hai loại radar EL/M 2032 và EL/M 2035 của Israel.

KLJ-3 có khả năng bám bắt mục tiêu là máy bay tiêm kích từ cự ly 100 km hoặc tàu khu trục cách xa 130 km trong điều kiện làm việc lý tưởng.

So sánh với radar AN/APG-68 (V5) của F-16 Block 52, tầm trinh sát tối đa là 296 km đối với máy bay cỡ lớn hoặc 105 km đối với tiêm kích có diện tích phản xạ radar 5 m2, theo dõi được 10 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt 6 mục tiêu cùng lúc. 

Như vậy, thông số kỹ chiến thuật cơ bản theo lý thuyết của cảm biến chính trên J-10 cũng như F-16 Block 52 là tương đương, nhưng hiệu suất thực tế của radar J-10 lại luôn gây nghi ngờ, khi trong các bài tập đối kháng với J-11 nó dễ dàng bị gây nhiễu, dẫn tới bỏ lọt mục tiêu.

J-10 Trung Quốc có đủ sức bắt nạt F-16 Block 52? - Ảnh 2.

 Tiêm kích F-16 Block 52 Plus

Còn trong chế độ không chiến quần vòng cự ly gần thì rõ ràng ưu thế nghiêng hẳn về phía J-10.

Với động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều AL-31FN (hoặc động cơ nội địa WS-10A) kết hợp cùng cánh mũi mà khả năng cơ động của J-10 tốt hơn hẳn F-16. Ngoài ra 2 bình nhiên liệu 600 gallon của biến thể Block 52 Plus cũng làm cho F-16 trở nên nặng nề hơn nhiều.

Nhược điểm trên của F-16 cũng có thể khắc phục phần nào nếu nó được trang bị các loại tên lửa không đối không có chức năng khóa mục tiêu sau khi phóng và tầm bắn xa như Python-5, ASRAAM hay AIM-9X block II.

J-10 Trung Quốc có đủ sức bắt nạt F-16 Block 52? - Ảnh 3.

 F-16 Block 52 Plus và J-10 sẽ là cặp kỳ phùng địch thủ trên biển Đông?

Nếu Việt Nam quyết định lựa chọn F-16 Block 52 (Plus) làm tiêm kích hạng nhẹ thế hệ mới để thay thế cho MiG-21, kỳ phùng địch thủ của nó sẽ là chiếc Chengdu J-10 của Trung Quốc.

Hai loại chiến đấu cơ này đều sở hữu những ưu và nhược điểm riêng, phần thắng khi đối đầu (nếu có) sẽ phụ thuộc chủ yếu vào chiến thuật cũng như trình độ của phi công điều khiển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại