F-16C/D Block 52 Plus và Su-30MK2 - Tiêm kích nào mạnh hơn?

Hải Dương |

Nhiều khả năng trong tương lai gần, 2 chiếc tiêm kích đa năng F-16C/D Block 52 Plus và Su-30MK2 sẽ cùng có mặt trong biên chế KQVN, vậy loại nào chiếm ưu thế nhiều hơn khi đối đầu?

Việc Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đã mở ra triển vọng lớn để Việt Nam mua được tiêm kích hạng nhẹ F-16, nhằm thay thế cho phi đội MiG-21 đã bị loại biên.

Đang có dự đoán là với chính sách ưu tiên đưa không quân tiến thẳng lên hiện đại, chúng ta sẽ nói không với đồ cũ và lựa chọn biến thể hàng đầu của dòng F-16 Fighting Falcon là F-16C/D Block 52 Plus.

Nếu điều này trở thành hiện thực, F-16 sẽ song hành với Su-30MK2 trong nhiệm vụ bảo vệ không phận cũng như chủ quyền biển đảo. Vậy trong hai loại tiêm kích đa năng này, chiếc nào sẽ được sử dụng với vai trò chủ lực trong không chiến?

F-16C/D Block 52 Plus và Su-30MK2 - Tiêm kích nào mạnh hơn? - Ảnh 1.

Tiêm kích F-16D Block 52 Plus

Đầu tiên khi xét về khả năng không chiến tầm xa, F-16 Block 52 được trang bị radar AN/APG-68 (V5) có chế độ tự động phát hiện và bám bắt, tầm trinh sát tối đa lên tới 296 km đối với máy bay cỡ lớn hoặc 105 km đối với tiêm kích có diện tích phản xạ radar (RCS) 5m2, theo dõi được 10 mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt 6 mục tiêu cùng lúc.

Còn Su-30MK2 trang bị tổ hợp ngắm bắn đa nhiệm SUV-VEP, bao gồm radar N001VEP và OLS-30, phạm vi tìm kiếm mục tiêu trên không khoảng 150 km (kéo dài lên tới 300 km nếu đối tượng là máy bay ném bom hoạt động ở độ cao lớn), bám sát tiêm kích có RCS 3m2 từ cự ly 65 km, theo dõi 10 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 2 mục tiêu (1 xa 1 gần) cùng lúc.

Như vậy sức mạnh của cảm biến chính trên hai chiếc chiến đấu cơ này gần như tương đương, tuy nhiên do là một chiếc tiêm kích nhẹ có RCS chỉ vào khoảng 2m2, F-16 chiếm giữ rất nhiều lợi thế khi có thể thấy trước và bắn trước nếu đối đầu trực diện với dòng Su-30MK2 có RCS vào khoảng 10 - 12 m2.

F-16C/D Block 52 Plus và Su-30MK2 - Tiêm kích nào mạnh hơn? - Ảnh 2.

Tiêm kích Su-30MK2 của Hải quân Trung Quốc

Tiếp theo trong kịch bản không chiến quần vòng cự ly ngắn (dogfight), khả năng cơ động của Su-30MK2 được đánh giá nhỉnh hơn, nhưng nó cũng có nhược điểm là 2 động cơ cỡ lớn AL-31F khiến máy bay trở nên "sáng rực" trước đầu dò hồng ngoại của tên lửa nhiệt, hơn hẳn so với 1 động cơ F100-PW-229 của F-16 Block 52.

Một điều nữa cũng cần phải xét đến đó là trong những trận dogfight, trình độ của phi công gần như quyết định phần lớn cục diện.

F-16C/D Block 52 Plus và Su-30MK2 - Tiêm kích nào mạnh hơn? - Ảnh 3.

F-16C/D Block 52 Plus cùng Su-30MK2 sẽ trở thành cặp bài trùng lợi hại của Không quân Việt Nam

Như vậy, xét trên tất cả các yếu tố thì dòng tiêm kích hạng nhẹ F-16 Block 52 tỏ ra nhỉnh hơn tiêm kích hạng nặng Su-30MK2 trong không chiến.

Vì vậy có thể trong tương lai, Không quân Việt Nam sẽ sử dụng biên đội hỗn hợp F-16 mang tên lửa đối không để làm nhiệm vụ tiêm kích bảo vệ cho Su-30MK2 trang bị tên lửa diệt hạm, do tầm bay chuyển sân của F-16 Block 52 Plus đã lên tới gần 4.000 km, đủ sức vươn cánh ra biển Đông, cách làm này sẽ phát huy được tối đa lợi thế của hai chiếc chiến đấu cơ đa năng trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại