Israel tự tay bắn hạ máy bay do chính mình thiết kế tại Syria: Cái giá của cuộc "hôn nhân" thuận tiện với Nga

Lâm Vy |

Bằng cách nào các UAV do Israel thiết kế lại trở thành phương tiện tiếp sức cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad?

Hè năm ngoái, Israel đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) quân sự khác gần đường phân cách vùng cao nguyên Golan do Israel chiếm giữ với phần còn lại của lãnh thổ Syria.

Hình ảnh của chiếc UAV bị bắn hạ cho thấy hệ chữ Cyrillic (Kirin) trong tiếng Nga ở đuôi máy bay và các bộ phận có thể nhận biết được của mẫu Forpost có trong trang bị của Nga.

Những bằng chứng này đã khiến các bên bối rối: Syria và Nga là đồng minh, Syria và Israel là đối thủ - nhưng chiếc UAV Forpost của Nga do Israel bắn hạ lại chính là một thiết kế của Tel Aviv.

Bằng cách nào các UAV do Israel thiết kế lại trở thành phương tiện tiếp sức cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad? Điều này đã làm nổi bật mối quan hệ phức tạp giữa Israel và Nga.

Israel tự tay bắn hạ máy bay do chính mình thiết kế tại Syria: Cái giá của cuộc hôn nhân thuận tiện với Nga - Ảnh 1.

Máy bay không người lái Forpost tại Ural Works of Civil Aviation, một công ty sữa chữa máy bay lớn của Nga ngày 12/2/2016. Ảnh: TASS

Mặc dù Nga là phía ra mặt bảo vệ cho chính quyền Assad khi thế lực này đứng trên bờ vực sụp đổ 4 năm trước nhưng Moscow cũng đã thận trọng xây dựng mối quan hệ quân sự với Israel trong suốt thập kỷ qua.

Sau hơn 7 năm chìm trong chiến tranh, bầu trời Syria đã trở nên quá quen thuộc đối với các loại máy bay đến từ nhiều quân đội và các lực lượng vũ trang khác nhau, mỗi bên theo đuổi những mục đích riêng, chẳng hạn dùng Syria như một bãi thử nghiệm vũ khí.

Không quân Mỹ và lực lượng bộ binh người Kurd đã khiến IS suy yếu đáng kể trước khi chúng suy tàn vào mùa xuân năm ngoái. Trong khi đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng ủy nhiệm của họ đã tiến hành một chiến dịch đàn áp khốc liệt tại Afrin.

Trong 5 năm qua, Israel đã tận dụng triệt để lợi thế của cuộc nội chiến tại Syria để thắt chắt quyền kiểm soát cao nguyên Golan – một phần lãnh thổ Syria mà Israel đã chiếm giữ kể từ sau Chiến tranh 6 ngày năm 1967.

Lực lượng Israel coi không phận cao nguyên Golan là không phận của họ và sử dụng cuộc xung đột tại Syria như một màn khói ngụy trang để tấn công các mục tiêu trên bộ, cũng như các loại UAV của Hezbollah và Iran.

Một cách định kỳ, Israel sẽ bắn hạ các UAV tương tự như mẫu Forpost của Nga. Vụ việc đã vén màn một trong những bí mật "gần như ai cũng biết" ở Trung Đông, đó là: Nga phần nhiều đang phớt lờ các cuộc không kích của Israel nhằm vào Iran và Hezbollah, trong khi cả hai đều là đồng minh của Moscow.

Israel tự tay bắn hạ máy bay do chính mình thiết kế tại Syria: Cái giá của cuộc hôn nhân thuận tiện với Nga - Ảnh 2.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (thứ hai từ phải sang) kiểm tra UAV Forpost tại Ural Works of Civil Aviation ngày 20/1/2017. Ảnh: TASS

Cuộc "hôn nhân" thuận tiện

Sự xuất hiện của các UAV do Israel thiết kế trong kho vũ khí của Nga bắt nguồn từ một cuộc xung đột hoàn toàn khác: Chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008. Khi quân đội Gruzia bắn hạ các máy bay Nga, thiệt hại này đã thúc đẩy Nga đầu tư vào một chương trình UAV tinh vi mà các quốc gia khác, như Mỹ và Israel, đã xây dựng trước đó.

"Nga đã thể hiện sự quan tâm của họ đến UAV nhiều năm qua. Trong chiến tranh Gruzia, Nga nhận ra rằng họ cần phải xây dựng năng lực UAV" - Ulrike Franke, một nhà nghiên cứu UAV tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại cho hay.

Nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ này và giảm rủi ro cho các phi công Nga, Moscow đã tìm tới một đối tác không ngờ tới, đó là Israel.

Năm 2010, Tổ hợp Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel đã ký thỏa thuận trị giá 400 triệu USD để chuyển giao công nghệ UAV cho Nga.

Báo chí Israel suy đoán rằng, sự cởi mở của Tel Aviv đối với thỏa thuận này là một phần trong giao dịch trao đổi đã kéo dài nhiều năm, nhằm đổi lại việc Nga từ chối cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho Iran và Syria.

Bất chấp lo ngại của chính phủ Mỹ về nguy cơ rò rỉ công nghệ vũ khí tiên tiến từ Israel sang Nga, quân đội Israel đã tiến hành đào tạo các sĩ quan Nga vận hành những UAV này.

Năm 2015, Nga và Israel đã tiến tới một thỏa thuận lớn khác sau khi Nga can thiệp vào thương vụ bán UAV tiềm năng của Israel cho Ukraine.

Tel Aviv đã lên kế hoạch bán một số UAV quân sự tiên tiến cho Ukraine khi Kiev đang mắc kẹt trong cuộc chiến tranh với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn. Thế nhưng, Israel đã từ bỏ thỏa thuận trên sau khi Nga lên tiếng phản đối, và quay sang bán lô UAV này cho Moscow.

Do Nga đã triển khai UAV trên nhiều chiến trường nên quân đội của họ đã có sự tiến bộ trong việc vận hành chúng. Theo bà Franke "Vẫn khó có thể xác định năng lực của Nga thực sự tiến bộ đến đâu nhưng họ chắc chắn đã gặt hái được nhiều kinh nghiệm với các hệ thống tương tự như Forpost ở chiến trường Ukraine và Syria".

Trong kho UAV của Nga, Forpost là loại được sử dụng rộng rãi nhất và có phạm vi hoạt động dài nhất. Không giống các loại UAV của Mỹ như Predator và Reaper, Forpost không phải là UAV tấn công. Thay vào đó, vai trò cơ bản của nó là tình báo, giám sát và trinh sát (ISR).

"Những UAV này có thể duy trì hoạt động tại một khu vực nhất định trong khoảng thời gian rất dài – kéo dài nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày hoặc nhiều tuần nếu chúng được triển khai luân phiên", bà Franke cho hay, "Điều đó có nghĩa thông tin ISR về mục tiêu mà mẫu UAV này có thể thu thập được sẽ chi tiết hơn rất nhiều và chất lượng hơn bất cứ phương tiện tình báo nào khác trước đây".

Điều khiến vụ Israel bắn hạ UAV Forpost của Nga vào mùa hè năm ngoái trở nên thú vị là mẫu UAV này được thiết kế dựa trên mẫu UAV Searcher II của tổ hợp Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel.

"Forpost là phiên bản được sản xuất theo giấy phép tại Nga", bà Franke nói, "Do đó, nói cách khác, Israel đã bắn hạ chính UAV do mình chế tạo".

Mặc dù UAV Forpost có nguồn gốc từ Israel nhưng quân đội Nga lại hào hứng tô vẽ cho chúng. Truyền hình Nga từng quay cận cảnh UAV Forpost trong một đoạn phóng sự thực hiện tại căn cứ không quân Hmeimim, Syria và Nga đã bất ngờ cởi mở về vai trò quan trọng của những UAV như Forpost trong cuộc xung đột tại Syria.

Năng lực kỹ thuật nội địa của Nga dường như đã có tiến bộ khi xuất hiện nhiều tin đồn rằng quân đội Nga đang thử nghiệm một mẫu UAV tấn công mới gọi là Orion-E.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố "trong thời kỳ đầu của cuộc xung đột, các UAV của Nga đã thực hiện khoảng 400 lượt xuất kích mỗi tháng. Cuối năm 2017, con số này đã lên tới 1.000 lượt mỗi tháng" – theo ông Sam Bendett, chuyên gia về công nghệ UAV của Nga tại tổ chức tư vấn CAN (Virginia).

Sự xuất hiện của các UAV do Nga sản xuất theo giấy phép từ Israel trên chiến trường là ví dụ điển hình cho mối quan hệ phức tạp giữa hai nước, và sự phức tạp này đã lan rộng vào mối quan hệ đối ngoại giữa hai phía chính phủ.

Hiện trạng kỳ quái

Bất chấp việc Nga sử dụng công nghệ quân sự của Israel để hỗ trợ quân Assad và rộng hơn là Iran, Hezbollah thì Tel Aviv vẫn không có lập trường thù địch đối với sự can thiệp của Nga vào Syria. Trên thực tế, sự kết hợp ngầm giữa Nga và Israel đã được truyền thông đưa tin rộng rãi.

Khi quân đội Nga bắt đầu chiến dịch can thiệp vào Syria trong năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng Israel khi đó Moshe Ya’alon đã bác bỏ những lo ngại cho rằng Moscow sẽ ngăn cản các mục tiêu quân sự của Israel.

"Chúng ta không can thiệp vào việc của họ thì họ cũng thế" – ông Ya’alon nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh.

Quân đội Israel và Nga dường như đã thiết lập một đường dây nóng giảm xung đột nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ ngoài ý muốn. Mối quan hệ bề ngoài giữa hai phía cũng cho phép họ có được một mức độ tự do nhất định khi thực hiện những hành động có nguy cơ châm ngòi trả đũa quân sự hoặc ngoại giao.

Chính sách "không can thiệp" đã cho phép Nga và Israel tập trung vào các ưu tiên quân sự của họ trong khu vực: Nga muốn bảo vệ "ngai vàng" của Assad và tránh thương vong cho lực lượng Nga, trong khi Israel tập trung ngăn chặn Hezbollah xây dựng lực lượng gần không phận của họ và chặn đứng các đợt chuyển giao vũ khí tiên tiến cho tổ chức phiến quân này.

Israel tự tay bắn hạ máy bay do chính mình thiết kế tại Syria: Cái giá của cuộc hôn nhân thuận tiện với Nga - Ảnh 3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp tại Kremlin vào ngày 4/4/2019. Ảnh: Getty

Chính phủ Israel dường như đã chấp nhận mục tiêu của Nga là duy trì vị thế cầm quyền của ông Assad và mở cơ hội cho quân chính phủ Syria tái chiếm vùng lãnh thổ giáp ranh với cao nguyên Golan (do Israel chiếm giữ) vào năm ngoái.

Israel thà chấp nhận một đối thủ mà họ đã biết tường tận – Assad – thay vì phải đối mặt với những nhóm nổi dậy không lường được.

Mặc dù Israel vẫn có sự hỗ trợ nhất định đối với các nhóm quân nổi dậy ở nam Syria, nhưng truyền thông Israel cho biết Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu lại tích cực vận động ngăn các quốc gia đồng minh cung cấp vũ khí phòng không co lực lượng đối lập ở Syria.

Ông Netanyahu nhấn mạnh rằng, Israel tập trung vào Iran và Hezbollah nhiều hơn là "hất cẳng" Assad.

"Chúng tôi không thấy có vấn đề gì với chính quyền Assad", ông Netanyahu phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moscow hồi năm ngoái, "Trong 40 năm qua, không một quả đạn nào được bắn vào cao nguyên Golan".

Mặc dù Israel và Nga thi thoảng bất đồng nhưng mối quan hệ bề ngoài giữa ông Netanyahu và Tổng thống Nga Putin vẫn rất ôn hòa. Hồi đầu năm nay, Nga đã phản đối việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan.

Không lâu sau đó, Israel đã tấn công các đồng minh của Nga tại Syria nhưng ông Netanyahu vẫn tiến hành chuyến thăm hữu nghị tới Moscow ngay sau vụ việc.

Các cuộc không kích và leo thang

Mặc dù mối quan hệ phức tạp giữa Nga và Israel đã được giữ vững trong phần lớn cuộc chiến ở Syria nhưng hai phía đã trở nên bất hòa sau khi Israel đẩy mạnh các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria.

Giới chức Israel thừa nhận đã tiến hành hàng trăm cuộc tấn công vào Syria trong những năm gần đây. Năm 2018, Israel hiếm hoi thừa nhận đã phát động hơn 200 cuộc không kích trong suốt 18 tháng trước đó, các cuộc không kích vẫn tiếp diễn nhằm vào lực lượng đồng minh với Assad trong những tháng còn lại của năm 2018.

Israel tự tay bắn hạ máy bay do chính mình thiết kế tại Syria: Cái giá của cuộc hôn nhân thuận tiện với Nga - Ảnh 4.

Một phiến quân đang xem xét những mảnh vỡ còn sót lại của chiếc UAV mà Israel đã bắn hạ một ngày trước đó tại khu vực gần Barqah ngày 12/7/2018. Ảnh: Getty

Những tuyên bố của quân đội Israel về các đợt không kích cho thấy nước này tiếp cận không phận Syria một cách khá dễ dàng dù có sự hiện diện của các lực lượng Nga. Tel Aviv vấp phải rất ít (hoặc gần như không phải đối mặt) với sự chống trả của các hệ thống phòng không tiên tiến được triển khai từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Syria.

Nói cách khác, Nga đã chứng tỏ rằng nước này sẵn lòng "mắt nhắm mắt mở" khi Israel tấn công vào các lực lượng đồng minh của Iran bên trong lãnh thổ Syria.

"Cả hai phía đều đang cố làm nhiều nhất có thể để tránh phải đối đầu trực diện bởi không phía nào muốn điều đó xảy ra" - Evgeny Finkel, chuyên gia về quan hệ Nga-Israel, đồng thời là phó giáo sư tại Trường Các Nghiên cứu Tiên tiến, Đại học Johns Hopkins nhận định – "Nga cả khi Israel bắn hạ UAV, Nga sẽ gần như chắc chắn cho qua một bên".

Tình trạng này kéo dài cho tới vụ bắn nhầm tháng 9 năm ngoái, khi cuộc không kích của Israel buộc phòng không Syria khai hỏa đáp trả và kết quả đã bắn nhầm vào một máy bay trinh sát của Nga, khiến 15 quân nhân thiệt mạng.

Công khai quy trách nhiệm cho Israel về vụ việc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, Israel chỉ cảnh báo cho Nga chưa đầy 1 phút trước khi tiến hành không kích, khiến máy bay Nga không kịp di chuyển đến nơi an toàn.

Để trả đũa vụ việc, Nga quyết định chuyển giao hệ thống phòng không tiên tiến S-300 cho Syria, phá vỡ thỏa thuận ngầm với Israel.

Bất chấp đợt chuyển giao tên lửa của Nga, Không quân Israel đã nối lại các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng đồng minh của Assad. Mặc dù các hệ thống phòng không của Syria đã được kích hoạt nhưng hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy các tên lửa S-300 đã được phóng đi.

Mặc dù mối quan hệ đồng minh bên ngoài khiến Nga và Israel có vẻ đứng về hai phía đối lập nhưng theo giới chuyên gia, cuộc chiến tranh tại Syria thực chất đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước này: Cả hai phía đã có nhiều thỏa thuận vũ khí, thỏa thuận giảm xung đột và nỗ lực tác động lên phía còn lại để theo đuổi các lợi ích riêng.

Trong bối cảnh có nhiều đồn đoán cho rằng cuộc xung đột tại Syria sẽ sớm kết thúc với chiến thắng của quân chính phủ thì các lực lượng quân sự mạnh, như Nga và Israel, sẽ tiếp tục cuộc chiến của riêng họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại