Trong khi đó, theo tạp chí quân sự Janes, Israel đã bắt tay vào phát triển tổ hợp ABISR từ năm 2006 và đây là phiên bản rút gọn của tổ hợp Barak LR. Tầm bắn của tổ hợp ABISR vào khoảng 35 km. Hiện tại, quá trình phát triển ABISR đã hoàn tất và nó đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt.
Tổ hợp tên lửa phòng không ABISR đặt trên khung gầm xe dã chiến / Defense News.
Một vụ phóng thử của tổ hợp ABISR / DefenseTalk.
Điểm khác biệt chính của tổ hợp ABISR so với Barak là được nâng cao khả năng cơ động khi các thành phần của tổ hợp đều được đặt trên khung gầm các xe vận chuyển chuyên dụng. Ngoài ra, tổ hợp tên lửa phòng không mới cũng phù hợp để trang bị trên chiến hạm.
Về kích thước, tổ hợp ABISR gần như tương đương với Barak LR. Tuy nhiên, do chỉ đảm nhiệm vai trò phòng không tầm trung, tổ hợp tên lửa mới chỉ sử dụng đạn tên lửa đánh chặn nhiên liệu rắn một tầng (tổ hợp Barak LR sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn 2 tầng đẩy).
Tạp chí Janes đăng tải, Israel Aerospace Industries đã âm thầm thực hiện ít nhất 10 vụ phóng đối với tổ hợp ABISR, trong đó đáng chú ý nhất là các vụ phóng thử hồi tháng 3-2016 với nhiệm vụ đánh chặn các mục tiêu giả lập bay ở vận tốc siêu thanh.
Israel từng giới thiệu ABISR cho Ấn Độ trong khuôn khổ gói thầu tìm mua tổ hợp tên lửa phòng không tầm ngắn và trung QRSAM của quân đội Quốc gia Nam Á này.
Hiện tại, các thông tin liên quan tới tổ hợp ABISR chưa được công bố, nhưng giới chuyên gia quân sự đánh giá cao khả năng phòng thủ của dòng vũ khí phòng không này trước các mục tiêu bay siêu thanh, trong đó có tên lửa hành trình của đối phương.
ABISR được nhận định có khả năng đánh chặn các mục tiêu bay thấp hoặc bám địa hình rất tốt. Tổ hợp vũ khí này có thể hoạt động độc lập hoặc phối hợp với các thành phần khác trong hệ thống phòng không hợp nhất.