Phòng không đa tầng
Hiện nay, Syria đang sở hữu hệ thống phòng không nhiều tầng từ tầm thấp đến tầm cao. Đầu tiên phải kể đến là hệ thống S-200 Angara (NATO định danh là SA-5).
Hệ thống S-200 được sử dụng trong nhiều nhiệm vụ chống lại những mục tiêu (máy bay, trạm chỉ huy trên không, chống nhiễu, các thiết bị quan sát và tấn công đường không) có hoặc không người lái, bay với tốc độ 1.200 km/h trên độ cao từ 300m đến 40km trong các điều kiện kháng nhiễu điện tử mạnh.
Hệ thống sử dụng đạn tên lửa có kích thước rất lớn, đạt tầm bắn xa tới 160km hoặc 250-300km với biến thể cải tiến, độ cao diệt mục tiêu 20-40km tùy biến thể. Tên lửa sử dụng hệ chiếu vô tuyến pha giữa để hiệu chỉnh đường bay, pha cuối dùng dầu tự dẫn radar bán chủ động tấn công mục tiêu.
Hệ thống S-200 của Syria.
Hệ thống phòng không tiếp theo là S-125 Pechora và Pechora 2M: Hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora được thiết kế để tấn công mọi mục tiêu đường không. Nó được đánh giá là rất hiệu quả trong chống mục tiêu tầm ngắn, bay thấp, đối phó tốt với mục tiêu có tính cơ động cao. Đạn tên lửa hệ thống S-125 có thể bắn hạ mục tiêu ở cự ly tối đa 35km, độ cao 18km.
Trong quá khứ, hệ thống S-125 đã trải qua nhiều cuộc chiến và ghi được những dấu ấn đậm nét, tiêu biểu mùa hè khốc liệt của những năm 1970 ở Ai Cập. Trong một vài trận đánh giáp mặt, các tên lửa điều khiển từ S-125 đã bắn rơi 5 máy bay Israel.
Sau đó hệ thống này phục vụ trong Quân đội Nam Tư đã bắn hạ một chiếc máy bay tàng hình F-117 Nighthawk vào ngày 27/3/1999 và một chiếc F-16 trong chiến tranh Kosovo.
Tiếp theo là hệ thống 2K12 Kub (NATO định danh là SA-6): 2K12 Kub được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ phòng không tầm trung bảo vệ mục tiêu chiến lược (thành phố, cơ sở công nghiệp – quân sự…) và nhiệm vụ phòng không lục quân (đi kèm đội hình xe tăng, xe bọc thép). Đạn tên lửa của hệ thống có thể diệt mục tiêu ở cự ly 3-24km, độ cao từ 50m tới 12km.
2K12 Kub cũng từng gây được tiếng vang lớn trong Chiến tranh Yom Kippur 1973, với tổng cộng 64 máy bay của Israel bị bắn hạ chỉ bởi 95 tên lửa 2K12 Kub, tỷ lệ tiêu diệt là 1,4 tên lửa/máy bay - một con số quá ấn tượng đối với bất kỳ hệ thống tên lửa đối không nào.
Kể từ cuộc chiến này, 2K12 Kub đã được đặt cho biệt danh là “3 ngón tay của Thần Chết” bởi sự hiệu quả mà nó đã chứng minh, với "3 ngón tay ám chỉ" 3 quả đạn tên lửa đặt trên bệ phóng.
Hệ thống Buk-M2E (NATO định danh là SA-11) do Nga phát triển cải tiến từ mẫu Buk-M2 (có nguồn gốc từ 2K12) với nhiều tính năng hiện đại, ra đời năm 2008. Nó được thiết kế để chống lại các mục tiêu đường không tầm thấp và tầm trung gồm: máy bay, trục thăng, thiết bị bay có điều khiển và tên lửa hành trình với tốc độ đến 820m/s.
Buk-M2E có khả năng ngắm bắn cùng lúc 4 mục tiêu trong khi đang theo dõi 24 mục tiêu khác. Nó sử dụng đạn tên lửa 9M317 có tầm bắn 3-50km, độ cao tối đa 25km.
Hệ thống này chỉ cần 5 phút để triển khai chiến đấu và rút khỏi trận địa sau khi phóng. Thời gian phản ứng của tổ hợp từ khi theo dõi mục tiêu tới khi phóng tên lửa là khoảng 22 giây. Lực lượng phòng không Syria đang sở hữu khoảng 48 hệ thống Buk-M2E.
Máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Israel.
Tiếp theo là hệ thống Pantsir-S1 được sử dụng cho nhiệm vụ phòng thủ đường không bảo vệ công trình nhỏ, công trình quân sự và công nghiệp điểm, bộ phận các đơn vị binh chủng hợp thành thuộc Lục quân, đồng thời tăng cường khả năng của các cụm phòng không trên giới hạn tầm thấp khỏi các cuộc tấn công đường không ồ ạt có sử dụng vũ khí chính xác cao.
Pantsir-S1 trang bị tổ hợp pháo – tên lửa cho phép tạo ra khu vực bắn phá trực triếp dày đặc với tầm bắn xa 18-20km và tầm gần nhất 200m trong giới hạn độ cao từ 5-15km. Pantsir-S1 có thể được xem là tổ hợp phòng không tầm thấp tốt nhất, hiện đại của lực lượng phòng không Syria hiện tại.
Ngoài ra, Syria còn sở hữu số lượng lớn tên lửa phòng không tầm thấp 9K33 OSA và hơn 4.000 khẩu pháo phòng không đủ kích cỡ từ 23 đến 100 mm, trong số đó có gần 300 tổ hợp pháo tự hành ZSU-23-4. Đó là chưa tính Lục quân Syria có hơn 400 khẩu đội tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Strela-2, Strela-2M (NATO định danh là SA-7) và Igla.
Đòn đánh nát vụn
Dù được đánh giá rất mạnh nhưng phòng không Syria chưa một lần thành công trong việc phát hiện và bắn hạ chiến đấu cơ Israel thực hiện đòn tập kích đường không vào nước này.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, tập kích đường không là một loại hình tác chiến rất khó đối phó, vì nó là sự chủ động tấn công của kẻ địch với kế hoạch xây dựng trước, đẩy đối thủ vào thế bị động. Hoạt động này diễn ra rất bí mật, bất ngờ với quy mô sử dụng lực lượng nhỏ, nên khó phát hiện.
Với hình thái tác chiến kiểu này thì các hệ thống phòng không dù tiên tiến như S-300, Patriot, S-400… cũng không phát huy được tác dụng, mà quan trọng là sự chuẩn bị, chiến thuật tác chiến và khai thác tối đa điểm mạnh, yếu của trang bị cả ta lẫn địch.
Bên tập kích thường sử dụng phương pháp nghi binh trên đường bay, khi đến mục tiêu thì đánh nhanh, rút nhanh nên thời gian tác chiến có khi chỉ diễn ra trong vòng một đến vài phút, nếu không có sự chuẩn bị từ trước thì đối tượng bị tập kích không thể trở tay kịp.
Và người Israel đã tỏ ra là bậc thầy trong loại hình tác chiến này khi lực lượng không quân nước này ít nhất một lần khiến trận địa phòng không tại tỉnh Latakia của Syria tan nát. Trận tập kích này được Israel thực hiện vào tối 30/10/2013.
Ngoài căn cứ phòng không Latakia, một mục tiêu khác tại thủ đô Damacus cũng bị máy bay Israel tấn công - nơi trận địa tển lửa phòng không S-125 được triển khai. Ngoài S-125, cả 2 vị trí này cũng là nơi triển khai hệ thống tên lửa phòng không khác là 9K33.
Tuy nhiên, trận địa phòng không Syria đã không kịp có bất cứ phản ứng nào cho đến khi chiến đấu cơ Israel hoàn thành nhiệm vụ của mình và rút đi một cách an toàn.
Biện pháp đối phó
Đối phó với chiến thuật chống tập kích đường không, quan điểm cho rằng phải sở hữu những hệ thống phòng không tầm cao, tầm xa hiện đại là vô cùng sai lầm, bởi trong hình thái tác chiến này, yếu tố chiến thuật đóng vai trò hàng đầu chứ không phải là các yếu tố kỹ thuật và vũ khí trang bị.
Vấn đề cần thiết nhất đối với các nước trong chống tập kích đường không là phải xác định được mục tiêu và thời điểm tập kích của đối phương, bởi vì địch cũng chỉ nhằm vào những mục tiêu thực sự cần thiết, vì tập kích trên lãnh thổ của nước khác là một hành động hết sức mạo hiểm.
Có xác định được mục tiêu không kích thì mới xác định được khoảng thời gian bị tập kích, để tiến hành các biện pháp trinh sát phát hiện và đánh trả hiệu quả. Nếu không xác định được mục tiêu thì rất khó, vì không thể lúc nào cũng tiến hành các biện pháp đề phòng địch tập kích trên toàn lãnh thổ.
Điều này cho thấy, ngay cả những chiến dịch không kích rất lớn nhưng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cũng có thể thành công. Ngược lại, vũ khí trang bị có hiện đại đến đâu cũng rất khó đáp trả các vụ tập kích đường không, nếu không có phương án đối phó trước.