Iran và câu chuyện cấm vận vũ khí

Huy Khôi |

Việc dỡ bỏ hay gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp quốc đối với Iran đang trở thành câu chuyện nóng và dẫn đến một cuộc đối đầu mới giữa Tehran và Washington. Theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an, lệnh cấm vận này theo kế hoạch sẽ kết thúc vào tháng 10-2020.

Mỹ đã đề xuất một bản dự thảo nghị quyết Liên Hợp quốc để kéo dài lệnh cấm vận và Ngoại trưởng Mike Pompeo cam kết sử dụng mọi biện pháp sẵn có để làm điều đó. Trong trường hợp thất bại, Washington đe dọa kích hoạt cơ chế được gọi là "khôi phục tức thì" để tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc đối với Iran.

Washington cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận sẽ dẫn đến cạnh tranh vũ trang và gây bất ổn ở Trung Đông. Bác bỏ cáo buộc này, Iran cho rằng theo Nghị quyết 2231, họ có quyền dỡ bỏ lệnh cấm vận và đổ lỗi cho Mỹ vì gây bất ổn trong khu vực.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh rằng "Mỹ từ lâu đã là nước đứng đầu thế giới về chi tiêu quân sự, bán vũ khí, là bên khởi xướng, kích động chiến tranh và cũng là bên trục lợi trong xung đột".

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo về "khả năng đáp trả gây điêu đứng của Iran. Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao (SNSC) của Iran, Ali Shamkhani đã cảnh báo rằng thỏa thuận hạt nhân sẽ bị chấm dứt vĩnh viễn nếu lệnh cấm vận vũ khí được gia hạn thêm.

Còn Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran, ông Mojtaba Zolnoori đã tuyên bố rằng tình huống như vậy có thể dẫn đến một loạt hậu quả, trong đó có sự sụp đổ của JCPOA, ngừng thực hiện nghị định thư bổ sung, hoặc thậm chí rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Đằng sau một lệnh cấm vận

Phản ứng gay gắt của giới chức Iran cho thấy các mục tiêu của Iran và quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí của nước này vượt ra ngoài phạm vi mua hoặc bán vũ khí đơn thuần.

Mục tiêu đầu tiên của nó là chính trị, cụ thể là nhằm ngăn chặn chiến lược "gây sức ép tối đa" của chính quyền Tổng thống Trump. Kiềm chế và gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran cũng có thể được xem là một phần chiến lược của Mỹ.

Nếu Mỹ gia hạn được lệnh cấm vận thì điều đó cũng có nghĩa là chiến lược của họ thành công. Nếu thất bại, nó thể hiện sự suy yếu của các áp lực. Nhân đó, Iran sẽ tận dụng cơ hội này để tăng cường vị thế chính trị của mình và làm suy yếu chiến lược "gây sức ép tối đa" bằng cách phủ nhận tính hợp pháp trong nỗ lực gia hạn lệnh cấm vận của Mỹ.

Mục tiêu thứ hai là về kinh tế và có liên quan đến việc phá vỡ cấu trúc của các biện pháp trừng phạt. Nếu lệnh cấm vận vũ khí không được gia hạn thì sẽ có một kẽ hở trong cấu trúc này. Do vậy, Iran sẽ bước vào một giai đoạn mới là giảm bớt những hạn chế và có thể sẽ gặt hái nhiều lợi ích từ JCPOA.

Trong trường hợp này, việc dỡ bỏ những hạn chế trong các giai đoạn tiếp theo vào năm 2023, 2025 và 2030 sẽ được thực hiện hiệu quả hơn. Mua bán vũ khí cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại ở những lĩnh vực khác.

Mục tiêu thứ ba có liên quan tới quân sự, đó là nếu lệnh cấm vận được dỡ bỏ, sẽ giúp Iran củng cố cán cân sức mạnh và khả năng răn đe bằng việc trang bị vũ khí tiên tiến và phát triển hợp tác quân sự với lân bang.

Mặc dù Tehran đã cải thiện năng lực quân sự của mình trong những năm gần đây, đặc biệt là về tên lửa và máy bay không người lái nhưng đó vẫn là một lĩnh vực rất cần phát triển tiếp. Mục tiêu thứ tư là thông qua trao đổi vũ khí để phát triển hợp tác quân sự - chính trị với các nước như Nga, Trung Quốc, cũng như các nước khác trong khu vực.

Iran, Nga và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Ấn Độ Dương và vịnh Oman vào cuối năm 2019. Hơn nữa, hợp tác quân sự Iran - Nga ở Syria và hợp tác an ninh - quân sự của Iran với Iraq, Syria và Afghanistan là những ví dụ khác về hợp tác quân sự, vốn có thể được cải thiện thông qua trao đổi vũ khí.

Iran và câu chuyện cấm vận vũ khí - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion mà Iran đang muốn sở hữu.

Mục tiêu cuối cùng là để gia tăng ảnh hưởng của Iran trong khu vực thông qua việc hỗ trợ cho các bên ủy nhiệm của nước này, dựa vào việc mua vũ khí tối tân và bán vũ khí của chính họ.

Nhìn chung, việc cải thiện các năng lực quân sự và khả năng răn đe của Iran bằng những vũ khí và các công nghệ quân sự mới sẽ có hiệu quả trong việc tăng cường vị thế khu vực của nước này, cũng như vị thế của các lực lượng ủy nhiệm và các đồng minh trong khu vực.

Tranh thủ sự ủng hộ

Đương nhiên, Iran cần sự ủng hộ của quốc tế về cả chính trị lẫn vũ trang để đạt được những mục tiêu này và ngăn chặn những nỗ lực của Mỹ trong việc gia hạn các lệnh cấm vận vũ khí.

Nga và Trung Quốc là hai cường quốc mà Iran đang trông cậy vào và sẽ không dễ dàng để Mỹ đối đầu với hai nước này cùng với Iran. Trong khi đó, vì nhiều lý do khác nhau, Nga có thể hữu ích hơn đối với Iran so với bất kỳ nước nào khác.

Về mặt chính trị, Nga và các quan chức Nga, từ Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho tới Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov và Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Ermakov, đã nhiều lần phản đổi việc Mỹ gây sức ép đối với Iran và kế hoạch gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ chống Iran.

Sự phản đối cũng xuất hiện trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 3/3/2020, nhấn mạnh rằng không có lý do nào để đưa vấn đề gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của Iran lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cả.

Mặt khác, Iran và Nga vốn có lịch sử hợp tác vũ trang - quân sự. Trước đây, Iran nhận được nhiều loại vũ khí khác nhau của Nga, như hệ thống S-300 và hai nước cũng đã hợp tác chặt chẽ trên chiến trường Syria.

Cả hai cùng có các thỏa thuận an ninh và quân sự khác nhau, trong đó có hợp tác chống khủng bố và hợp tác khu vực hay đã tổ chức các cuộc tập trận chung trên biển Caspi và vịnh Oman. Sự hợp tác này cho thấy cả 2 bên đều sẵn sàng phát triển quan hệ trong lĩnh vực này.

Hơn nữa, Iran và Nga có quan điểm chính trị nhất quán về sự ổn định và an ninh khu vực, cũng như nhu cầu củng cố cán cân sức mạnh và khả năng răn đe đối với Mỹ.

Là một lực lượng chống Mỹ trong khu vực và trên đường biên giới phía Nam của Nga, Iran nằm trong vùng lợi ích của Nga. Do đó, thông qua việc cung cấp vũ khí để đối đầu với Mỹ, việc giúp đỡ Iran thực tế chính là trợ giúp cho lợi ích của Nga.

Cuối cùng, Iran đã nhiều lần tuyên bố rằng họ quan tâm tới việc mua vũ khí của Nga, và Nga muốn tận dụng nhu cầu hiện đại hóa quân sự của Iran.

Việc bán vũ khí cho Iran sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc giữa hai bên với nhau, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho Nga. Ngoài ra, Nga - nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới - có thể tận dụng cơ hội này để cải thiện vị thế của mình trong thị trường vũ khí thế giới bằng việc lợi dụng nhu cầu mua vũ khí lớn của Iran.

Những mối quan hệ đan xen

Trung Quốc cũng là một cường quốc được nhắc đến trong câu chuyện của Iran. Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc nhiều lần hỗ trợ cho Iran trước áp lực của các biện pháp trừng phạt, nhưng đồng thời nước này thể hiện sự miễn cưỡng chấp nhận rủi ro. Chẳng hạn, Trung Quốc đã giảm trao đổi thương mại và giao dịch dầu khí với Iran sau khi bị Mỹ gây áp lực.

Không ai có thể dám chắc Bắc Kinh sẽ không thực hiện việc này, nếu như sức ép đó một lần nữa làm khó cho họ và nhất là trong lĩnh vực nhạy cảm như việc bán thiết bị quân sự. Tuy nhiên, một thị trường vũ khí và trang thiết bị quân sự lớn và tiềm năng như Iran có thể khiến cho bất cứ cường quốc nào cũng sẽ phải cân nhắc.

Iran hầu như không có hy vọng về việc các nước châu Âu sẽ tỏ ra hữu ích. Một mặt, các nước thành viên EU lo ngại về các hoạt động của Iran trong khu vực, về chương trình hạt nhân và tên lửa của Iran.

Mặt khác, Brussels dường như không hài lòng với các chính sách đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kinh nghiệm trước đó của Iran trong các cuộc đàm phán với các cường quốc châu Âu để cứu vãn JCPOA, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, và cơ chế hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) cho thấy rằng cuối cùng các nước châu Âu sẽ đứng về phía Mỹ.

Iran và câu chuyện cấm vận vũ khí - Ảnh 3.

Xe tăng T-90 của Nga.

Điều duy nhất có thể đưa châu Âu xích lại gần hơn với Iran là nỗi lo sợ về khả năng chấm dứt JCPOA, nhưng dường như ngay cả vấn đề quan trọng này cũng sẽ không làm thay đổi thái độ của châu Âu.

Do đó, Tehran đã có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi của ông Shamkhani về việc liệu châu Âu có nên "bảo vệ phẩm giá và ủng hộ chủ nghĩa đa phương hay chấp nhận sự sỉ nhục và giúp đỡ chủ nghĩa đơn phương?".

Tehran muốn có những gì?

Một khi lệnh cấm vận bị dỡ bỏ, thì tuy Nga là lựa chọn hàng đầu, song Iran chắc chắn sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu trang bị vũ khí của mình từ nhiều nguồn khác nhau, như Trung Quốc chẳng hạn, để tránh trở nên phụ thuộc quá mức vào Nga. Nhu cầu chủ yếu của Iran là tăng cường không quân, hệ thống phòng không, phòng thủ biển, hệ thống radar và tác chiến điện tử.

Các báo cáo chưa được xác thực cho thấy Iran đang tìm cách mua máy bay chiến đấu Sukhoi các mẫu 35, 30SM và 27SM-3; máy bay chiến đấu MiG, các hệ thống phòng không như S-400, Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion và xe tăng T-90 từ Nga.

Thông tin cho hay Iran cũng đã có các cuộc trao đổi với Trung Quốc về việc mua máy bay chiến đấu J-10C, hệ thống tên lửa phòng không FD-2000, hệ thống LY-80 và hệ thống phòng không tự động của nước này.

Cái khó của Iran đó là Nga và Trung Quốc cũng như một số "bạn hàng" sắp tới của họ đều biết rằng Mỹ rất nhạy cảm với vấn đề này, và ngay cả khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, thì Mỹ cũng sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương.

Chẳng có quốc gia nào trong hiện tại muốn hy sinh quan hệ với Mỹ vì một nước khác cả. Không loại trừ điều các quốc gia này có thể làm, đó là ký các thỏa thuận vũ khí với Iran nhưng trì hoãn việc giao hàng.

Về phần mình, như các chuyên gia nhận định, Iran cũng sẽ đặc biệt thận trọng trong việc mua vũ khí, trong trường hợp lệnh cấm vận được dỡ bỏ. Iran theo đuổi việc dỡ bỏ lệnh cấm vận như là một bước ngoặt trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt và phủ nhận tính hợp pháp trong chính sách của Mỹ.

Lý do nằm ở chỗ Iran cam kết với cộng đồng quốc tế rằng mục tiêu của nước này chỉ liên quan đến việc củng cố cán cân sức mạnh và khả năng răn đe, và rằng quan điểm của Mỹ về nỗi sợ Iran là dối trá! Đồng thời họ cũng nhận thức được rằng một thái độ cực đoan có thể đẩy cộng đồng quốc tế vào thế đối nghịch.

Và trên thực tế, mặc dù bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, Iran được cho là vẫn cải thiện được năng lực quân sự về tên lửa, máy bay không người lái và chiến tranh điện tử.

Nó được minh chứng qua cuộc tấn công của Iran vào căn cứ Ain al-Assad, vụ bắn rơi máy bay không người lái của Mỹ, hoạt động tham dự quân sự ở Syria và đặc biệt là vụ bắn tên lửa trực tiếp từ dưới lòng đất trong cuộc tập trận cách đây mấy ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại