Cơ quan thông tấn Iran Tasnim ngày 2/10 dẫn tuyên bố của Tư lệnh Không quân Iran, tướng Farzad Ismaili cho biết, hệ thống tên lửa phòng không Bavar-373 do nước này sản xuất và vừa được giới thiệu cách đây 2 tháng có tính năng vượt trội tên lửa S-300 của Nga.
Tháng 2 năm 2010, quân đội Iran tuyên bố bắt đầu phát triển hệ thống tên lửa phòng không riêng của mình, được cho là có thể so sánh với S-300. Từ đó đến năm 2015, đã xuất hiện nhiều hình ảnh về hệ thống được cho là Bavar-373, với ống phóng tròn kiểu S-300.
Tuy nhiên, đến khi hệ thống Bavar-373 đã được giới chức quân sự Iran chính thức công bố hồi tháng 8 vừa qua thì cấu hình phóng của nó đã khác hẳn, với các ống phóng vuông kiểu như hệ thống SAMP/T ASTER-30 của châu Âu do MBDA và Thales sản xuất.
Trong buổi lễ có sự hiện diện của Tổng thống Hassan Rouhani, giới chức lãnh đạo quốc phòng Iran đã trưng bày đầy đủ bệ phóng và hệ thống radar của Bavar-373, với tính năng đặc biệt là có khả năng phóng thẳng đứng và có thể được cải tạo để sử dụng trên tàu chiến.
Vị tướng Iran tuyên bố, tuy phạm vi tối đa của các tên lửa phòng không thế hệ mới nhất được sử dụng trên S-300 của Nga đã lên tới 300 km, nhưng phạm vi tấn công của tên lửa Bavar-373 còn vượt quá S-300 khoảng 1,5 lần.
Tuy ông Farzad Ismaili không công bố thêm những thông tin chi tiết về tên lửa mới nhưng chỉ với tiết lộ trên thì có thể thấy rằng, phạm vi tấn công của Bavar-373 đã lên tới 450km, vượt quá tầm phóng của S-400 Nga là 400km.
Hệ thống phòng không Bavar-373 của Iran và S-300 Nga
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự nhận định rằng, cũng giống như những lần biểu dương vũ khí, trang bị khác, đây chẳng qua là chiêu đánh bóng tên tuổi của Iran, chứ nước này khó có thể chế tạo được một loại tên lửa sánh ngang S-300 chứ đừng nói là vượt trội.
Thứ nhất: Có sự lầm lẫn về tầm phóng
Rất có thể vị Tư lệnh không quân Iran đã có nhầm lẫn về tính năng của S-300. Hiện các phiên bản tối tân nhất của các hệ thống này chưa được trang bị tên lửa nào có tầm phóng lên tới 300km.
Đầu tháng này, Nhà sản xuất các hệ thống phòng không nổi tiếng của Nga là Almaz-Antey tuyên bố, tổ hợp tên lửa phòng không S-300V4 của họ sẽ được trang bị tên lửa 9M82MD, tăng tầm bắn lên tới 400km. Tuy nhiên, tên lửa này hiện vẫn đang trong quá trình phát triển và thử nghiệm.
Cấu hình hệ thống S-300 PMU2 mà Nga bán cho Iran chỉ có phạm vi tấn công xa nhất là 195km. Phiên bản được cho là có tầm tấn công xa nhất dòng S-300 là S-300MV Antey 2500 cũng chỉ có phạm vi phóng 250km.
Ngay cả tên lửa phòng không có phạm vi bảo vệ xa nhất hiện nay của Nga là 40N6 được phát triển cho S-400 có tầm phóng 400km cũng vừa mới phát triển thành công.
Do đó, việc Iran tự lực chế tạo được tên lửa có tầm phóng tới 450km là điều thật khó tin. Nếu Bavar-373 có tầm phóng vượt 1,5 lần S-300PMU2 (đạt 300km) cũng là điều khó có thể tưởng tượng được chứ đứng nói là gấp 1,5 lần Antey 2500 (đạt 375km).
Sau khi nhận được S-300, lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran nói rằng, Hoa Kỳ đã cố gắng ngăn chặn Tehran nhận S-300, bởi hệ thống này sẽ giúp không phận Iran thành một trong những nơi an toàn nhất trong khu vực, các cơ sở hạt nhân nước này sẽ luôn luôn được bảo vệ tuyệt đối.
Theo truyền thông Iran, ngay sau khi nhận được các tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến của Nga, quân đội nước này đã điều động các hệ thống S-300 đến bảo vệ cơ sở hạt nhân và các công trình đầu não của đất nước và của quân đội.
Chỉ huy trưởng lực lượng phòng không Iran là ông Farzad Esmaeili công bố trên truyền hình nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vào ngày 28 tháng 8 rằng, hệ thống tên lửa phòng không S-300 Nga vừa cung cấp cho Iran đã được triển khai gần cơ sở hạt nhân Fordo.
Ngoại hình và thiết kế ống phóng Bavar-373 khả giống với SAMP/T ASTER-30 của châu Âu
Điều này cho thấy vai trò quan trọng và tính năng ưu việt của S-300. Nếu Bavar-373 có tầm phóng xa hơn gấp bội và công nghệ tiên tiến hơn, nhiệm vụ này sẽ phải do hệ thống phòng không quốc nội Iran đảm nhận chứ không phải là S-300.
Thứ 2: Hệ thống Iran chưa được kiểm chứng thực tế
Điều quan trọng là trong những năm qua, khối công nghiệp quốc phòng Iran đã làm hết sức mình để tự đáp ứng tất cả các nhu cầu quân sự của đất nước và đã có những thành tựu vượt bậc, nên rất có thể họ đã chế tạo được những loại tên lửa phòng không có tính năng tương đương S-300.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển ổn định, để đáp ứng tối đa yêu cầu bảo vệ đất nước trong chiến tranh hiện đại, ngành công nghiệp quốc phòng Iran cần đến các công nghệ tiên tiến hơn của nước ngoài, chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi tầm phóng xa hay gần.
Do nước này mới phát triển thành công Bavar-373 nên về công nghệ chưa thành thục, do đó, nước này vẫn cần những hệ thống phòng không đã sẵn sàng để sử dụng trong các đơn vị quân đội, đồng thời đã trải qua thực tiễn sử dụng lâu dài. Do đó, Iran vẫn phải mua S-300 của Nga.
Với những lí do trên đây, các chuyên gia cho rằng, việc Iran tuyên bố Bavar-373 có tính năng vượt trội S-300 Nga là sự thổi phồng quá đáng, nhằm mục đích đề cao thực lực ngành công nghiệp quốc phòng Iran và răn đe những cái đầu nói nhăm nhe không kích các cơ sở hạt nhân của nước này.