Hai lực lượng giáo phái Hồi giáo Shia và Sunni hiện tham chiến trực tiếp và gián tiếp trong cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Yemen, cả hai đều hướng tới kết quả cuối cùng là gây ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực ở Trung Đông.
Đầu tiên là Cộng hòa Hồi giáo Iran, đại diện cho giáo phái Shia. Iran ngoài việc viện trợ các vũ khí tiên tiến nhất còn ngầm đưa các cố vấn quân sự thuộc Vệ binh Cộng hòa Iran (IRGC), Lực lượng Hezbollah Lebanon đến hỗ trợ các chiến binh của phong trào nổi dậy đồng minh giáo phái Shia, lực lượng Houthi.
Đối thủ của Iran, Ả rập Saudi đang trực tiếp lãnh đạo liên minh của các nước theo giáo phái Sunni can thiệp vào Yemen. Họ đang đối đầu trực tiếp với các chiến binh nghèo khổ Houthi nơi cực nam của bán đảo Ả Rập.
Cuộc can thiệp tại Yemen được coi là một phần của cuộc tranh đấu (mở đầu từ cuộc nội chiến ở Syria) giành quyền lực tối thượng đang từng bước leo thang giữa hai quốc gia đại diện hai giáo phái Hồi giáo trong khu vực.
Iran từng bước công khai hóa việc hỗ trợ lực lượng Houthi tại Yemen.
Theo nguồn tin giấu danh tính trong lực lượng Houthi, Iran trong những tháng gần đây ngày càng thể hiện vai trò lớn hơn trong cuộc xung đột đã kéo dài hai năm bằng cách đẩy mạnh nguồn cung cấp vũ khí và hỗ trợ phi quân sự khác.
Điều này hiển nhiên tương tự như chiến lược mà Iran đã sử dụng tại Syria bằng việc đưa các chiến binh Shia từ khắp thế giới tới hỗ trợ cho lực lượng trung thành với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Một chiến binh người Yemen trên bờ biển cực nam của bán đảo Ả rập.
Một quan chức cấp cao Iran không ngần ngại chia sẻ với truyền thông về việc Thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds của IRGC, đã gặp các quan chức cấp cao của IRGC tại Tehran vào tháng trước để tìm cách "trao sức mạnh" cho lực lượng Houthi:
"Tại cuộc họp này, chúng tôi (Iran) đã đồng ý tăng số lượng và chất lượng viện trợ, thông qua huấn luyện quân sự, vũ khí hiện đại hơn và hỗ trợ tài chính trực tiếp.
Yemen là nơi mà cuộc chiến ủy nhiệm thực sự đang diễn ra và chiến thắng trong trận chiến ở Yemen sẽ giúp xác định lại cán cân quyền lực ở Trung Đông".
Iran từ trước tới nay vẫn bác bỏ các cáo buộc từ Ả rập Saudi rằng họ đang hỗ trợ tài chính và quân sự cho lực lượng Houthi trong cuộc chiến tranh Yemen và không ngừng đổ lỗi cho Riyadh về việc biến cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn.
Nhưng các hành động của Iran tại Yemen dường như phản ánh sự ảnh hưởng ngày càng tăng của phe cứng rắn trong chính quyền Tehran, những người muốn dùng một chiến thắng quân sự để ngăn chặn chính sách thắt chặt bao vây Iran, điều đã được cảnh báo từ lâu qua các phát ngôn củaTổng thống Mỹ Donald Trump.
Chuẩn Tướng Ahmed Asseri, phát ngôn viên của liên minh tại Yemen, trả lời phỏng vấn của Reuters:
"Chúng tôi không thiếu thông tin hay bằng chứng rằng Iran, bằng nhiều cách khác nhau, đang chuyển lậu vũ khí vào khu vực Houthi kiểm soát.
Chúng ta đã thấy các tên lửa chống tăng Kornet được lực lượng Houthi khai hỏa, loại vũ khí hoàn toàn không nằm trong kho vũ khí của quân đội Yemen hay của Houthi trước đây".
Một lãnh đạo Houthi giấu tên phản hồi với Reuters cho rằng việc liên minh cố gắng buộc tội Iran đưa lậu vũ khí là một nỗ lực nhằm che đậy thất bại của Ả rập Saudi trong cuộc chiến tranh ác liệt đã gây ra cái chết cho ít nhất 10.000 người và đẩy đất nước Hồi giáo này tới bờ vực của thảm họa nhân đạo:
"Saudi không muốn thừa nhận thất bại của họ tại Yemen, vì vậy họ đang tìm kiếm mọi cách để biện minh sau hai năm xâm lược với sự hỗ trợ trực tiếp của Hoa Kỳ và phương Tây".
Các hành động của Iran đã khiến các nước Hồi giáo Sunni ở Trung Đông đưa ra cảnh báo, theo lời một quan chức cấp cao một nước quốc gia láng giềng:
"Chúng tôi muốn Iran ngừng xuất khẩu Cách mạng Hồi giáo, cho dù đó là Yemen hay bất cứ nơi nào khác".
Liên minh do Ả rập Saudi dẫn đầu can thiệp vào cuộc nội chiến của Yemen năm 2015 để đưa Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi (Người đã phải chạy trốn khỏi thủ đô Sanaa do áp lực quân sự của Houthi) trở lại quyền lực.
Phương tiện chiến đấu bọc thép của Liên quân bị Lực lượng Houthi bắn cháy.
Lực lượng trung thành với Liên minh đang kiểm soát phía nam và phía đông Yemen, nắm giữ hầu hết lãnh thổ có giá trị kinh tế của Yemen, trong khi đó Houthi kiểm soát hầu hết các trung tâm dân số ở phía tây bắc, bao gồm cả thủ đô Sanaa.
Một cựu quan chức an ninh cấp cao Iran cho biết những lãnh đạo cứng rắn của Iran đang lên kế hoạch viện trợ ồ ạt cho dân quân Houthi ở Yemen để "tăng cường sức mạnh của Iran trong khu vực":
"Chúng tôi đang lên kế hoạch để tạo ra một lực lượng dân quân tương tự như Hezbollah ở Yemen. Để đối đầu với chính sách thù địch của Riyadh, Iran cần phải sử dụng tất cả các quân bài mà chúng tôi có".
Một nhà ngoại giao phương Tây ở Trung Đông đã chia sẻ sự đồng thuận với bình luận trên:
"Iran từ lâu đã cố gắng biến dân quân Houthi trở thành một lực lượng gây rối ở Yemen.
Đây không phải chỉ đơn giản là biến Houthi trở thành một Hezbollah mới, Houthi chỉ cần đạt được mục tiêu của Iran đó là bao vây Saudi, mở rộng tầm ảnh hưởng và sức mạnh của người Shia trong khu vực và phát triển một cách thức gây áp lực hoàn toàn mới cho các nước phương Tây".
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh quốc cho biết họ: "Đặc biệt quan tâm đến sự hỗ trợ của Iran đối với Houthi, bao gồm các báo cáo rằng Iran đã chuyển lậu vũ khí tới Yemen, điều này trái ngược với Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí đối với Iran".
Ngăn chặn Iran viện trợ cho Houthi, trò ‘’bắt cóc bỏ đĩa"
Một quan chức quân sự Hoa Kỳ cho biết lượng vũ khí Iran chuyển tới cho Houthi đã liên tục tăng kể từ tháng 3 năm ngoái, khi giao tranh tạm ngưng. Các loại vũ khí bao gồm nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Ả rập Saudi:
"Không có lời giải thích hợp lý nào đối với tính năng của những tên lửa này ngoài việc chúng được sản xuất với sự hỗ trợ từ các nước bên ngoài Yemen. Chúng tôi có kết luận rằng sự hỗ trợ có thể đến từ Iran".
Nic Jenzen-Jones một chuyên gia vũ khí của Hoa Kỳ theo dõi về vấn đề vũ khí Iran tại Yemen, cũng cho biết số lượng đã tăng vọt:
"Chúng tôi đã thấy một số thành công của việc vận chuyển lậu vũ khí trên biển trong vài tháng qua và một phần kết quả của nó là sự gia tăng tần suất các tên lửa do Iran hỗ trợ Houthi khai hỏa vào Ả rập Saudi".
Trong một báo cáo nghiên cứu về chuyển giao công nghệ của Iran cho Houthi, Viện nghiên cứu vũ khí và xung đột (CAR) cho biết họ có bằng chứng cho thấy UAV Qasef-1 được chế tạo ở Iran và hoàn toàn không phải là thiết kế và sản xuất tại Yemen theo tuyên bố của Houthi.
Các máy bay không người lái đã được sử dụng bởi Houthi và lực lượng đồng minh của cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh để thực hiện các cuộc tấn công tự sát vào các hệ thống phòng không của liên minh.
Điều này cho thấy khả năng của Houthi trong việc sử dụng công nghệ giá rẻ để chống lại các phương tiện quân sự đắt tiền và hiện đại của Liên minh.
Vào ngày 30/1, một tàu khu trục của Ả rập Saudi bị tấn công gần cảng Hodeidah do Houthi kiểm soát trong một chiến dịch mà truyền thông của Saudi quy trách nhiệm cho Houthi. Hải quân Hoa Kỳ cho biết vũ khí trong vụ tấn công là một ca nô điều khiển từ xa chở đầy chất nổ có thể đã sử dụng công nghệ do Iran cung cấp.
Vụ việc đã khiến cho kế hoạch tấn công Hodeidah bằng hai gọng kìm đổ bộ từ biển và men theo bờ biển phá sản, dẫn tới tình trạng hiện tại các đơn vị dân quân Yemen trung thành với Liên minh phải vất vả tiến quân dưới các cuộc đột kích kiểu du kích liên tục của Houthi và có rất ít tiến bộ cho tới những tháng cuối năm 2018 này.
Hôm 10/11, Lực lượng Houthi đã cắt đứt tuyến tiếp vận cho cụm quân Yemen trung thành với Liên minh đang tấn công Hodeidah ở nhiều điểm.
Các nguồn tin tình báo của phương Tây cho biết Iran sử dụng tàu vận tải ngụy trang hàng hóa xuất khẩu để đưa lậu hàng viện trợ đến Yemen thông qua lãnh hải của Somalia.
Một khi tới khu vực này, hàng hóa được chuyển sang các tàu đánh cá nhỏ, rất khó phát hiện vì chúng rất phổ biến ở các vùng biển này để hàng hóa đến tay Houthi.
Các vùng biển thuận lợi cho vận chuyển lậu được cho là các vùng đánh cá quanh cảng Mukalla, mặc dù điều đó đòi hỏi phải thực hiện một hành trình mạo hiểm dưới hỏa lực của Liên minh để đến các khu vực do Houthi kiểm soát.
Liên minh gần như đã tiêu diệt hoàn toàn nhóm khủng bố al-Qaeda tại Yemen năm ngoái, nhưng vẫn không thể ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí và nhân lực từ Iran. Tướng Asseri của Liên minh cũng đã phải thừa nhận những khó khăn trong việc kiểm soát 2.700 km bờ biển Yemen.
"Bạn không thể giám sát đường bờ biển này ngay cả khi bạn sở hữu tất cả các lực lượng hải quân trên thế giới. Nếu chúng tôi bắt những chiếc thuyền nhỏ này ngưng hoạt động, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đánh bắt cá của dân thường".
Lực lượng Houthi đốt cháy 2 xe thiết giáp thu được của Saudi Arabia.