Theo tạp chí The Diplomat, vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm lớp Ghadir của Iran ở eo biển Hormuz hồi đầu tháng này dù diễn ra thất bại, song những điểm tương đồng giữa tàu ngầm của Iran với tàu ngầm lớp Yono của Triều Tiên khiến nhiều quan chức phương Tây không khỏi e ngại.
Nhiều chuyên gia quốc phòng Mỹ cho rằng, vụ phóng thử tên lửa của Iran là bằng chứng rõ nhất cho mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Tehran và Bình Nhưỡng bất chấp việc Washington tăng cường gây sức ép và trừng phạt Triều Tiên.
Iran và Triều Tiên có mối quan hệ hợp tác quân sự lâu đời trong đó có chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, khiến Mỹ vô cùng e ngại
Trước đây, nhiều người từng cho rằng thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc hạt nhân năm 2015 sẽ khiến Tehran chấm dứt mối quan hệ hợp tác quân sự lâu đời với Triều Tiên.
Song trên thực tế, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran vẫn tiếp tục phụ thuộc lớn vào công nghệ quân sự của Triều Tiên. Mối quan hệ gắn bó giữa hai quốc gia này được thể hiện rõ nét nhất về sự tương đồng tầm bắn giữa tên lửa đạn đạo EMAD của Iran với Rodong của Triều Tiên.
Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, ông John Bolton từng nhận định rằng mối quan hệ hợp tác giữa Iran và Triều Tiên là theo kiểu giao dịch.
Nói cách khác, nếu Triều Tiên có tên lửa hạt nhân thì "Iran có thể sở hữu năng lực này ngay ngày hôm sau" bởi Tehran đã ký kết những hợp đồng quốc phòng lâu dài với Triều Tiên và Bình Nhưỡng thì rất "khát" ngoại tệ mạnh.
Điều đó đồng nghĩa với việc khác với những đánh giá trước đây của giới chức Mỹ, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Iran đã tiến tới mức đôi bên cùng có lợi và điều này được thể hiện qua chương trình hợp tác công nghệ tên lửa đạn đạo.
Gần đây, nhà phân tích quốc phòng người Israel, ông Tal Inbar cho biết Iran đã mua công nghệ của Triều Tiên để sản xuất tên lửa đạn đạo đồng thời tiến hành cải tiến công nghệ sau đó trao đổi lại với Triều Tiên.
Và sự tương đồng giữa các tên lửa mà Triều Tiên cho phóng thử nghiệm thời gian gần đây với công nghệ tên lửa của Iran cho thấy Tehran có thể là quốc gia đóng góp cho năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng chứ không chỉ dừng ở đối tác giao dịch.
Một khả năng đặt ra là nếu Iran thử phóng tên lửa thành công từ tàu ngầm mang phong cách Triều Tiên như Yono, chắc chắn mức độ nguy hiểm mà các tàu chiến Mỹ phải đối mặt ở eo biển Hormuz sẽ tăng lên đáng kể.
Bởi hồi năm 2010, Yono chính là chiếc tàu ngầm phóng ngư lôi và gây ra thảm họa đắm tàu ROKS Cheonan của Hàn Quốc, cướp đi sinh mạng của 44 thủy thủ. Do đó, một khi năng lực hải quân của Iran lớn mạnh nhờ việc sở hữu hàng loạt tên lửa đạn đạo tối tân, cái giá mà quân đội Mỹ phải trả nếu không may xung đột với Iran sẽ rất lớn.
Ngoài ra, nếu Iran sử dụng thành công các hệ thống tên lửa BM-25 Musudan của Triều Tiên, nó sẽ còn gây ra những tác động lớn cho an ninh khu vực. Đây chính là mối lo ngại được Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nhắc tới trong tuyên bố gần đây.
Theo ông Harris, Washington còn vận dụng Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) để ngăn chặn Iran mở rộng phát triển các thế hệ tên lửa tầm ngắn tới trung.
Theo nhà nghiên cứu Samuel Ramani tại Đại học Oxford, có thể nói, hiện tại, Iran đang coi Triều Tiên là một đối tác quan trọng trong chiến lược mở rộng khả năng tái cân bằng sức mạnh ở Trung Đông.
Bên cạnh những lợi ích chiến lược thu được từ việc sát cánh bên Bình Nhưỡng, mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Iran và Triều Tiên còn được xây dựng trên nền tảng đoàn kết.
Hai nước tin rằng mình có quyền quyết định phát triển năng lực phòng thủ phù hợp với tình hình quốc gia và không chịu tác động cũng như đe dọa từ bên ngoài. Nói cách khác, quan hệ hợp tác giữa Iran và Triều Tiên xuất phát từ chung quan điểm Mỹ là mối đe dọa an ninh lớn nhất.
Hồi tháng Hai, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đã lên tiếng bảo vệ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo khi khẳng định loại vũ khí này là phương pháp phòng thủ hữu hiệu trước các mối đe dọa từ Mỹ.
Về phần mình, Triều Tiên cũng khẳng định chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân chỉ nhằm phòng vệ.
Hồi tháng Hai, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA nhấn mạnh, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục cho phát triển vũ khí hạt nhân bởi đây là biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn Mỹ tái diễn kịch bản lật đổ chính quyền như đã làm với nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein và cựu Tổng thống Libya Muammar al-Gaddafi.
Cũng theo KCNA, việc Triều Tiên phát triển vũ khí không nằm ngoài mục đích ngăn chặn sự xâm lược từ quân đội Mỹ đóng quân ở Hàn Quốc cũng như mối đe dọa tấn công từ các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.
Trong khi phản đối mạnh mẽ Iran và Triều Tiên phát triển năng lực hạt nhân thì Mỹ lại sẵn sàng chấp nhận việc Israel sở hữu vũ khí hạt nhân. Động thái của Mỹ bất chấp thực tế, nhiều nhà lãnh đạo thế giới cho rằng nếu Israel nắm trong tay kho hạt nhân sẽ tạo ra những mối nguy hiểm tới sự ổn định của cả khu vực và thế giới.
Sau khi Iran ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015, không ít giới chức Mỹ tin rằng Washington có thể mặc cả để Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực phát triển tên lửa đạn đạo hiện nay giữa Iran và Triều Tiên đã hoàn toàn xóa bỏ hy vọng của Mỹ.
Theo ông Ramani, nếu quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục rơi vào vòng xoáy khủng hoảng dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump và Tehran vẫn quyết tâm nâng cao năng lực tên lửa đạn đạo với sự giúp sức từ Triều Tiên, chắc chắn mối quan hệ hợp tác giữa Tehran và Bình Nhưỡng sẽ là thách thức an ninh lớn đối với giới cầm quyền Mỹ trong những năm tới.