Tên lửa Triều Tiên vừa phóng khủng khiếp đến đâu?

Minh Thu |

Tên lửa Triều Tiên phóng thử hôm 14/5 được xác định là Hwasong-12. Bình Nhưỡng coi tên lửa này là "hệ thống vũ khí hoàn hảo", có tầm bắn vươn tới đảo Guam của Mỹ.

Hôm 15/5, Triều Tiên đã cho công bố hình ảnh về loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới mà quốc gia này cho phóng thử nghiệm vào ngày 14/5 gần thị trấn Kusong thuộc tỉnh Bắc Pyongan.

Tên lửa Triều Tiên mới phóng được xác định là Hwasong-12. Thậm chí, Bình Nhưỡng còn nhấn mạnh, Hwasong-12 là một "hệ thống vũ khí hoàn hảo", có tầm bắn vươn tới đảo Guam của Mỹ.

Theo Diplomat, dựa theo những thông được chính quyền Hàn Quốc và Nhật Bản công bố, Hwasong-12 có thể là loại tên lửa đạn đạo tầm xa nhất mà Triều Tiên cho phóng thử từ trước tới nay.

Tên lửa Triều Tiên vừa phóng khủng khiếp đến đâu? - Ảnh 1.

Hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tên lửa Hwasong-12 trước khi cho phóng thử hôm 14/5

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA còn ca ngợi vụ phóng thử "tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung tới xa đất đối đất Hwasong-12 mới" đã diễn ra thành công.

Cũng theo KCNA, vụ phóng đã thử nghiệm chuỗi hoạt động của hệ thống bao gồm "hệ thống dẫn đường, độ ổn định, cấu trúc và áp suất hệ thống, hệ thống giám sát và phóng tên lửa cũng như độ tin cậy hoạt động của động cơ tên lửa mới nhằm đánh giá khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân".

Còn theo giới chuyên gia, thông qua những hình ảnh được tờ Rodong Sinmun đăng tải, vụ phóng hôm 14/5 không phải là lần đầu tiên Hwasong-12 xuất hiện bởi trong lễ diễu binh ngày 15/4, Triều Tiên cũng đã đưa tên lửa này tham gia. Ngoài ra, Hwasong-12 có hình dáng giống như "một phiên bản của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) KN-08 hoặc KN-14".

Đặc biệt, những bức ảnh được truyền thông Triều Tiên công bố hôm 15/5 cho thấy Hwasong-12 còn là loại tên lửa thế hệ mới dùng nhiên liệu lỏng.

Trước đó, hồi tháng Giêng, hãng tin Yonhap dẫn tin từ giới chức quân sự Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đang phát triển và đặt "hai quả tên lửa mà khả năng là ICBM" lên trên các bệ phóng di động thẳng đứng.

Theo nguồn tin trên, loại tên lửa mà Triều Tiên phát triển có chiều dài khoảng 15 m. Điều này có nghĩa tên lửa mới có chiều dài ngắn hơn tên lửa KN-08 (dài 19 - 20 m) và tên lửa KN-14 (dài 17 - 18 m). Vào thời điểm đó, giới chức quân sự Hàn Quốc không thể xác định tên của loại tên lửa mà Triều Tiên đang sản xuất.

Theo Diplomat, nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên coi tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 là một bước tiến quan trọng đạt tới mục tiêu phát triển các ICBM sử dụng nhiêu liệu lỏng đồng thời sản xuất nhiều thế hệ tên lửa mới ngoài KN-08 và KN-14.

Tuy nhiên, trong giai đoạn trước mắt, Hwasong-12 được xem là loại tên lửa đạn đạo tầm trung giữ vai trò quan trọng trong kho hạt nhân chiến lược của Triều Tiên.

Lâu nay, Triều Tiên được cho có ý định phát triển các loại vũ khí nhằm ngăn chặn Mỹ tấn công phủ đầu. Về phần mình, Bình Nhưỡng nhiều lần khẳng định sở hữu loại vũ khí có thể tấn công đảo Guam của Mỹ. Bởi đây là nơi đóng quân của Không quân Mỹ với hàng loạt máy bay ném bom chiến lược như B-1B và B-2.

Trước đó, Triều Tiên cũng khẳng định tên lửa Musudan (Hwasong-10) được xem là "sát thủ đảo Guam". Tuy nhiên, loại tên lửa này lại không phù hợp để tích hợp đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, tên lửa Hwasong-12 được đánh giá có tầm bắn vươn tới đảo Guam và đủ khả năng tích hợp đầu đạn hạt nhân hạng nặng.

Do đó, dù năng lực tấn công của thể không bằng tên lửa Musudan (Hwasong-10), nhưng Hwasong-12 vẫn là loại vũ khí quan trọng đối với năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

Dù mức độ tin cậy trong các tuyên bố của Triều Tiên vẫn cần kiểm chứng nhưng với tuyên bố Hwasong-12 có khả năng "trang bị đầu đạn hạt nhân cỡ lớn" cho thấy, quốc gia này có khả năng sở hữu công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và tích hợp trên tên lửa trong vài năm tới.

Điều đáng nói là ngay sau vụ phóng thử tên lửa hôm 14/5 của Triều Tiên, Nhà Trắng ra tuyên bố nhấn mạnh Hwasong-12 rơi xuống khu vực "gần lãnh thổ Nga hơn là Nhật Bản". Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định "không thể tưởng tượng được việc Nga sẽ tha thứ cho hành động của Triều Tiên".

Khi chia sẻ với CNN, giới chức Mỹ cho biết tên lửa Triều Tiên phóng thử đã rơi xuống khu vực chỉ cách bờ biển nước Nga 60 km. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận thông tin này và khẳng định tên lửa Triều Tiên "không gây nguy hiểm" và rơi cách bờ biển Nga 500 km.

Nhưng khi đối chứng với bản đồ đường bay của tên lửa Hwasong-12 được tờ Rodong Sinmun công bố, dường như vị trí rơi của tên lửa này không trùng với những tuyên bố được Nga và Mỹ nhắc tới. Nhiều khả năng, tên lửa Hwasong-12 đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga.

Về phần mình, KCNA nhấn mạnh: "Triều Tiên đã cân nhắc kỹ lưỡng đường bay xa nhất của tên lửa để không làm ảnh hưởng tới an ninh của các quốc gia láng giềng".

Không rõ, vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên có bị xem là hành động khiêu khích Nga hay không khi mà trong những năm gần đây, quan hệ hai nước được đánh giá là ấm dần lên.

Và ngay cả khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên không ảnh hưởng tới an ninh nước này, nhưng nếu Hwasong-12 rơi xuống EEZ của Nga và gần với trụ sở Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga ở Vladivostok, quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng sẽ khó tránh khỏi sóng gió.

Đặc biệt, vụ phóng này diễn ra chỉ cách vài giờ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cho khai mạc cuộc họp mang tính ngoại giao được xem là "bộ mặt" của Trung Quốc trong năm nay mang tên "Một vành đai, một con đường".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại