Iran tính điều tăng chiến đấu chủ lực Karrar đến Syria thử lửa: Dám "vuốt râu hùm" Israel?

DK |

Dựa vào diễn biến trên các chiến trường hiện tại, tăng Karrar do Iran chế tạo khó có thể tham chiến ở các địa bàn mà tăng T-90A đã "thử lửa" như Aleppo và Idlib.

Trong thời gian gần đây, với việc các xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Karrar của Iran đã được chính thức sản xuất hàng loạt, rộ lên tin đồn từ trong nội bộ Quân đội Syria rằng phía Iran sẽ viện trợ một số lượng đáng kể xe tăng này cho họ.

Điều này nhằm mục đích tăng cường khả năng tấn công chống đối lập của đồng minh Syria và thử nghiệm trên thực tế chiến trường loại xe tăng mới mà người Iran tự tin không cần nhập khẩu xe tăng của Nga hay Trung Quốc.

MBT Karrar (Striker) là xe tăng được ngành công nghiệp quốc phòng Iran tự thiết kế và sản xuất. Theo các chuyên gia quân sự, Karrar sử dụng thân xe tương đồng với loại xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất nhưng được trang bị một tháp pháo mới. Thiết kế của xe tăng có vẻ rất giống với xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS do Nga chế tạo.

Theo Tướng Nga Vladimir Bogatyrev, Karrar là một bản copy của T-90MS, phiên bản cải tiến mới nhất của T-90 (xe tăng T-90 được quân đội Syria sử dụng trong cuộc nội chiến do Nga viện trợ là loại T-90A).

Chuyên gia quân sự Nga nói trên cũng bình luận rằng về một số tính năng quân sự, Karrar vẫn còn thua kém T-90, phiên bản hiện đại hóa sâu của dòng xe tăng T-72. Để khắc phục một số điểm yếu kể trên so với T-90, Karrar cũng áp dụng một số chi tiết kỹ thuật tương tự như các loại xe tăng phương Tây như Abrams M1 và Challenger 2.

Vũ khí trang bị trên xe tăng Karrar

Xe tăng chiến đấu chủ lực Karrar được trang bị một tháp pháo mới với pháo nòng trơn 125 mm có một bộ hút khói và một ốp giảm áp lực gia nhiệt quanh nòng súng. Pháo chính của Karrar có thể bắn tất cả các loại đạn như đạn xuyên giáp (APFSDS), đạn nổ liều cao (HEAT), đạn nổ phân mảnh (HEF) và tên lửa chống tăng có dẫn đường.

Tại đáy tháp pháo được tích hợp một giá đỡ có nhiều lỗ thông khí nhỏ hình đa giác nhằm mục đích tăng cường sự ổn định của pháo chính trong khi vừa bắn vừa di chuyển và đối lưu không khí trong và ngoài thân xe.

Tháp pháo được trang bị hệ thống nạp đạn tự động băng chuyền gắn trên sàn tháp pháo và mặt lưng của tháp pháo.

Vũ khí chính thứ hai của Karrar là một hệ thống được điều khiển từ xa bao gồm súng máy 7,62 mm, một camera quan sát tốt cả ngày lẫn đêm, một camera dò nhiệt và một máy đo khoảng cách bằng laser. Có hai dãy với sáu ống phóng lựu đạn khói ở mỗi bên trên đỉnh tháp pháo.

Thiết kế và bảo vệ của Karrar

Thiết kế MBT Karrar tương tự như các xe tăng của Nga được chia thành ba khoang với lái xe ở phía trước thân xe, tháp pháo ở giữa và động cơ ở phía sau. Hai thành viên kíp lái còn lại ngồi trong tháp pháo, với xạ thủ bên phải và người chỉ huy xe bên trái.

Iran tính điều tăng chiến đấu chủ lực Karrar đến Syria thử lửa: Dám vuốt râu hùm Israel? - Ảnh 1.

Nhìn từ trên nóc xe, hai cửa ra vào trên tháp pháo. Bên trái dành cho chỉ huy xe và bên phải phía dưới vũ khí chính thứ hai là xạ thủ

Karrar được bảo vệ với giáp phản ứng nổ ERA ở phía trước mặt và trên tháp pháo cho phép bảo vệ chống lại sức nổ và công phá của các loại đạn chống tăng thông thường. Trên nóc của tháp pháo được bổ sung giáp bảo và mỗi bên hông xe được trang bị các tấm giáp bằng vật liệu composite tổng hợp.

Để tăng sự bảo vệ của xe tăng chống lại các mối đe dọa đến từ súng chống tăng cá nhân RPG, phần phía sau của tháp pháo và thân xe được bao phủ bởi một lớp giáp lồng bằng kim loại.

Động cơ và các phụ kiện tiêu chuẩn

Xe tăng chiến đấu chủ lực Karrar được trang bị một động cơ mới nhằm tăng tầm hoạt động và tốc độ trong điều kiện địa hình gồm đa phần là hoang mạc Trung Đông. Hai bên có sáu bánh xe chính và một bánh giảm tốc phía trước, đĩa điều hướng ở phía sau và ba con lăn hồi chuyển nằm trong hệ thống di chuyển bánh xích.

Để tăng phạm vi hoạt động của xe, tổ lái có thể gắn thêm hai thùng nhiên liệu diesel 200 lít ở phía sau thân xe.

Iran tính điều tăng chiến đấu chủ lực Karrar đến Syria thử lửa: Dám vuốt râu hùm Israel? - Ảnh 2.

Hệ thống bánh xích của Xe tăng chiến đấu chủ lực Karrar

Xe tăng bao gồm một hệ thống điều hòa NBC giúp giảm áp suất cao trong buồng lái, thiết bị nhìn ban đêm cho cả ba thành viên kíp lái, hệ thống điều khiển hỏa lực quang học, máy đo laser và máy tính đạn đạo.

Tất cả các thành viên kíp lái đều có bảng điều khiển kỹ thuật số và hệ thống phần mềm quản lý tác chiến mới để nâng cao hiệu quả chiến đấu của các xe tăng và nhóm xe tăng được chỉ huy bằng cách tích hợp các bản đồ chiến đấu kỹ thuật số, phân tích tình huống tự động, truyền thông và một loạt các hệ thống cảm biến.

Karrar đem lại khả năng tác chiến độc lập một cách hoàn toàn mới cho các kíp lái xe tăng. Xạ thủ có thể quan sát quang học ban ngày và hệ thống kiểm soát hỏa lực tầm nhiệt ban đêm có thể sẵn sàng chiến đấu cả ngày lẫn đêm. Các hệ thống ngắm tự động khi di chuyển khiến xạ thủ có thể xác định mục tiêu nhanh và độ chính xác cao trong mọi tình huống chiến đấu.

Đèn tìm kiếm màu trắng được gắn vào phía bên trái của hầm pháo thủ. Ở phía bên trái của vị trí lái xe được gắn một hệ thống camera mới gần với kính viễn vọng.

Ở phía sau cùng của tháp pháo, cũng có cột cảm biến khí tượng bao gồm các cảm biến tự động truyền tải tất cả các dữ liệu về tốc độ gió và hướng gió, nhiệt độ không khí và áp suất khí quyển. Thân xe được trang bị đèn pha LED mới.

Iran tính điều tăng chiến đấu chủ lực Karrar đến Syria thử lửa: Dám vuốt râu hùm Israel? - Ảnh 3.

Các phụ kiện hỗ trợ kíp lái xe tăng

Mặt trận dự kiến tham chiến của Karrar

Có thể thấy rõ trong các diễn biến chiến trường hiện tại, xe tăng Karrar khó có thể tham chiến ở các chiến trường mà xe tăng T-90A đã "thử lửa" như Aleppo, Idlib. Tại các khu vực này hiện đang bị ràng buộc bởi các cam kết giảm căng thẳng mà Iran là một trong 3 bên tham gia là Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy chỉ còn hai khu vực có thể có sự xuất hiện của Karrar:

1) Khu vực có khả năng xuất hiện cao nhất là các "túi" nằm giữa hoang mạc thuộc tỉnh Homs và tỉnh Deir Ezzor ở bờ tây sông Euphrate.

Nếu để "thử nghiệm" thì đây là bãi thử tuyệt vời do IS trong khu vực này khá thiếu vũ khí chống tăng hạng nặng, mặt khác các lực lượng bộ binh và cơ giới sẵn có tại đây có thể phối hợp - sử dụng thử nghiệm với các xe tăng Karrar hoàn toàn tin cậy do đa phần là các chiến binh Shia do Vệ binh Cách mạng Iran chỉ huy.

Ngoài ra mối đe dọa của các cường quốc là ít, vì khu vực tây Euphrate được cho là tầm ảnh hưởng của Nga - Iran.

Iran tính điều tăng chiến đấu chủ lực Karrar đến Syria thử lửa: Dám vuốt râu hùm Israel? - Ảnh 4.

Tuyến đường huyết mạch nối Iran-Iraq qua lãnh thổ Syria tới Lebanon

2) Khu vực Nam Syria thuộc tỉnh Daraa giáp với cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng.

Tình trạng hiện tại trong khu vực này là các nhóm quân Shia thân Iran, Hezbollah và ngay cả Vệ binh Cách mạng Iran đều đã có sự hiện diện, tuy nhiên trên thực tế các giao tranh qua lại giữa Israel, phe đối lập đều nhằm vào lực lượng chính quy Syria.

Do ở khu vực này có hệ thống giám sát - quan sát của Israel rất mạnh (trên thực tế thì binh lực của Israel tại Golan vượt trội đối phương rất nhiều, đặc biệt là không quân) nên nếu phương tiện cơ giới mới thử nghiệm tại đây rất dễ làm mồi cho các tên lửa đất đối đất, không đối đất săn tăng bắn từ Golan tiêu diệt.

Người Iran liệu sẽ đem "quốc bảo" đi thử nghiệm ở đâu? Với số lượng bao nhiêu chiếc? Và hiệu quả ra sao? Những câu hỏi này chỉ có thể trả lời được trong khoảng 2-3 tháng nữa, theo các thông tin rò rỉ từ quân đội Syria.

Tăng chiến đấu chủ lực Karrar trong các thử nghiệm tại sa mạc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại