Hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn lời Giám đốc điều hành IRENEX, ông Ali Hosseini nói rằng nguồn vốn nói trên dự kiến sẽ được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động bảo trì cũng như các dự án sản xuất tại 29 mỏ dầu trên cả nước.
Ông Hosseini nhấn mạnh kế hoạch thu hút nguồn vốn trong nước cho các dự án dầu mỏ sẽ được thực hiện thông qua các cơ chế như "quỹ dự án" và trái phiếu Hồi giáo (Sukuk). Iran cũng từng có một kế hoạch thu hút các nguồn vốn trong nước lên tới 10 tỷ USD, song những biến động gần đây trên thị trường tiền tệ của nước này đã buộc Tehran phải thay đổi các mục tiêu.
Trước đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho hay kế hoạch sử dụng các nguồn lực trong nước cho các dự án khai thác dầu mỏ sẽ giúp tăng sản lượng tại những mỏ mục tiêu của nước này, với tổng mức tăng 460 triệu tấn trong vòng 3 năm tới.
Theo Giám đốc điều hành Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran (NIOC), ông Ali Kardor, Iran đã thành lập "quỹ dự án" đầu tiên của nước này để cung cấp nguồn vốn cần thiết cho các hoạt động bảo dưỡng và tăng sản lượng.
Theo ông Kardor, "quỹ dự án" sẽ hỗ trợ các dự án đã được phê duyệt có tổng kinh phí trên 6,3 tỷ USD.
Theo các số liệu chính thức, sản lượng khai thác dầu thô của Iran đã đạt 3,806 triệu thùng/ngày trong tháng 5/2018, tăng nhẹ so với 3,804 triệu thùng/ngày trong tháng trước đó.
Bộ Dầu mỏ Iran thông báo, bất chấp việc Mỹ đe dọa áp dụng các lệnh trừng phạt mới, xuất khẩu dầu thô của Iran trong tháng 5/2018 đã chạm ngưỡng 2,7 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 1/2016, thời điểm thỏa thuận hạt nhân Iran bắt đầu có hiệu lực và các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Tehran được nới lỏng.
Iran có trữ lượng dầu thô kiểm chứng gần 158 tỷ thùng. Trước thời điểm bị áp đặt các biện pháp trừng phạt, sản lượng dầu của Iran đã ở mức 3,9 triệu thùng/ngày, trong đó lượng dầu xuất khẩu đạt hơn 2 triệu thùng/ngày. Do bị cấm vận, sản lượng dầu của nước này đã giảm xuống 2,8 triệu thùng/ngày và lượng dầu xuất khẩu chỉ còn khoảng một triệu thùng/ngày./.