Iran bắt đầu công tác chuẩn bị tăng cường khả năng làm giàu urani vào ngày 5-6, một trong những phản ứng mạnh mẽ nhất kể từ khi tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc.
Ông Ali Akbar Salehi phó tổng thống Iran, giám đốc cơ quan Năng lượng Nguyên tử
Ông Ali Akbar Salehi, một trong những phó tổng thống của Iran và là giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) cho biết, Iran bắt đầu công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng để lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến tại cơ sở hạt nhân Natanz.
Ông Salehi cho biết các biện pháp sẽ không vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và rằng Iran sẽ chỉ tăng cường làm giàu uranium nếu thỏa thuận sụp đổ. Tuyên bố của ông sẽ tăng áp lực lên các chính phủ châu Âu đang chiến đấu để cứu vãn hiệp ước.
Một ngày trước đó, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã ra lệnh thực hiện các bước chuẩn bị để gia tăng công suất làm giàu urani nếu thỏa thuận hạt nhân ký kết với các cường quốc sụp đổ sau khi Mỹ rút đi. Ông cũng khẳng định sẽ không chấp nhận giới hạn chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Ông Salehi nói rằng tổ chức của ông được giao nhiệm vụ cải tạo nhà máy sản xuất uranium hexafluoride, hoặc UF6, với lượng cần thiết để sản xuất nhiên liệu hạt nhân cho lò phản ứng và sản xuất vũ khí.
Cơ quan nguyên tử của Iran cũng đã bắt đầu chuẩn bị để đảm bảo an toàn nhiên liệu hạt nhân trong nước cho nhà máy điện Bushehr cần 280 tấn nguyên liệu urani.
Vấn đề hạt nhân Iran nóng trở lại sau khi ngày 8-5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA với lý do văn kiện này không ngăn cản được Iran phát triển vũ khí hạt nhân hoặc hỗ trợ khủng bố trong khu vực.
Ông Trump cũng tuyên bố sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân nhằm vào chính quyền Iran và sẽ bắt đầu áp đặt trừng phạt ở mức cao nhất. Trong khi đó, IAEA khẳng định Iran đã tuân thủ tất cả các điều kiện được đưa ra trong JCPOA.
Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận này thông qua việc tìm kiếm các biện pháp nhằm duy trì thương mại với Iran nhằm thuyết phục nước Cộng hòa Hồi giáo không rút khỏi JCPOA.
Theo đó, EU đang cân nhắc đề xuất thiết lập những kênh thanh toán và tín dụng mới cho Iran, gia tăng hợp tác năng lượng và áp dụng luật cho phép các doanh nghiệp EU không phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.