Sợ Nga tấn công vào sườn Đông, Mỹ hối NATO "sẵn sàng chiến đấu" 30 tiểu đoàn, 30 phi đội

Thi Anh |

Kế hoạch này đòi hỏi NATO phải có 30 tiểu đoàn trên bộ, 30 phi đội tiêm kích và 30 tàu hải quân có thể triển khai trong vòng 30 ngày được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Đề xuất 30-30-30-30

Mỹ đang hối thúc các đồng minh châu Âu đưa thêm nhiều đội quân, tàu và máy bay NATO vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, Reuters dẫn nguồn quan chức cho hay. Đây là động thái mới nhất của Washington nhằm tăng cường khả năng răn đe của NATO trước một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ tìm kiếm sự đồng thuận rộng rãi cho kế hoạch này tại Brussels khi Bộ trưởng Quốc phòng các nước đồng minh gặp gỡ ngày 7/6, đặt nền móng cho cuộc họp thượng đỉnh giữa các lãnh đạo NATO vào tháng 7 tới.

Kế hoạch của Mỹ sẽ đòi hỏi NATO phải có 30 tiểu đoàn trên bộ, 30 phi đội tiêm kích và 30 tàu hải quân (như khu trục) có thể triển khai trong vòng 30 ngày được đặt trong tình trạng sẵn sàng, mặc dù đề xuất này không chỉ rõ số lượng binh lính cụ thể cũng như hạn chót để thiết lập chiến lược.

Số lượng binh lính của các tiểu đoàn trong NATO ở vào khoảng từ 600 đến 1000 quân.

"Chúng ta có một đối thủ (Nga) có khả năng di chuyển rất nhanh vào khu vực Baltics và Ba Lan trong một cuộc tấn công trên mặt đất", một quan chức cấp cao của NATO nhận định, nhắc tới đề xuất của Mỹ (được biết tới với tên gọi 30-30-30-30), "Chúng ta không có nhiều tháng xa xỉ để điều động".

Nguồn tin của Reuters cho rằng kế hoạch này cơ bản là nhằm đối phó với Nga và phù hợp với Chiến lược Quân sự Quốc gia 2018 của Lầu Năm Góc, trong đó cáo buộc Nga tìm cách "phá vỡ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương".

Cuộc tập trận của Nga hồi năm ngoái, với số lượng quân mà giới chức phương Tây cho là 100.000 người, cũng làm nảy sinh lo ngại về khả năng vô tình bùng phát xung đột. Điện Kremlin đã lên tiếng bác bỏ và nói rằng chính NATO là mối đe dọa an ninh ở Đông Âu.

Quân đội từ đâu?

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một trung tâm phân tích ở Anh, với hơn 2 triệu binh lính, số lượng quân của NATO trội hơn Nga (Moscow hiện có khoảng 830.000 lính tại ngũ).

Sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, NATO đã tạo ra một lực lượng phản ứng nhanh, quy mô nhỏ và đặt 4 tiểu đoàn ở khu vực Baltics và Ba Lan, được quân đội và trang bị của Mỹ luân phiên hậu thuẫn.

Sợ Nga tấn công vào sườn Đông, Mỹ hối NATO sẵn sàng chiến đấu 30 tiểu đoàn, 30 phi đội  - Ảnh 1.

Tiêm kích Mirage 2000-5 của Không lực Pháp cất cánh tại căn cứ quân sự Amari, Estonia. Ảnh: Reuters

Thế nhưng, không rõ liên quân có thể di chuyển lượng lớn quân đội của mình tới sườn đông nhanh tới mức nào và trụ vững được bao lâu, khi mà Pháp vốn đã vươn tới châu Phi còn Anh thì cắt giảm quy mô lực lượng có thể triển khai.

Theo một nghiên cứu năm 2016 của Tập đoàn Rand, mỗi nước Anh, Pháp và Đức có thể tập hợp được một lữ đoàn gồm từ 3 tiểu đoàn trở lên cùng với xe tăng chiến đấu và các loại phương tiện bọc thép khác trong khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, lực lượng của họ sẽ bị rút cạn, để lại quá ít nguồn lực cho bất kỳ cuộc xung đột nào khác.

Đề xuất này cũng đặt ra một thách thức cho các chính phủ châu Âu, vốn bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chê trách về quyết định cắt giảm chi tiêu quân sự sau Chiến tranh Lạnh. Đó là phải giải quyết những vấn đề tồn đọng lâu nay với các máy bay và trực thăng bị ngừng bay do thiếu phụ tùng.

Một yếu tố chưa rõ nữa là làm sao đề xuất "30-30-30-30" của Mỹ có thể hài hòa với các sáng kiến khác nhằm cải thiện tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội châu Âu và giải quyết những thiếu hụt về vũ khí cũng như các thiết bị quân sự khác.

"Chúng tôi chỉ có một lượng quân đội nhất định ở châu Âu và họ không thể tham gia vào mọi đề xuất quân sự được", một quan chức cấp cao của NATO cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại