Tên lửa đạn đạo Iran Fateh-10. (Ảnh: Wikimedia)
Đột biến mới với tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhập từ Iran?
Nga có thể sớm có thêm tên lửa đạn đạo từ Iran để bổ sung kho tên lửa của mình trong bối cảnh vừa thực hiện nhiều cuộc tập kích tên lửa vào Ukraine.
Tờ Washington Post dẫn một số nguồn tin giấu tên cho hay, Iran đang chuẩn bị gửi lô tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110 và Zolfaghar cho Nga. Các tên lửa này có tầm bắn tương ứng là 300km và 700km... Tờ báo lưu ý, nếu thỏa thuận này được thực thi, đây sẽ là lô tên lửa đầu tiên xuất sang Nga kể từ đầu xung đột Ukraine.
Cùng với UAV Shahed của Iran, các tên lửa nói trên đã được sử dụng trên chiến trường Syria, Lebanon và Yemen.
Hoạt động tác chiến của Nga đã tiêu hao một số lượng tên lửa không nhỏ. Giới chức Nga khẳng định họ vẫn đủ tên lửa và các nhà máy vẫn đang sản xuất thêm tên lửa phục vụ tác chiến.
Tuy nhiên, thực tế Nga vừa phải sử dụng cả tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm để tấn công mục tiêu mặt đất. Điều này cho thấy Nga có thể đang gặp khó khăn nhất định về nguồn cung trong bối cảnh phương Tây cấm vận xuất khẩu sang Nga các thiết bị và vật liệu phục vụ chế tạo tên lửa.
Theo AP, thời gian qua Nga đã phải dùng tới cả kho tên lửa từ thời Liên Xô với độ chính xác không lớn lắm. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định họ đã thực hiện tấn công mục tiêu ở Ukraine bằng các tên lửa có độ chính xác cao.
Các xác tên lửa của Nga nằm lại ở Ukraine cho thấy có thể Nga đã phải phụ thuộc vào linh kiện điện tử của phương Tây.
Một báo cáo của Reuters vào tháng 8 ghi nhận tên lửa hành trình 9M727 của Nga dùng vào giai đoạn đầu xung đột Ukraine có chứa các microchip từ các nhà sản xuất chip của Mỹ như Instruments Inc, Altera, Xilinx, Maxim Integrated Products Inc và hãng Cypress Semiconductor thuộc sở hữu của Đức.
Tất nhiên Nga có thể sản xuất các microchip. Tuy nhiên, Asia Times cho rằng công nghệ bán dẫn của Nga hiện lạc hậu hơn so với Mỹ do ít được đầu tư.
Nga dùng nhiều biện pháp để bảo đảm đủ tên lửa, Iran sẵn lòng hỗ trợ
Mặc dù vậy, Nga vẫn tìm cách để có được công nghệ hiện đại thông qua kênh tình báo và các nước thứ 3. Hiện kho dự trữ microchip phương Tây của Nga vẫn đủ dùng cho 2 năm nữa.
Ngoài ra, Nga đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất tên lửa nội địa dù gặp nhiều trở ngại từ việc phong tỏa, cấm vận của phương Tây.
Trong một bài viết cho Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), tác giả Maxim Starchak lưu ý rằng thặng dư ngân sách của Nga do doanh thu lớn từ bán dầu khí thời gian qua cho phép nước này đầu tư lớn vào sản xuất tên lửa nội địa, đặt thêm tên lửa từ các nhà máy quốc doanh, thuê thêm nhân viên và tăng thời gian lao động tại các nhà máy.
Nguồn tên lửa từ Iran vào lúc này có thể đóng vai trò quan trọng đối với Nga.
Đối với Iran, việc bán UAV và tên lửa cho Nga là điều phù hợp với quan điểm chiến lược của Iran về cạnh tranh nước lớn với Mỹ.