Tàu hộ tống Stoikiy (545) của Nga tham gia cuộc tập trận.
Cuộc tập trận cũng bao gồm tình huống giải thoát cho tàu bị cướp trên biển, các hoạt động cứu nạn trên biển và chống cướp biển.
Lực lượng, tàu từ các sư đoàn hải quân Iran và Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã tham gia cuộc diễn tập với một số tàu hải quân của Nga . Đợt tập trận này được bắt đầu vào hôm thứ Ba.
Đô đốc Gholamreza Tahani, phát ngôn viên của cuộc tập trận, cho biết hải quân Ấn Độ cũng đã đề nghị được tham gia và đã nhập cuộc với một nhóm tàu được chọn.
Ông Tahani nói: "Cuộc tập trận mà chúng tôi đang tiến hành với Nga rất linh hoạt nên không chỉ một quốc gia mà nhiều quốc gia khác có thể tham gia nếu họ muốn".
Hossein Khanzadi, chỉ huy của lực lượng hải quân Iran, cho biết lực lượng hải quân Trung Quốc cũng tham gia vào cuộc tập trận. Cuộc tập trận này diễn ra trong vùng biển có diện tích 17.000 km vuông ở phía bắc của Ấn Độ Dương.
Iran, Nga và Trung Quốc đã từng tổ chức các cuộc tập trận tương tự vào năm 2019.
Ông Khanzadi cho biết, cuộc tập trận cho thấy các cường quốc hải quân trong khu vực đang ngày càng xích lại gần nhau hơn để đảm bảo an ninh tập thể.
"Điều đó có nghĩa là ai kiêu ngạo cho rằng, mình thống trị khu vực đến tận lúc này sẽ phải nhận ra, họ cần rời bỏ nó", phát biểu của ông Khanzadi được đăng tải trên một website của quân đội Iran.
Đô đốc Tahani cho biết, tàu khu trục nhỏ Jamaran của Iran dẫn đầu cuộc tập trận. Đây là loại tàu được giới thiệu vào năm 2010. Cùng với tàu khu trục, trực thăng của hải quân Iran và Nga hỗ trợ, giám sát trên không.
Các cuộc tập trận sẽ bao gồm: Bắn vào các mục tiêu trên biển và trên không, giải cứu các tàu bị cướp, tìm kiếm cứu nạn và chống cướp biển.
Iran cho biết, cuộc tập trận này là cơ hội để trao đổi thông tin, kinh nghiệm kỹ thuật và chiến thuật để "chống cướp biển và khủng bố trên biển".
Quân đội Iran và IRGC đã tiến hành một số cuộc tập trận trong hai tháng qua nhằm phô trương lực lượng trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ.
Các cuộc tập trận này có sự xuất hiện của nhiều loại tên lửa tầm xa, máy bay không người lái, xe tăng, tàu chiến, tàu ngầm và trực thăng được sản xuất trong nước. Mục tiêu của các cuộc tập trận này cũng bao gồm cả trên bộ, trên biển và trên không.
Nhiều chuyên gia nhận định, Iran tăng cường các hoạt động tập trận thời gian qua là cách nước này gây áp lực đối với Mỹ. Với việc phô trương sức mạnh quân sự này, Iran kỳ vọng, Mỹ sẽ có những bước lùi và ngồi vào bàn đàm phán để tái gia nhập thoả thuận hạt nhân năm 2015.
Trước cuộc tập trận chung này, Iran đã tăng cường hợp tác quân sự với Moscow và Bắc Kinh. Tuyên bố về những cuộc tập trận liên tiếp được tổ chức, Iran cho biết, họ chỉ đơn giản là cảnh giác với những mối nguy tiềm tàng.
Có một thực tế không thể phủ nhận, Mỹ luôn là ông lớn. Thực tế là chẳng ai có thể gây áp lực khiến Mỹ phải lùi bước, trừ khi họ muốn. Vì vậy, Iran chẳng thể có được điều mình muốn nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn bị Mỹ đặt ra.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, Washington sẽ chỉ tham gia trở lại thỏa thuận nếu Tehran tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA).