Hai bệ phóng tên lửa phòng không của Iran. Nguồn: Sina
Nhật báo Al-Qabas của Kuwait dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Iran đang tăng cường hệ thống phòng không gần các cơ sở hạt nhân của nước này để đề phòng trường hợp Mỹ phát động tấn công tên lửa trước khi ông Trump rời Nhà Trắng.
Theo đó, ngoài hệ thống phòng không Kub do Nga sản xuất, Iran cũng đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không Bavar-373 quanh những địa điểm làm giàu uranium ở Fordo và Natanz, vốn được xem là 2 cơ sở hạt nhân quan trọng của nước này.
Các nguồn tin này chỉ ra: “Như một biện pháp phòng ngừa, Iran đang tăng cường khả năng phòng không gần các cơ sở hạt nhân của mình để đối phó với bất kỳ sự cố quân sự (tấn công) bất ngờ nào có thể xảy ra trong thời gian căng thẳng với Mỹ và trước khi Trump rời Nhà Trắng. Hệ thống phòng không và thiết bị radar của lực lượng hàng không vũ trụ thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran có nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở này”.
Nguồn tin nhấn mạnh, Iran đang huy động tất cả tiềm năng phòng không hiện có để có thể đẩy lùi các cuộc tấn công tên lửa làm gián đoạn quá trình làm giàu uranium của các cơ sở hạt nhân của Iran, vốn rất cần thiết cho chương trình hạt nhân của nước này.
Trước đó, trang Axios (Mỹ) dẫn các nguồn thạo tin cho biết Mỹ đang cân nhắc đóng nhanh đại sứ quán Mỹ ở Baghdad (Iraq), sau một loạt vụ tấn công nhắm vào vùng xanh của Iraq nghi do lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn tiến hành.
Động thái này - cùng với một số phương án đang được xem xét - có thể báo hiệu trước Mỹ sẽ phát động tấn công trả đũa Iran. Tạp chí Forbes và Đài NBC News (Mỹ) cho rằng ông Trump có thể sẽ ra lệnh tấn công Iran trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống 4 năm.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ ngày 21/12 cũng thông báo, đã triển khai tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình USS Georgia cùng tàu tuần dương USS Port Royal và USS Philippine Sea đi qua eo biển Hormuz để tiến vào vịnh Ba Tư, khu vực cách lãnh thổ Iran chỉ vài chục km.
Lầu Năm Góc cho biết USS Georgia là khí tài có khả năng cơ động cao, có thể mang theo tới 154 quả Tomahawk trong 22 ống phóng, nhiều hơn cả một biên đội tàu mặt nước. Toàn bộ số tên lửa này có thể phóng theo loạt từ dưới nước trong vòng 6 phút.
Trước khi tàu ngầm hạt nhân USS Georgia đến vùng vịnh, Mỹ đã đưa 2 chiếc B-52, có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân bay qua vùng Vịnh vào ngày 10/12, cùng với tàu sân bay USS Nimitz đi vào khu vực này hồi cuối tháng 11.
Theo Hãng tin Bloomberg, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, Quân đội Mỹ công khai việc một tàu ngầm hạt nhân đã đi vào vùng biển này. Ngoài ra, theo các nguồn tin Ả Rập, một tàu ngầm của Israel được trang bị tên lửa hành trình (có tầm bắn ít nhất 1.500 km) cũng đã tiến vào Vịnh Ba Tư.
Tàu ngầm hạt nhân USS Georgia qua eo biển Hormuz. Nguồn: Sina.
Căng thẳng Mỹ và Iran gia tăng sau khi Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad/Iraq hôm 20/12 hứng chịu “mưa rocket” với 20 quả, tuy không gây ra thương vong nào với Mỹ, nhưng cũng khiến tòa đại sứ Mỹ chịu hư hại. Ngay sau vụ tấn công này, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cáo buộc lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn là “tác giả” của vụ tấn công.
Đại diện Chính phủ Iran đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng nguyên nhân xảy ra cuộc tấn công là do Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Tuy nhiên, tuyên bố của Iran dường như không mấy có tác dụng với Mỹ, Tổng thống Trump hôm 23/12 đã cảnh báo sẽ bắt Iran phải “chịu trách nhiệm” nếu bất kỳ công dân Mỹ nào thiệt mạng.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) quân đội Mỹ Kenneth McKenzie hôm 20/12 khẳng định họ sẵn sàng "phản ứng nếu cần thiết" để tự vệ cũng như bảo vệ đồng minh và đối tác tại khu vực Trung Đông trước bất cứ nguy cơ tấn công nào từ Iran.