Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 3/7 cảnh báo Iran sẽ tăng cường làm giàu “bất kỳ lượng uranium nào mà chúng tôi muốn” bắt đầu từ ngày 7/7.
“Chúng tôi sẽ tinh luyện bất cứ lượng uranium nào mà Iran muốn, hay cần, và thế nào cũng sẽ vượt mức 3,67% ấn định trong thỏa thuận. Lời khuyên của chúng tôi đối với Châu Âu và Mỹ là quay trở lại với logic và trở lại bàn đàm phán, quay lại với sự thông cảm, lòng tôn trọng luật pháp và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Dưới những điều kiện đó, tất cả chúng ta đều có thể tuân thủ thỏa thuận hạt nhân” - Tổng thống Hassan Rouhani nói thêm.
Trước đó 2 ngày, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nêu rõ, Iran đã vượt hạn mức 300kg dự trữ uranium theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), mà Tehran đã ký với các nước P5+1 (Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ, Nga và Đức) và EU. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan chịu trách nhiệm giám sát chương trình hạt nhân của Iran, sau đó đã xác nhận thông báo của Iran là chính xác.
Mặc dù có những lời đe dọa như vậy, nhưng dường như Iran không có ý định làm giàu uranium để phát triển vũ khí hạt nhân. Lý do như sau:
Thứ nhất, thỏa thuận hạt nhân Iran nêu rõ, trong 15 năm kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực, Iran chỉ được dự trữ 300kg uranium làm giàu tới mức tối đa 3,67% và Iran có thể bán lượng uranium thừa ra trên thị trường quốc tế. Con số này ít hơn rất nhiều so với lượng dự trữ của Iran trước khi ký kết thỏa thuận, lên tới 10.000kg uranium. Nhưng điều này cũng có nghĩa, Iran có thể sử dụng số uranium làm giàu thấp này để làm nhiên liệu cho các nhà máy hạt nhân dân sự.
Thứ hai, hiện tại, dù có muốn, Iran cũng không thể đủ lượng uranium để phát triển bom hạt nhân được. Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA), cần phải có khoảng 1.200 kg uranium làm giàu thấp, sau đó lại tiếp tục quá trình tinh luyện thì mới đủ lượng uranium để làm một đầu đạn hạt nhân. Điều đó có nghĩa với 300kg trữ lượng dữ trữ bị kiểm soát này, Iran còn rất lâu mới có thể có đủ uranium để phát triển vũ khí hạt nhân.
Chưa hết, Iran còn chưa có đủ cơ sở vật chất cũng như kỹ thuật để có thể phát triển thành công một đầu đạn hạt nhân. Quá trình này có thể mất đến cả năm hoặc nhiều hơn. Nếu điều đó là sự thật, Mỹ, các nước đồng minh và các nước thù địch với Iran có thừa thời gian để phát động một cuộc xung đột quân sự vào quốc gia Hồi giáo này. Chính Iran cũng không muốn chiến tranh xảy ra trong khi kinh tế đang ngày một kiệt quệ.
Thứ ba, Iran cũng nhiều lần phủ nhận việc phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Zarif từng nói rằng chính vì những cam kết của nước này với các nguyên tắc tôn giáo, quốc gia Hồi giáo này sẽ không bao giờ phát triển vũ khi hạt nhân hay bất kì vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác.
Kể từ khi Mỹ rút ra khỏi JCPOA và áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran, quốc gia Trung Đông đã phải chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế đúng nghĩa. Đồng tiền mất giá và lạm phát khiến mọi thứ đắt đỏ hơn, từ trái cây, rau quả, lốp xe, xăng dầu cho tới các mặt hàng giá trị lớn như điện thoại di động. Mặc cho việc Iran là nơi có trữ lượng dầu thô lớn thứ 4 thế giới và có lượng dự trữ khí đốt tự nhiên chỉ sau Nga. Nhưng dưới chiến dịch gây sức ép tối đa của Trump, Mỹ đã cắt đứt khả năng bán dầu thô của Iran trên thị trường toàn cầu, đe dọa cấm vận bất kỳ quốc gia nào mua dầu của Iran.
Bản thân Tổng thống Rouhani cũng cho biết hành động làm giàu uranium của Iran có thể đảo ngược trong vài giờ nếu các bên tôn trọng thỏa thuận hạt nhân đã ký kết và rút lại lệnh cấm vận kinh tế đối với Iran.
Do vậy, Iran chỉ là đang tìm cách gây sức ép ngoại giao cho các bên còn lại là Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc, nhằm yêu cầu các nước này có những hoạt động thiết thực, chứ không phải những lời nói “xuống” nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA. Hoặc, phương án xấu nhất, là xây dựng một thỏa thuận mới để đòi lại quyền lợi và lợi ích kinh tế cho mình.