Iran đe dọa "sát sườn", Israel gia nhập liên minh NATO-Ả Rập tìm trợ giúp?

Quốc Vinh |

Trước "mối đe dọa" đến từ Iran, cái bắt tay liên minh giữa khả năng tình báo lão luyện của Israel và sức mạnh đáng kể của Saudi Arabia là rất có khả năng xảy ra.

Với những diễn biến thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng Tel Aviv dường như đang tìm cách hợp tác với các nước Ả Rập dòng Sunni ở Trung Đông để hình thành một liên minh nhằm áp chế Iran. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, khả năng Israel gia nhập liên minh quân sự "NATO Ả Rập" vẫn còn để ngỏ.

Vào ngày 1/8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ngầm ám chỉ rằng Israel có thể tham gia vào một liên minh chống lại Iran trong trường hợp Tehran chặn eo biển Bab al-Mandab, lối vào Biển Đỏ ở phía Nam.

"Nếu Iran muốn chặn Bab al-Mandab, tôi tin rằng họ sẽ phải đối mặt với một liên minh quốc tế chống lại hành động này. Liên minh sẽ bao gồm Israel và tất cả các bên liên quan", Thủ tướng Israel tuyên bố.

Liên minh Israel-Ả Rập có thực tế?

Theo Simon Tsipis, một nhà phân tích an ninh tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) của Israel, cho rằng một liên minh Israel-Ả Rập rất có khả năng xuất hiện trên thực tế, đặc biệt là khi đối đầu với Iran.

"Điều đó hoàn toàn khả thi, bởi vì Israel, Mỹ và Saudi Arabia có lợi ích chung trong mục tiêu đối đầu với Iran. Vào đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump đã đến thăm Saudi, chứng tỏ với thế giới rằng chính sách của ông sẽ liên kết với người Sunni - dẫn đầu bởi Riyadh – để chống lại người Shiite mà đứng đầu bởi Iran. Lợi ích của người Ả Rập Sunni và Israel trùng nhau ở đây. Israel từ lâu đã đối đầu với Iran rất căng thẳng", ông giải thích.

Theo nhà phân tích, Iran và chương trình hạt nhân của nước này đặt ra một mối đe dọa trực tiếp đối với Israel. Ông tin rằng Tehran đang leo thang căng thẳng ở Syria bằng cách hỗ trợ các lực lượng dân quân trên mặt đất và cố gắng "xây dựng cơ sở hạ tầng cho sự xâm lược chống lại Israel từ lãnh thổ Syria trong tương lai".

Tsipis nhấn mạnh thêm rằng "Iran còn hỗ trợ nhóm Hamas tấn công quân đội Israel từ lãnh thổ Dải Gaza".

Ngoài ra, Ai Cập và Jordan đã ký các hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1979 và 1994, do đó triển vọng của một liên minh Israel-Ả Rập là "hoàn toàn thực tế", Tsipis tái khẳng định.

Hơn nữa, Mỹ và các đồng minh Ả Rập có thể sẽ cần đến sự giúp đỡ của Israel trong trường hợp có một cuộc đối đầu tiềm năng với Tehran vì "Israel tự hào có khả năng trinh sát, không quân và hải quân khá mạnh”.

Bất kể ai tham gia vào liên minh, đặc biệt là Mỹ, đều sẽ muốn có được sự giúp đỡ của Israel.

"Thứ nhất, sự tham gia vào một liên minh như vậy sẽ nâng cao uy tín của Israel trong con mắt của nhiều quốc gia Hồi giáo. Thứ hai, vấn đề quan trọng nhất đối với Israel chính là mối đe dọa Iran sẽ được giải quyết. Nếu Tehran không bị đánh bại, chính Tel Aviv sẽ bị suy yếu đáng kể về khả năng quân sự", chuyên gia Tsipis nêu quan điểm

Liên minh Israel-Ả Rập có mang lại hiệu quả?

Iran đe dọa sát sườn, Israel gia nhập liên minh NATO-Ả Rập tìm trợ giúp? - Ảnh 1.

Khả năng gia nhập liên minh "NATO Ả Rập" của Israel là không cao.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Boris Dolgov tại Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo của Nga lại thể hiện quan điểm ngược lại. Theo ông, tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu trên thực tế chỉ là động thái mang tính hùng biện, bởi một liên minh Ả Rập do Saudi Arabia lãnh đạo sẽ không bao giờ cho Israel bước vào thế giới của mình.

“Có một cuộc đối đầu Sunni-Shiite trong khu vực", nhà nghiên cứu Nga cho biết. "Người Sunni được dẫn đầu bởi Saudi Arabia và người Shiite với Iran làm đại diện. Iran cũng đối nghịch với Israel, quốc gia cũng coi Tehran là kẻ thù tương tự”.

Mặc dù vậy, một liên minh giữa Israel và các quốc gia dòng Sunni, dẫn đầu bởi Saudi Arabia là không thực tế. Bởi trong thế giới Hồi giáo, điều này được coi là khá tiêu cực.

Tuy nhiên, Dolgov không loại trừ khả năng Israel sẽ ủng hộ rất lớn cho một liên minh "NATO Ả Rập" tiềm năng như vậy.

Một lý do khác khiến liên minh này khó thành, đó là ngay cả khi các quốc gia Ả Rập đồng ý bắt tay với Israel, nhưng họ có thể yêu cầu Tel Aviv giải quyết vấn đề Palestine - một điều kiện mà Israel chắc chắn sẽ từ chối.

"Vấn đề Palestine vẫn là một sự tranh cãi giữa Israel và thế giới Ả Rập", Dolgov nói. "Trong cuộc xung đột này Ai Cập đang ở cùng một bên với Palestine. Ngoài ra, có rất nhiều người Palestine và các tổ chức Palestine ở Jordan đương nhiên sẽ phản đối”.

Israel và Iran đã không duy trì quan hệ ngoại giao kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Trong những thập kỷ qua, căng thẳng giữa hai quốc gia đã leo thang đáng kể.

Về phần mình, Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran sau cuộc tấn công vào đại sứ quán Saudi tại Tehran vào tháng 1/2016. Quan hệ giữa Iran và Saudi luôn căng thẳng về các vấn đề địa chính trị và tôn giáo.

Mặc dù Tel Aviv và Riyadh không có quan hệ ngoại giao chính thức, lãnh đạo Saudi gần đây đã làm dịu đi những lời công kích đối với Israel, với việc Thái tử Mohammad bin Salman "thừa nhận" người Do Thái có quyền sở hữu đất đai của riêng mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại