Chỉ với một phát bắn "thần sầu", Iran đánh sập biểu tượng quân sự tối tân của Mỹ

Tú Anh |

Các hệ thống phòng không tiên tiến hoàn toàn có thể bắn hạ được máy bay không người lái như RQ-4A bất cứ khi nào chúng xâm nhập lãnh thổ đối phương để tiến hành nhiệm vụ do thám.

Máy bay không người lái (UAV) vẫn là những phương tiện chủ chốt mà Quân đội Mỹ sử dụng để tấn công các nhóm phiến quân nổi dậy như khủng bố Taliban và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Tuy nhiên, việc Iran sử dụng tên lửa phòng không bắn rơi một chiếc UAV RQ-4A Global Hawk của Mỹ đã bộc lộ những điểm yếu chí tử của loại máy bay này khi phải đối đầu với các đối thủ có tiềm lực quốc phòng tân tiến.

UAV được Quân đội Mỹ sử dụng trước hết nhờ những ưu điểm vượt trội của nó: có thể thực hiện các sứ mệnh do thám tầm xa trên không nhiều giờ liền và đặc biệt không gây nguy hiểm tới tính mạng quân nhân Mỹ.

Mặc dù vậy, chúng vẫn có thể bị tiêu diệt bởi các hệ thống phòng không và một khi bị bắn hạ, các công nghệ quân sự nhạy cảm rất dễ rơi vào tay địch thủ.

"Các máy bay không người lái của Mỹ nhìn chung không được thiết kế tàng hình và thường không ấn tượng về mặt khí động học", Michael O'Hanlon, nghiên cứu viên cao cấp kiêm Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại của Viện Institution nhận xét.

"Tôi tin rằng các hệ thống phòng không tiên tiến vẫn tiếp tục có các cơ hội tốt để bắn hạ một máy bay không người lái như RQ-4 bất cứ khi nào nó xâm nhập lãnh thổ đối phương để tiến hành các nhiệm vụ do thám".

"Nhìn chung, các UAV dạng này không được thiết kế để hoạt động ở những không phận được phòng thủ chặt chẽ", Arthur Holland Michel, đồng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Máy bay Không người lái của Đại học Bard chia sẻ.

"Nếu nghiên cứu kỹ lịch sử hoạt động của RQ-4 Global Hawk, chúng ta sẽ thấy rằng nó thường tránh các khu vực chống xâm nhập/chống tiếp cận".

Chỉ với một phát bắn thần sầu, Iran đánh sập biểu tượng quân sự tối tân của Mỹ - Ảnh 1.

UAV RQ-170 Sentinel bị Iran khống chế thu giữ và cho trưng bày tại Tehran năm 2011

Các UAV Predator đã từng bị bắn rơi ở Balkan và Iraq còn máy bay không người lái tàng hình RQ-170 cũng đã từng bị Iran khống chế và thu giữ gần như nguyên vẹn vào năm 2011 và thậm chí sau này còn sử dụng công nghệ giải mã được để chế tạo UAV cho riêng mình.

"Tất nhiên, vẫn có một số trường hợp chúng có thể hoạt động ở các không phận được phòng thủ chặt chẽ nhưng nhìn chung là không. Đây là hệ thống mà nếu một bên nào đó muốn bắn hạ nó, họ hoàn toàn có khả năng thực hiện được", Michael O'Hanlon nhận xét.

Tuy nhiên, các máy bay không người lái của Mỹ vẫn chứng tỏ được vai trò đặc biệt quan trọng trong các chiến dịch chống khủng bố và phiến quân nổi dậy.

Quân đội Mỹ cũng thường xuyên sử dụng UAV để thu thập thông tin tình báo, theo dõi lực lượng đối phương, giám sát chiến trường và tấn công thời gian thực ở các quốc gia như Iraq và Afghanistan.

"Chúng thực sự phát huy giá trị khi theo dõi các mục tiêu cá nhân và mục tiêu di chuyển liên tục trong khoảng thời gian dài", chuyên gia Michael cho biết.

Sự việc chiếc UAV RO-4A bị bắn hạ cùng với các vụ tấn công tàu chở dầu mà Mỹ cáo buộc Iran là nước phải chịu trách nhiệm, đã đẩy quan hệ giữa hai nước lên một mức căng thẳng mới làm dấy lên những lo ngại xảy ra một cuộc xung đột khó kiểm soát.

Tổng thống Donald Trump đã thông qua quyết định trả đũa Iran và chỉ rút lại mệnh lệnh đúng 10 phút trước khi nó được thi hành. Washington hiện đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cùng một loạt chỉ huy quân sự cấp cao của nước này.

Iran công bố những hình ảnh đầu tiên về chiếc UAV của Mỹ bị bắn hạ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại