Những hình ảnh được công bố cho thấy, trực thăng AH-64E dành cho Indonesia đang trong một chuyến bay thử, nhưng không rõ đây có phải là một chuyến bay thử nghiệm và có do phi công người Indonesia điều khiển hay không.
Theo nhiều nguồn tin, các trực thăng AH-64E Indonesia đặt mua có thể có cấu hình tương đồng với phiên bản Qatar và Ấn Độ.
Để sở hữu 8 trực thăng AH-64E, Indonesia đã phải chi ra 1,42 tỷ USD, trong đó khoảng 500 triệu USD dành cho việc mua sắm máy bay, còn hơn 900 triệu USD cho gói hợp đồng mua 140 đạn tên lửa AGM-114R3 Hellfire II, động cơ dự phòng, trang bị điện tử đi kèm và dịch vụ hậu cần dành cho máy bay.
Quân đội Indonesia dự kiến sẽ sử dụng các máy bay AH-64E mới cho các nhiệm vụ chống cướp biển và tuần tra.
Được biết, trước tháng 10-2012, trực thăng tấn công AH-64E mang tên gọi khác là AH-64D Block III. Việc này là do thiết kế của AH-64D Block III có nhiều thay đổi trong kết cấu khung thân nên giới chức quân sự Mỹ đã cho nó mang tên hoàn toàn mới.
Sự khác biệt giữa phiên bản AH-64E so với các phiên bản máy bay trực thăng tấn công Apache trước đó là việc sử dụng cánh quạt chính mới làm bằng vật liệu composite cho phép giảm thiểu tiếng động phát ra.
Bên cạnh đó, phiên bản AH-64E còn được trang bị động cơ mới T700-GE-701D mạnh hơn và các trang thiết bị điện tử hàng không tân tiến nhất. Nhờ những nâng cấp mới này, AH-64E có khả năng điều khiển các máy bay không người lái (UAV) nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu.
Với khả năng đạt tốc độ tối đa lên tới 300km/h khi bay thấp, tầm hoạt động vào khoảng 1.900km, bản AH-64E chính là "mối hiểm họa" đối với bộ binh và các phương tiện cơ giới của đối phương trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm.
Trang bị vũ khí chính của máy bay AH-64E là một súng đại bác bắn nhanh 30mm điều khiển tích hợp qua mũ phi công, rocket Hydra 70. Tùy vào nhiệm vụ khác nhau, AH-64E có thể trang bị thêm tên lửa chống tăng có điều khiển AGM-114 Hellfire và các tên lửa "không đối không" AIM-92 Stinger hay AIM-9 Sidewinder.