IMF gửi phái bộ tới Nga, 9 nước hành động khẩn: Ông Putin tuyên bố rõ vị thế, chiến thắng về tay Moscow?

Tùng Chi |

IMF sẽ trở thành tổ chức quốc tế lớn đầu tiên gửi phái bộ chính thức tới Nga kể từ tháng 2/2022. Quyết định này khiến một loạt nước châu Âu kinh ngạc.

IMF công bố kế hoạch với Nga, EU kinh ngạc

Hãng tin Reuters (Anh) ngày 13/9 đưa tin, 9 quốc gia châu Âu đã lên tiếng phản đối việc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự định nối lại kế hoạch đưa phái bộ tới Nga.

Lý do mà các nước này đưa ra là: "Việc nối lại đối thoại với một quốc gia đang tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào một quốc gia khác sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của IMF" và trong trường hợp này còn "mang lại chiến thắng tuyên truyền cho [Tổng thống Nga Vladimir] Putin".

Trước đó, khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2/2022, IMF đã quyết định đình chỉ các cuộc tham vấn thường niên với Moscow. Nhiều quốc gia phương Tây đã nêu khả năng trục xuất Nga khỏi IMF, nhưng mục tiêu này gặp khó khăn do các thành viên có hạn ngạch bỏ phiếu lớn như Trung Quốc và Ấn Độ không đồng tình.

Tới ngày 2/9 năm nay, trả lời Reuters, Giám đốc điều hành IMF Aleksei Mozhin (người Nga) cho biết, Quỹ tiền tệ quốc tế sẽ khởi động lại các cuộc tham vấn trực tuyến với Moscow vào ngày 16/9 tới, đồng thời tiếp tục gửi phái bộ IMF tới Moscow để làm việc với các quan chức Nga cho tới ngày 1/10.

Với kế hoạch hiện tại, IMF sẽ trở thành tổ chức quốc tế lớn đầu tiên gửi phái bộ chính thức tới Nga kể từ tháng 2/2022.

Các nước EU lo ngại kế hoạch của IMF sẽ mang tới "chiến thắng tuyên truyền" cho ông Putin. Ảnh: Getty

Ngày 11/9, tại cuộc họp của các đặc phái viên Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Bỉ và Ba Lan, cũng như một số quốc gia Baltic và Bắc Âu, cho biết họ "đã rất ngạc nhiên trước quyết định của IMF".

Đại diện của Litva tiết lộ, nước này có kế hoạch gửi một lá thư cho Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva và hy vọng sẽ được một số thành viên EU cùng tham gia ký tên để bày tỏ mối quan ngại về một tiến trình trình dường như đang hướng tới bình thường hóa quan hệ với Moscow.

Bên cạnh đó, một số quốc gia trong EU dự định chất vấn trực tiếp bà Georgieva về kế hoạch hợp tác với Nga tại phiên họp của các Bộ trưởng tài chính EU và các thống đốc ngân hàng trung ương tổ chức ở Budapest hôm nay (14/9).

9 nước châu Âu gửi thư kiến nghị

Theo thông tin mà Reuters nắm được, bức thư kiến nghị của các nước EU hiện đã được gửi tới bà Georgieva.

Trong thư, các Bộ trưởng tài chính của 9 nước - bao gồm Litva, Latvia, Estonia, Phần Lan, Thụy Điển, Iceland, Đan Mạch, Na Uy và Ba Lan đã đồng loạt "bày tỏ sự phản đối quyết liệt đối với kế hoạch của IMF (dành cho Nga)".

Bức thư kiến nghị của 9 nước đã được gửi tới Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. Ảnh: Bloomberg

Theo Reuters, nội dung bức thư đề cập rằng, với tư cách là quốc gia phát động chiến dịch quân sự trước, Nga không thể được hưởng lợi từ sự cố vấn của IMF, và nếu IMF tiến hành kế hoạch nêu trên thì thiện chí của các quốc gia lâu nay tài trợ cho Ukraine thông qua sáng kiến của Quỹ sẽ suy giảm vì lòng tin đã bị tổn hại.

"IMF muốn đưa ra khuyến nghị gì cho Nga sau khi tham vấn? Làm thế nào để điều hành tốt hơn nền kinh tế chiến tranh ư?" – Một quan chức cấp cao châu Âu đặt câu hỏi – "Các nhà tài trợ (cho Ukraine) có thể chọn tổ chức khác như Ngân hàng thế giới hoặc Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu".

Cũng theo bức thư, bất cứ dữ liệu nào mà Nga cung cấp cho IMF đều sẽ bị Moscow sàng lọc trước để chứng minh nền kinh tế Nga đang phát triển tốt và chống lại được các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Do đó, đánh giá của IMF dựa trên những dữ liệu này sẽ không chính xác.

Ngoài ra, nội dung trong thư cho rằng Nga "có thể sử dụng kế hoạch của IMF cho mục đích tuyên truyền riêng", từ đó mang lại "chiến thắng tuyên truyền" cho Tổng thống Putin, trong khi làm tổn hại đến danh tiếng của Quỹ.

"Vì những lý do đó, chúng tôi kêu gọi IMF không nối lại hợp tác với Nga, tiếp tục tuân thủ các tôn chỉ và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ)" – Các Bộ trưởng tài chính 9 nước nêu rõ.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các tổ chức tài chính quốc tế, bao gồm cả IMF và ban quản lý của IMF, tiếp tục kiềm chế các hoạt động liên quan đến Nga và không nối lại đối thoại chừng nào Nga vẫn tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine".

IMF nêu rõ lập trường, ông Putin

tuyên bố về vị thế kinh tế Nga

Về phần mình, IMF ngày 12/9 tuyên bố, việc tổ chức các cuộc tham vấn như vậy hàng năm là nghĩa vụ của cả IMF và các quốc gia thành viên, trong đó có Nga.

Giám đốc bộ phận truyền thông của IMF Julie Kozak cho biết, quyết định của Quỹ về việc tổ chức tham vấn với chính quyền Nga có liên quan tới sự ổn định kinh tế mà Moscow đã đạt được.

Trước đó, tình hình kinh tế tại Nga trong tình trạng "không ổn định", đặc biệt là khi xét tới cả khía cạnh chính trị. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế ổn định, các cuộc tham vấn được tiếp tục.

Bà Kozak tiết lộ, trong chuyến thăm của phái bộ IMF tới Nga, các cuộc họp với "nhiều bên quan tâm khác nhau" đã được lên kế hoạch. Tuy nhiên, bà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Từ trái sang: Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính tại EEF 2024. Ảnh: Sputnik

Trên thực tế, thông tin về việc IMF gửi phái bộ tới Nga đã được công bố từ ngày 3/9. Hai ngày sau, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ IX (EEF 2024) tại Vladivostok, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, nền kinh tế Nga hiện đã đứng thứ 4 trên thế giới.

Nhà lãnh đạo Nga chỉ ra rằng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong nửa đầu năm 2024 đạt 4,6% và kỳ vọng GDP cả năm sẽ vượt qua mức tăng trưởng của cả năm 2023.

Kỳ vọng này dựa trên những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Nga, chẳng hạn như lạm phát có xu hướng đi xuống, mặc dù tỷ lệ lạm phát gần đây vượt 9%, so với mức mục tiêu là 4%.

Trong nỗ lực nhằm cải thiện tình hình và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Nga đã quyết định tăng lãi suất cơ bản và hủy bỏ một số chương trình thế chấp ưu đãi. Quyết định tăng lãi suất nói trên là nhằm duy trì sự ổn định tài chính và ngăn chặn việc tăng giá không kiểm soát.

Đề cập tới kế hoạch của IMF, tờ Topcor (Nga) ngày 13/9 khẳng định, "kế hoạch của phương Tây nhằm cô lập Nga đã thất bại", khi Moscow không chỉ đón tín hiệu tích cực từ IMF mà còn chuẩn bị đón lãnh đạo từ 15 quốc gia tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Kazan vào tháng 10 này.

Theo tờ báo Nga, trong ngày 12/9, Tổng thống Putin đã có cuộc gặp với đại diện các nước BRICS ở St. Petersburg. Nhà lãnh đạo Nga tiết lộ, hiện đang có 34 quốc gia bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS.

Bình luận riêng về kế hoạch của IMF, ông Vladimir Olenchenko - nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu (Nga) cho rằng, việc IMF cử phái bộ tới Nga sẽ cho phép Moscow có cơ hội bày tỏ mong muốn của mình, đồng thời cho thấy rõ các hạn chế nhằm vào Nga đang "làm méo mó" nền kinh tế toàn cầu ở mức độ lớn hơn.

Hồi đầu năm nay, hãng tin Sputnik (Nga) dẫn lời ông Tiberio Graziani - Chủ tịch Viện phân tích toàn cầu quốc tế Vision & Global Trends cho biết, khả năng phục hồi của kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt và áp lực toàn cầu đã làm hình thành một thuật ngữ gọi là "Hiện tượng Nga" (Russian Phenomenon).

Các chiến lược kinh tế của Nga trong BRICS và tại khu vực Nam bán cầu là những yếu tố then chốt góp phần làm nên hiện tượng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại