Idlib – chảo lửa nhắc nhở cuộc chiến Syria chưa có hồi kết

Thu Hằng |

Trong lúc mọi sự chú ý của thế giới dường như đang dồn cả vào dịch dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV), thì chảo lửa âm ỉ ở Idlib, Syria, đã bùng cháy trở lại. Cuộc khủng hoảng Idlib là một lời nhắc nhở rằng cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm ở Syria vẫn chưa kết thúc, mà còn có nguy cơ trầm trọng hơn.

Idlib – chảo lửa nhắc nhở cuộc chiến Syria chưa có hồi kết - Ảnh 1.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ được đưa qua biên giới với Syria ngày 9/2 (Ảnh: Reuters).

Idlib, tỉnh nằm ở Tây Bắc Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi còn tồn tại vùng lãnh thổ cuối cùng bị phiến quân kiểm soát tại Syria, cũng là nơi mà lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad đang tìm cách giành lại quyền kiểm soát.

Ở phía bên kia biên giới, Thổ Nhĩ Kỳ - bên ủng hộ cho phiến quân chống Chính phủ của Tổng thống Assad - đã huy động lực lượng ngăn cản chiến dịch của Damascus.

Trong những ngày gần đây, căng thẳng đã bùng phát thành bạo lực. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 10/2 cho biết 7 binh lính nước này và một thường dân đã thiệt mạng trong trận pháo kích của quân đội Syria.

Đáp lại, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ phát động một chiến dịch quân sự, “vô hiệu hóa” 76 binh lính Syria. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảnh báo sẽ hành động nặng tay hơn nếu quân đội Syria không thoái lui khỏi các tiền đồn của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.

Nếu không, “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải ra tay giải quyết vấn đề”, ông Erdogan tuyên bố trước quốc hội ở Ankara.

Idlib – chảo lửa nhắc nhở cuộc chiến Syria chưa có hồi kết - Ảnh 2.

Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tiến qua thị trấn Dana, phía Đông tỉnh Idlib, Syria. Ảnh: AFP/Getty Images

Như vậy suốt tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Syria đã không còn xung đột qua các lực lượng ủy nhiệm, mà chuyển sang tấn công trực diện nhằm vào nhau.

Thông thường diễn biến này sẽ kéo Moskva – lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria, và các thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) vào cuộc để đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn.

Tuy nhiên, theo tờ Guardian (Anh), phái đoàn Nga tới Ankara đàm phán thỏa thuận ngừng hoạt động thù địch được cho là đã phải ra về hôm 10/2 mà không đạt được tiến bộ nào.

Thay vào đó, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan còn cảnh báo nguy cơ máy bay chiến đấu Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đụng độ trên bầu trời Idlib.

Ông tuyên bố máy bay Nga tham chiến ở Idlib sẽ “không thể bay tự do nữa”, đồng thời đe dọa sẽ tấn công đánh bật lực lượng chính phủ Syria ra khỏi Idlib.

“Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm nay đã ở trong tình trạng chiến tranh không tuyên chiến”, tờ Al Monitor viết.

Idlib – chảo lửa nhắc nhở cuộc chiến Syria chưa có hồi kết - Ảnh 3.

Xác máy bay trực thăng của quân đội Syria bị bắn rơi ở tỉnh Idlib ngày 11/2. Ảnh: AP

Lúc này, cuộc xung đột kéo dài 9 năm ở Syria, vốn đã trải qua hầu như mọi tình huống bạo lực, sẽ phải đương đầu với những hậu quả chưa thể biết trước khi một quốc gia đối đầu công khai với một cường quốc khu vực khác, và một chương mới đầy rắc rối có thể đã được báo trước.

Chắc chắn xung đột Syria – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một cuộc xáo trộn địa chính trị lớn trong khu vực. Tổng thống Assad của Syria là một đồng minh của Iran, và chiến dịch tấn công của Damascus ở Ilib đang có sự hậu thuẫn của không lực Nga, sẽ đặt mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với cả Tehran lẫn Moskva cùng đứng trước căng thẳng.

Tiếp đó là một sự thật không dễ chịu khác. Thổ Nhĩ Kỳ là chủ nhà của các căn cứ quân sự Mỹ, nơi chứa ước tính 50 quả bom hạt nhân, nằm cách biên giới Syria chỉ 400km.

Họ cũng là một thành viên của NATO, đồng nghĩa đã nhận được cam kết bảo vệ từ Mỹ, Canada và nhiều cường quốc châu Âu.

Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất cho đến lúc này là hàng trăm ngàn thường dân Idlib, những người đang đối mặt với nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Cuộc chiến Syria đã kéo dài gần một thập kỷ qua với nhiều mất mát, đau thương, và lúc này một cuộc trốn chạy khỏi Idlib lại bắt đầu làm khổ người dân vô tội.

Idlib – chảo lửa nhắc nhở cuộc chiến Syria chưa có hồi kết - Ảnh 5.

Những đoàn xe chở người đi sơ tán nối đuôi nhau ở phía Bắc Idlib ngày 30/1 (Ảnh: Reuters).

Idlib là vết thương lớn cuối cùng của cuộc chiến Syria. Theo tờ Washington Post, có tới 4 triệu thường dân mắc kẹt trong một khu vực nhỏ, đang bị các phiến quân cực đoan trung thành với al Qaeda xâm nhập và cố thủ.

Trong khi đó, các lực lượng của Moskva và Damascus đang tìm cách giành lại quyền kiểm soát Idlib với nhiều cuộc dội bom nhằm vào các mục tiêu phiến quân.

Các tổ chức nhân quyền cho rằng, ít nhất 150.000 người đã bỏ chạy khỏi nhà cửa của mình ở Idlib chỉ trong hai tuần qua, nâng tổng số người phải chạy tị nạn kể từ tháng 12/2019 lên hơn nửa triệu người. Nhiều đoạn video từ khu vực đã cho thấy cảnh hỗn loạn giao thông của dòng người tháo chạy khỏi những khu vực bị oanh tạc.

Tình cảnh tuyệt vọng này là có thể hiểu được. Trong suốt cuộc chiến, Idlib trở thành mảnh đất bị oanh tạc bởi các bên tham chiến, và nhiều thường dân đã thiệt mạng trong làn bom đạn.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, trên 5,6 triệu tị nạn đã phải rời bỏ Syria kể từ khi cuộc chiến tranh bắt đầu và Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi trú ẩn của hàng triệu người tị nạn. Các trại tị nạn và khu định cư lúc này đã quá tải. Mưa tuyết và nhiệt độ xuống sâu dưới 0 độ đang có nguy cơ gây ra một thảm kịch nhân đạo với dòng người tị nạn Syria - những người vẫn đang mỏi mòn chưa biết bao giờ mới có thể trở lại quê hương.

Video dòng người tháo chạy khỏi Idlib vì lo sợ xung đột bạo lực (Nguồn: France24)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại