Chân dung của "người khổng lồ" R-36M/M2 Satan có thể hình dung với tổng trọng lượng khi đủ tải khoảng 360 tấn, khối lượng đầu đạn chuyên chở khoảng gần 9 tấn và tầm bắn tối đa ước đạt 16.000 km. Đây chính là dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lớn nhất thế giới từng được con người chế tạo.
Nó thực sự là con quái vật có sức tàn phá khủng khiếp đúng với tên gọi: Quỷ Satan (chúa quỷ trong Kinh Thánh).
Một trong những yếu tố giúp ICBM R-36M/M2 Satan có được những thông số khủng trên là nhờ việc sử dụng nhiên liệu lỏng, có thể kiểm soát được lực đẩy. Kết cấu của hệ thống đẩy nhiên liệu lỏng dù có phức tạp, nhưng lại mang lại hiệu năng mạnh mẽ hơn nhiều so với ICBM sử dụng nhiên liệu rắn.
Xứng danh vũ khí hủy diệt mang tên "quỷ Satan"
Thời chiến tranh Lạnh, việc Mỹ tập trung phát triển công nghệ nâng cao khả năng sống sót của ICBM chiến lược nhằm bảo toàn lực lượng trong chiến tranh hạt nhân toàn diện và tung đòn trả đũa thông qua các giếng phóng ICBM kiên cố đã buộc Liên Xô phải phát triển thế hệ vũ khí hạt nhân có thể đe dọa sự tồn tại của các bệ phóng ICBM Peacekeeper và Minuteman của Mỹ.
Điểm đặc biệt là các giếng phóng cố định được gia cường bằng bê tông và nằm sâu dưới lòng đất rất khó bị phá hủy bằng các loại đầu đạn hạt nhân xuyên phá thông thường.
Viện thiết kế Yuzhnoye (thành phố Dnepropetrosk, Ukraine) dưới sự chỉ đạo của Tổng công trình sư V. Utkin đã phát triển thế hệ ICBM nhiên liệu lỏng mới với tên mã R-36M từ đầu năm 1970 tới tháng 12-1975. ICBM mới đã đủ điều kiện thay thế tên lửa R-36 cũ với nhiều tính năng vượt trội.
Kích cỡ khổng lồ củaICBM Satan
Sự xuất hiện của R-36M/M2 đã làm cho Mỹ kinh ngạc. Các chuyên gia Mỹ đánh giá khả năng tàn phá do ICBM R-36M/M2 tạo ra đủ để phá hủy mọi giếng phóng ICBM Peacekeeper và Minuteman được xây dựng kiên cố nhất chỉ bằng một đòn tấn công duy nhất.
Trong cơ cấu lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, ICBM sử dụng nhiên liệu rắn là vũ khí tấn công phủ đầu thường đặt trên các bệ phóng di động đảm bảo khả năng sống sót cao và thời gian chuyển trạng thái ngắn. Điển hình là các dòng ICBM Topol.
Trong khi đó, ICBM nhiên liệu lỏng đặt trong giếng phóng cố định chính là nắm đấm thép hủy diệt đối phương trong chiến tranh hạt nhân. Chính vì sức mạnh kinh hoàng của dòng ICBM R-36M/M2 tạo ra, Mỹ và NATO đã đặt biệt danh của dòng tên lửa này là Satan.
ICBM uy lực nhất thế giới
Thiết kế của R-36M/M2 là ICBM có kết cấu 2 tầng phóng sử dụng nhiên liệu lỏng kết hợp giữa N2O4 và UDMH. Thiết kế động cơ và khoang chứa nhiên liệu mới cho phép ICBM khổng lồ này mang được 188 tấn nhiên liệu và khối lượng đầu đạn chở theo tới 8,8 tấn (R-36 chỉ là 5,5 tấn).
Thiết kế mới cũng cho phép tên lửa lưu trữ nhiên liệu lâu hơn với việc duy trì trạng thái chiến đấu 10-15 năm trước khi cần kiểm tra và tuổi thọ có thể đạt 25 năm.
Nguyên mẫu ICBM R-36M2 được phóng thử lần đầu vào tháng 2-1973 và được tiếp nhận vào trang bị vào ngày 30-12-1975. R-36M có tới 6 biến thể (từ Mod-1 tới Mod-5) với sự khác biệt chủ yếu ở trang bị nhiều loại đầu đạn khác nhau.
Ở phiên bản gốc, R-36M mang đầu đạn hạt nhân đơn có sức công phá từ 20-25 Megatone (1 Megatone tương đương 1 triệu tấn thuốc nổ TNT) với tầm bắn đạt 11.200 km; đầu đạn đơn khối nhỏ 8 Megatone với tầm bắn 16.000 km hoặc 10 đầu đạn tự cơ động quỹ đạo MIRV với sức công phá mỗi đầu đạn đạt 400 Kilotone hay 10 đầu đạn hỗn hợp.
R-36M (SS-18 Satan) được xếp vào loại ICBM nặng nhất và mạnh nhất thế giới
Sức mạnh của đầu nổ 20 Megatone của R-36M2 được đánh giá gấp 500 lần quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Đầu đạn đơn nhân cỡ lớn của R-36M2 ngoài mục đích sát thương trực tiếp, còn có thể sử dụng như vũ khí điện từ (EMP) khi cho nổ ở độ cao lớn.
Những vụ nổ hạt nhân ở độ cao lớn có thể gây mất điện diện rộng và ô nhiễm bụi hạt nhân trên lãnh thổ đối phương.
Điểm khác biệt nữa của R-36M2 là việc sử dụng chung giếng phóng với ICBM R-36, nhưng giếng sâu được xây dựng kiên cố và sâu hơn để nâng cao khả năng sống sót nếu bị tấn công phủ đầu.
ICBM R-36M2 sử dụng phương thức phóng nguội. Đạn tên lửa được bảo quản trong thùng vận tải – phóng, lắp trong hầm phóng được nạp nhiên liệu ở trạng thái trực chiến thời gian dài.
Cơ chế phóng được thực hiện hoàn toàn tự động. Các tham số quan trọng nhất của tên lửa đều được mã hóa và kiểm soát thường xuyên để tăng cường độ tin cậy khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
R-36M2 tương tự như các dòng ICBM sử dụng hệ thống dẫn đường hỗn hợp tự động quán tính ở pha đầu, nhưng được hiệu chỉnh pha giữa thông qua máy tính đạn đạo kết nối với trung tâm chỉ huy mặt đất và đối chiếu bản đồ hình sao.
Sau khi đưa khối đầu đạn tới ngoại vi khí quyển Trái đất, các đầu đạn sẽ hồi quyển với tốc độ vũ trụ cấp 1 (Mach 20) và hầu như không thể ngăn chặn.
Các chuyên gia quân sự Nga cho biết, sai số đồng tâm (CEP) của ICBM R-36M2 vào khoảng 500 m, còn theo phương Tây, con số này là 260 m.
Điều này có thể hình dung, khó có vật thể hay căn cứ ngầm nào có thể sống sót với đòn tấn công trực tiếp của đầu đạn hạt nhân nặng do R-36M2 mang theo ở khoảng cách như vậy.
Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga hiện còn duy trì từ 55 đến 80 bệ phóng R-36M2 và chúng đang được thay thế dần bằng dòng ICBM thế hệ mới RS-28 Sarmat.
Video giới thiệu sức mạnh của ICBM R-36M (SS-18 Satan)