Trong khi liên quân do Mỹ đứng đầu "im hơi lặng tiếng", đêm qua sân bay quốc tế Damascus và một căn cứ của Không quân Syria bất ngờ bị tấn công. Theo các nguồn tin, "tác giả" cuộc không kích là Không quân Israel.
Hãng thông tấn SANA cho hay, các đơn vị phòng không Syria đã đánh trả quyết liệt và "bắn hạ một số tên lửa". Dù vậy, lực lượng này cũng hứng chịu không ít thiệt hại.
Đáng chú ý, theo các nhà hoạt động ủng hộ chính phủ Syria, ít nhất một hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-200 đã bị Israel phá hủy.
Hiện vẫn chưa rõ thương vong chi tiết của cả hai phía, tuy vậy việc để mất một hệ thống S-200 là một thất bại "nặng nề" với lực lượng phòng không bảo vệ Damascus nói riêng và Quân đội Syria nói chung.
Dẫu biết rằng, thiệt hại là khó tránh khỏi với bất kỳ loại vũ khí mặt đất nào trước một cuộc tập kích đường không. Thế nhưng, S-200 là loại tên lửa chủ lực bảo vệ "trái tim" Damascus. Nó cũng được coi là tên lửa số 1 của phòng không Syria với tầm bắn 240km.
Vậy vì sao S-200 lại thất bại chóng váng, do tính năng tên lửa hay do con người?
To, nặng, bay xa nên "không thích" đánh nhanh, gần
S-200 (NATO định danh là SA-5 Gammon) là hệ thống tên lửa đất đối không được thiết kế từ những năm 1960 với vai trò đối phó một cuộc tập kích đường không quy mô lớn bằng máy bay ném bom chiến lược và các chiến đấu cơ khác.
Nó được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ kèm thông số kỹ thuật ấn tượng. Ví dụ như đạn tên lửa lắp đầu tự dẫn radar bán chủ động, tầm bắn từ 180km cho tới 400km (tùy phiên bản).
Dù trải qua hơn nửa thế kỷ, ngày nay Mỹ và các quốc gia đồng minh cũng chưa bao giờ dám đánh giá thấp khả năng của S-200. Nó hoàn toàn đủ sức đe dọa các máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất, miễn là phát hiện được mục tiêu.
Hình vẽ trận địa đồ sộ tên lửa S-200 với radar điều khiển nằm ở trung tâm, bố trí xung quanh là các bệ phóng với 6 quả đạn.
Tuy nhiên, thời gian cũng là "kẻ thù của S-200", không ít tính năng của nó lỗi thời mà không thể khắc phục khiến "kẻ đi săn" thành "kẻ bị săn".
Đầu tiên, S-200 không thể chiến đấu theo chiến thuật "đánh nhanh, rút gọn". Bởi nó được thiết kế theo kiểu cố định – radar, bệ phóng đều bố trí cố định trên mặt đất. Việc triển khai và thu hồi mất nhiều giờ, thậm chí là cả ngày.
Mà trong chiến tranh hiện đại, các hệ thống tên lửa bố trí cố định, không dễ thu hồi thường là "miếng mồi ngon" cho máy bay chiến đấu của địch. Một khi bị lộ, S-200 bất lực hoàn toàn khi không thể "né tránh, ẩn núp" như các loại tên lửa cơ động.
Thứ hai, điểm yếu lớn nhất của S-200 lại tới từ chính ưu điểm – bắn xa, bắn cao. Đạn 5V28E của hệ thống S-200VE mà Syria đang sử dụng đạt tầm bắn lên tới 240km, đạt độ cao tới 30-40km. Thông số này thừa sức để "quật ngã" B-52 hay thậm chí là B-2 Spirit.
Vấn đề là tầm bắn và độ cao tối thiểu hạ mục tiêu của S-200VE theo AusAirpower lên tới 17km và 300m. Nghĩa là, với các mục tiêu sau 17km thì đạn S-200 mới hiệu dụng, trong khi với mục tiêu cách 16km đổ lại thì S-200 vô dụng. Tương tự, với các mục tiêu bay dưới 300m thì vô tư "dạo chơi" trên đầu S-200.
Bên cạnh đó, "rồng lửa S-200" cũng rất to và nặng, như đạn 5V28E có trọng lượng tới hơn 7 tấn, dài 10,8m, kết cấu động cơ đồ sộ. Điều này ảnh hưởng tới khả năng cơ động khi phải đối phó với mục tiêu nhanh nhẹn, cơ động, bay cực thấp như tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu chiến thuật hay UAV.
Rõ ràng, S-200 không phải là thứ vũ khí dành cho trận "đánh nhanh, đánh gần, đánh thấp". Thậm chí, nó cần phải được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không tầm thấp, tầm trung. Đáng tiếc, trong đêm qua, các "chiến sĩ bảo vệ" S-200 đã có một trận đánh tồi.
Thành tích bết bát, bắn nhầm máy bay chở khách
Ngoài yếu tố về tính năng kỹ thuật, con người cũng có một phần trách nhiệm với thất bại này. Kể từ khi gia nhập Quân đội Syria khoảng giữa những năm 1980, thực tế là các binh sĩ nước này sử dụng không thành công S-200.
Tên lửa S-200 khai hỏa.
Trong giai đoạn 2015-2017, liên tiếp xảy ra các vụ đụng độ giữa S-200 với các máy bay Israel. Mặc dù Syria từng tuyên bố nhiều lấn bắn hạ được máy bay chiến đấu Israel trong các vụ vào tháng 12/2016 hay tháng 3/2017 nhưng đều không có bằng chứng.
Lần duy nhất Syria giành chiến thắng và được công nhận là vào ngày 10/2/2018. Tên lửa S-200 đã bắn rơi một máy bay chiến đấu F-16I Sufa, hai phi công may mắn sống sót.
Còn trận đánh ngày 16/10/2017, ít nhất một đài điều khiển 5N62 S-200 Syria đã bị máy bay Israel "hạ đo ván" bằng 4 quả bom.
Thực tế, nếu soi cả hồ sơ tham chiến của S-200 thì cũng khó trách Syria bởi nhiều quốc gia khác cũng không sử dụng S-200 hiệu quả.
Ngay một quốc gia thuộc Liên Xô (cũ), hiểu tường tận S-200 mà còn bắn nhầm máy bay chở khách.
Ngày 4/10/2001, Quân đội Ukraine trong quá trình tập trận với tên lửa S-200 đã bắn nhầm máy bay chở khách Tu-154 của Nga. Vụ tấn công nhầm lẫn tai hại khiến 78 người thiệt mạng.
Hay như ở Libya, ngày 25/3/1983, lực lượng phòng không nước này bắn 2 quả đạn S-200 nhắm vào các máy bay Mỹ trên vịnh Sidra nhưng trượt mục tiêu. Đáp trả, máy bay A-7 cất cánh từ tàu sân bay USS Saratoga (CV-60) đã phá hủy radar điều khiển S-200 bằng tên lửa AGM-88.
Hệ thống tên lửa phòng không S-200 chiến đấu