Hồng Kông có thể trả giá đắt?

Cao Lực |

Phe phản đối tuyên bố tiếp tục biểu tình cho đến khi chính quyền Hồng Kông rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

Chính quyền Hồng Kông hôm 12-6 cho biết phiên tranh luận về dự luật dẫn độ gây tranh cãi buộc phải hoãn sau khi hàng chục ngàn người biểu tình bao vây Hội đồng Lập pháp, chặn các tuyến đường lớn dẫn vào khu vực trung tâm.

Cùng ngày, ông Jimmy Sham, một trong những người đứng ra tổ chức biểu tình, tuyên bố sẽ không dừng lại cho đến khi Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga rút lại dự luật nói trên. Phe biểu tình cũng khẳng định sẽ không "rút lui", bất chấp thông báo hoãn tranh luận trên.

Trước đó, bà Lâm tuyên bố sẽ không bãi bỏ hay sửa đổi dự luật cho phép nghi phạm bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, cũng như các vùng lãnh thổ mà Hồng Kông hiện không có thỏa thuận dẫn độ chính thức. "Bà Lâm đã đánh giá thấp chúng tôi. Chúng tôi sẽ không để bà ấy thông qua dự luật này" - một người biểu tình khẳng định với Reuters.

Bạo lực đã bùng phát khi cảnh sát dùng dùi cui, vòi rồng nhằm vào những người biểu tình quá khích, khiến ít nhất 22 người bị thương. Tình hình căng thẳng đã tác động đến thị trường tài chính địa phương khi chỉ số Hang Seng giảm 1,7% trong ngày 12-6.

Lo ngại về dự luật dẫn độ đã gia tăng trong những tuần qua và theo Reuters, các thẩm phán cấp cao của Hồng Kông đã bày tỏ lo ngại về việc người dân đặc khu hành chính này có nguy cơ đối mặt những cáo buộc không rõ ràng hoặc bị xét xử thiếu công bằng ở Trung Quốc nếu dự luật được thông qua. Nhiều nhóm luật sư Hồng Kông cũng kiến nghị chính quyền hoãn dự luật.

Dù vậy, bà Lâm cùng với những quan chức thân cận vẫn quyết tâm thông qua dự luật, viện dẫn vụ việc một phụ nữ Hồng Kông bị bạn trai sát hại khi đang du lịch Đài Loan hồi năm ngoái.

Theo cảnh sát, bạn trai của nạn nhân đã quay về Hồng Kông để tránh bị truy tố ở Đài Loan và y đang ngồi tù vì các tội danh liên quan đến rửa tiền. Bà Lâm nhấn mạnh việc thông qua dự luật là điều cần thiết để bịt kín những lỗ hổng pháp lý trong hệ thống tư pháp hiện tại.

Bà Tammy Tam, cây bút của báo South China Morning Post, nhận định rằng các cuộc biểu tình quy mô lớn là chưa đủ để buộc chính quyền Hồng Kông hủy dự luật và dự luật sẽ được thông qua trong hè này.

Dù vậy, bà Tam cảnh báo Hồng Kông có thể trả giá đắt khi thông qua dự luật, đặc biệt là nó dính dáng đến yếu tố Trung Quốc - Đài Loan và xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm khi thương chiến Mỹ - Trung đang leo thang căng thẳng.

Bắc Kinh hôm 12-6 tiếp tục tuyên bố ủng hộ thông qua dự luật dẫn độ dù bác bỏ thông tin lực lượng an ninh từ Trung Quốc có thể được điều đến Hồng Kông. Động thái này dường như nhằm phát đi một thông điệp rất rõ ràng và mạnh mẽ: Trung Quốc không chấp nhận nỗ lực ngăn chặn dự luật, đặc biệt là sau khi Mỹ lên tiếng về vụ việc.

Trung Quốc hôm 11-6 chỉ trích Mỹ vì đưa ra những nhận xét "vô trách nhiệm", đồng thời cáo buộc Washington can thiệp vào công việc nội bộ của mình. Theo bà Tam, với tất cả những tranh cãi về dự luật và sự khó lường trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, chính quyền Hồng Kông rất dễ "gây ra những cơn bão chính trị lớn hơn" nếu không sử dụng luật dẫn độ cẩn trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại