Hơn 62% người lao động luôn muốn làm thêm để tăng thu nhập

Hà Ngọc |

Sáng 29.7, Tổng LĐLĐVN phối hợp với Tổng CĐ Na Uy tổ chức Hội thảo cơ sở lý luận và thực tiễn xác định mức lương tối thiểu (LTT) vùng ở Việt Nam. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Mai Đức Chính chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đã được nghe các tham luận của các nhà khoa học đến từ những trung tâm nghiên cứu, các trường ĐH; các đại biểu từ các địa phương… bàn về cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xác định mức LTT vùng ở Việt Nam.

Theo ông Mai Đức Chính, Tổng LĐLĐVN sẽ tập hợp ý kiến trong buổi hội thảo, phản ánh lại cơ quan chức năng, nhất là với Hội đồng tiền lương quốc gia.

Theo đó, quan trọng nhất là các bên liên quan trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần thống nhất về các tiêu chí nhằm xác định nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ, từ đó có cơ sở thương lượng điều chỉnh tiền LTT vùng.

Hiện một số tiêu chí để tính mức tăng LTT vùng do Tổng LĐLĐVN (đại diện người lao động) và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (đại diện người sử dụng lao động) còn chênh nhau.

Tại Hội thảo, Tổng LĐLĐ thông tin về kết quả khảo sát điều tra tiền lương, thu nhập đời sống của NLĐ trong năm 2016. Khảo sát này được Tổng LĐLĐVN giao cho Viện CN CĐ và Ban QHLĐ tiến hành.

Khảo sát được tiến hành tại 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương, gồm doanh nghiệp cổ phần hóa, công ty TNHH một thành viên vốn nhà nước; doanh nghiệp cổ phần tư nhân; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thuộc các ngành nghề dệt may, giày da, giao thông, xây dựng, điện tử, cơ khí, chế biến nông, lâm thủy hải sản, tại 9 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ, Quảng Nam, Đắk Nông, tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hậu Giang.

Kết quả khảo sát tại 59 doanh nghiệp (thiếu 1 DN) cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng việc tăng mức tiền lương tối thiểu năm 2016 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và sẽ chấp hành tốt khi nhà nước công bố mức lương tối thiểu năm 2017.

Tại các cuộc tọa đàm, 61,7% ý kiến đại biểu đánh giá mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là phù hợp; 32,6% đại biểu cho biết mức tăng còn thấp so với nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhìn chung, mức lương cơ bản của NLĐ tại các doanh nghiệp khảo sát đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định năm 2016 từ 33 – 44%. Tuy vậy, mức lương cơ bản của NLĐ còn thấp, tỷ lệ hưởng kề cận với mức lương tối thiểu vùng tương đối lớn.

Ngoài tiền lương cơ bản, NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp.

Đối với tiền làm thêm giờ, có 75,5% NLĐ trực tiếp trả lời có tiền làm thêm giờ (vùng I chiếm 86,8%; vùng II chiếm 71,9%; vùng III là 68,2%; vùng IV là 63,7%), trung bình mỗi người 29,2 giờ/tháng, trong đó có 20,0% lao động sản xuất trực tiếp phải làm thêm trung bình 30 giờ/tháng.

Với số tiền làm thêm giờ đã được nhân với hệ số theo quy định, trung bình là 939 ngàn đồng/tháng.

Ngoài tiền làm thêm giờ có số tiền và tỷ lệ người được hưởng cao, thì các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác (8 khoản) có tỷ lệ người được hưởng và số tiền không nhiều, tính trung bình (gia quyền) mỗi người được hưởng 1,2 lượt, với số tiền 240 ngàn đồng/lượt.

Dó đó, mức tăng thêm từ các khoản phụ cấp, hỗ trợ này mỗi người chỉ đạt khoảng 300 ngàn đồng một tháng.

So sánh thu nhập với chi tiêu của gia đình NLĐ, kết quả: có 14,2% NLĐ trả lời “không đủ sống”; 37,8% phải chi tiêu “tằn tiện và kham khổ”; 33,8% “vừa đủ” trang trải; chỉ có 14,2% “có dư dật và tích luỹ”.

So với kết quả khảo sát năm 2015 đời sống của NLĐ được cải thiện hơn: số trả lời “không đủ sống” giảm 5,7% và tỷ lệ “có tích lũy” đã tăng lên 6,2%; tỷ lệ đủ sống và phải chi tiêu tằn tiện ít được cải thiện.

Thực tế đời sống NLĐ gặp nhiều khó khăn, nên họ luôn mong muốn được làm thêm giờ. Kết quả khảo sát, có tới 62,3% NLĐ cho biết luôn muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tỷ lệ này ở vùng I cao nhất, chiếm 69,7%.

Theo kết quả khảo sát, trong quá trình triển khai thực hiện điều chỉnh LTT vùng năm 2016, vẫn còn một số doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định, chưa điều chỉnh kịp thời và không công khai, minh bạch, giảm chi phí thưởng, phụ cấp...

Kết quả khảo sát, có 5% số NLĐ cho biết họ bị cắt giảm một số trợ cấp khi doanh nghiệp điều chỉnh lương tối thiểu.

Trong số 133 cuộc đình công ngừng việc tập thể 5 tháng đầu năm 2016, tại các DN FDI chiếm 73,6% số cuộc; khoảng 80,0% số cuộc đình công có nguyên nhân liên quan đến tiền lương và lương tối thiểu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại