Hội nghị BRICS: Hành trình "xây dựng trật tự thế giới mới" như Trung Quốc muốn còn xa vời

Đại sứ Trần Đức Mậu |

BRICS đã định hình và thoả thuận nhiều dự án hợp tác lớn nhưng việc triển khai thực hiện cụ thể lại rất trì trệ và khó khăn.

Nhìn vào nội dung của tuyên bố chung và 4 văn kiện được ký kết thì không thể không công nhận là hội nghị cấp cao lần thứ 9 của nhóm BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - tổ chức tại Hạ Môn (Trung Quốc) rất thành công.

Nhìn vào những hoạt động ngoại giao song phương giữa các thành viên của nhóm bên lề hội nghị cấp cao thì không thể không nhận thấy sự kiện này có giá trị như thế nào đối với họ.

Nhưng nếu nhìn vào mục tiêu phát triển mà Trung Quốc trong tư cách nước chủ nhà nêu ra cho BRICS là "xây dựng trật tự thế giới mới" thì cũng lại không thể không thấy rằng mục tiêu ấy không chỉ vẫn còn rất xa vời, mà chưa ai dám chắc liệu BRICS rồi có đạt được nó hay không.

Hội nghị BRICS: Hành trình xây dựng trật tự thế giới mới như Trung Quốc muốn còn xa vời - Ảnh 1.

Đã có thời nhóm này nhận được sự coi trọng và tin tưởng đặc biệt về vai trò và ảnh hưởng đối với chính trị thế giới.

Trong những năm qua, khi các nền công nghiệp phát triển trên thế giới gặp khó khăn lớn về tăng trưởng kinh tế, sa lầy trong khủng hoảng tài chính và nợ công thì các nền kinh tế thành viên của BRICS vẫn đạt được mức độ tăng trưởng năng động và ấn tượng.

Hội nghị BRICS: Hành trình xây dựng trật tự thế giới mới như Trung Quốc muốn còn xa vời - Ảnh 2.

Khi các tổ chức hợp tác và liên kết khu vực cũng như châu lục trì trệ bởi phân rẽ nội bộ và ly tâm thì BRICS tiếp tục phát triển và tăng cường thể chế hoá.

Nhưng hiện tại, BRICS không còn được như thế nữa. Thành viên nào cũng gặp khó khăn cả về chính trị nội bộ lẫn tăng trưởng kinh tế.

Trung Quốc với Ấn Độ dẫu có bằng mặt thì cũng chưa thật bằng lòng. Cả Nga lẫn Trung Quốc hiện đều phải đối phó với nước Mỹ ở thời chính quyền mới. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Tổng thống Brazil Michel Termer đều bị thách thức quyền lực và gặp bê bối tai tiếng ở trong nước.

Ngoài Ấn Độ, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của tất cả các thành viên khác của nhóm đều suy giảm. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới tham dự hội nghị cấp cao hoàn toàn không có nghĩa là Trung Quốc và Ấn Độ đã giải quyết ổn thoả chuyện trên cao nguyên Doklam và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai bên.

BRICS đã định hình và thoả thuận nhiều dự án hợp tác lớn nhưng việc triển khai thực hiện cụ thể lại rất trì trệ và khó khăn, kể cả hoạt động của Ngân hàng Phát triển mới (NDB).

Việc Trung Quốc khởi xướng thành lập Ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng châu Á và tung ra dự án "Một vành đai, một con đường" không thể không khiến các thành viên khác của nhóm hoài nghi về động cơ, mục đích và ưu tiên của Trung Quốc.

BRICS bị suy giảm vai trò và ảnh hưởng vì thế.

Hội nghị BRICS: Hành trình xây dựng trật tự thế giới mới như Trung Quốc muốn còn xa vời - Ảnh 3.

Hội nghị cấp cao lần thứ 9 này cho thấy BRICS hạ quyết tâm tìm lại hào khí xưa.

Không có gì là khó hiểu khi các thành viên đều coi trọng khuôn khổ diễn đàn này. Nó là bệ phóng và là bằng chứng về tầm ảnh hưởng chính trị thế giới của các thành viên. Cũng vì thế mà không khó hiểu khi ở hội nghị cấp cao này, các thành viên tham dự đều nỗ lực để hội nghị thành công.

Hội nghị BRICS: Hành trình xây dựng trật tự thế giới mới như Trung Quốc muốn còn xa vời - Ảnh 4.

Lãnh đạo các nước BRICS. Ảnh: Reuters

Với hội nghị cấp cao năm nay, BRICS muốn thể hiện cho thiên hạ thấy một nội bộ đồng lòng với định hướng phát triển rõ ràng, thoả thuận hợp tác cụ thể với phạm vi hoạt động rộng khắp, không chỉ bao trùm chuyện chung riêng của nhóm mà còn cả chuyện của khu vực, châu lục và thế giới, cả chính trị lẫn kinh tế, cả thương mại lẫn tiền tệ.

BRICS cũng đã hướng tới mục tiêu thu nạp thêm thành viên mới. Vì thế mà một số đối tác được mời tham dự và họ đến từ đủ các châu lục: Ai cập, Kenia, Tajikistan, Mexico và Thái Lan.

Về chính trị an ninh, có hai điều đáng được chú ý ở sự kiện này của BRICS.

Hội nghị BRICS: Hành trình xây dựng trật tự thế giới mới như Trung Quốc muốn còn xa vời - Ảnh 5.

Trong tuyên bố chung, BRICS mạnh mẽ lên án khủng bố và thể hiện quyết tâm chống khủng bố khi lần đầu tiên vạch mặt chỉ tên một số tổ chức khủng bố ở Pakistan, khẳng định cam kết đối với an ninh và ổn định ở Afghanistan.

Tuy nhiên, khối này đề cập rất sơ sài đến diễn biến tình hình mới ở Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á. Có thể thấy, qua đó, BRICS bắt đầu gây dựng vai trò chính trị an ninh khu vực và thế giới, nhưng lại rất kiềm chế phản ứng về Triều Tiên.

Bốn văn kiện được ký kết tại hội nghị nghe thì rất hay, rất cần thiết và rất thích hợp đối với BRICS nhưng tính khả thi của nó chưa thuyết phục đến mức xóa bỏ mọi hoài nghi.

Bởi vậy, xem ra đó mới chỉ là định hướng lớn và phần nhiều là ý chí chính trị. Hội nghị cấp cao này mới chỉ xác lập lại quyết tâm, chỉ ra con đường và nhất trí về phương cách giúp BRICS tìm lại hào khí và uy danh xưa. BRICS có thành công hay không lại là câu chuyện khác và câu hỏi hiện chưa thể có được câu trả lời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại