Hối hận với các khoản vay Vành đai - Con đường, Pakistan "nguội lạnh" với Trung Quốc, quay sang vay tiền Nhật

Minh Khôi |

Bị đình trệ vì thiếu sự hỗ trợ từ Trung Quốc cho dự án, các quan chức tại tỉnh Sindh, Pakistan đang hướng đến Nhật Bản.

Dự án với Trung Quốc đem lại ít lợi ích hơn dự đoán

Chính quyền khu vực ở Pakistan đã tuyên bố, sẵn sàng nhận nguồn vốn từ Nhật Bản cho một dự án đường sắt đô thị sau khi vốn đầu tư cho dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) bị đình trệ.

Skindar Sultan Raja, người đứng đầu công ty vận hành đường sắt sở hữu nhà nước của Pakistan cho biết đã báo cáo Ủy ban thường vụ của Thượng viện về Đường sắt rằng, chính quyền tỉnh Sindh sẽ chấp nhận khoản vay 2,6 tỷ USD từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), để cải tạo tuyến đường sắt Karachi (KCR).

Nếu khoản vay từ JICA được thông qua, đây sẽ là trường hợp đầu tiên một tổ chức Nhật đảm nhận việc cho vay một dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). Điều này có thể nhấn mạnh thêm ấn tượng rằng, CPEC đang bị suy giảm về quy mô. Các chuyên gia tin rằng, đây là khởi đầu cho thấy, hàng lang kinh tế được "trống giong cờ mở" có thể đem lại ít lợi ích hơn dự đoán.

"Việc chính quyền tỉnh Sindh chuyển từ vay Trung Quốc sang vay Nhật Bản cho dự án KCR cho thấy, Pakistan đang hối hận", Mohan Malik, một Giáo sư ở trung tâm châu Á - Thái Bình Dương về nghiên cứu an ninh cho biết. Gánh nặng kinh tế từ các dự án hạ tầng của Trung Quốc, cộng với khả năng mất kiểm soát chủ quyền, rõ ràng đang làm giảm nhiệt huyết đối với hành lang kinh tế tại Pakistan, ông Malik nói.

KCR phục vụ người dân Pakistan từ 1969 - 1999. Năm 2010, JICA bắt đầu cuộc khảo sát kéo dài 3 năm để tiếp cận khả năng cải tạo hệ thống đường sắt này.

Cơ quan Nhật Bản đã đề nghị một khoản vay 40 năm với lãi suất 0,2% để hỗ trợ dự án nhưng gặp phải các vấn đề chậm trễ của thủ tục hành chính.

Sau đó, vào tháng 12/2016, KRC được nhập vào CPEC bởi Ủy ban hợp tác chung, do Pakistan và Trung Quốc đồng chủ tịch.

Nhưng KRC bị trì hoãn ngay trong bước tiếp theo, khi chính quyền tỉnh Sindh và công ty Trung Quốc tham gia vào dự án dự định ký các điều khoản cụ thể. Điều này có nghĩa là dự án đường sắt vẫn chưa chính thức thực hiện như một phần của dự án đường sắt quan trọng thuộc Sáng kiến Vành đai - Con đường hợp phần tại Pakistan. BRI là một chương trình xây dựng khổng lồ nhằm kết nối Trung Quốc với Trung Á và châu Âu.

Không còn "mặn mà" với Vành đai - Con đường

Đường sắt Karachi dài 43km, ước tính chuyên chở 70.000 hành khách/ngày khi được đưa vào vận hành. Vì mức độ quan trọng của nó đối với thành phố, Tỉnh trưởng tỉnh Sindh, Murad Ali Shah, nhiều lần yêu cầu dự án được vay vốn dưới CPEC.

Tuy nhiên, chính quyền Sindh không đủ khả năng kinh tế để tự mình khởi động dự án nên họ đã tìm đến các nguồn vốn từ bên ngoài và CPEC là sự lựa chọn sẵn sàng nhất.

Từ 2015 - 2018, CPEC là một nguồn vay vốn dễ dàng cho các dự án lớn với chính quyền khu vực. Nhưng đến nay, nhiệt huyết đối với CPEC đã ngày một "nguội", các chính quyền khu vực cũng tìm kiếm cũng nguồn vốn khác.

Theo một số nhà quan sát, gần đây không có bất kỳ sự phát triển đáng kể nào liên quan đến hành lang kinh tế Pakistan - Trng Quốc.

Vào tháng 9, Tỉnh trưởng Shah đã yêu cầu tổng lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Karachi, Wang Yu, xúc tiến tài trợ cho tuyến đường sắt này như một phần của hành lang kinh tế Pakistan - Trung Quốc nhưng kết quả rất hạn chế.

Vì vậy các quan chức tại Sindh lại chuyển sang JICA để xin tài trợ nhưng chưa đạt được thỏa thuận. JICA vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định hay cam kết chính thức nào đối với KCR, Masanosuke Sakaki, một quan chức của JICA nói với Nikkei Asian Review.

Các chuyên gia cho rằng lý do chính mà họ đang tìm đến Nhật Bản là chi phí thấp cho các khoản vay. Raja, Công ty vận hành Đường sắt Pakistan đã xác nhận với ủy ban Thượng viện rằng các điều khoản cho vay của JICA có lợi hơn so với Trung Quốc.

Chuyên gia Malik của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương nói rằng các khoản vay cơ sở hạ tầng của JICA thường có lãi suất thấp hơn nhiều so với các khoản vay từ Trung Quốc. "Họ cũng tạo ra cơ hội việc làm tại địa phương và không đưa ra các yêu cầu liên quan đến chủ quyền hoặc tài sản thế chấp", Malik nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại