Các dự án tiến triển "ì ạch"
Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) ra mắt năm 2014, nhằm xây dựng mối liên kết giữa Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc và thành phố cảng Gwadar ở miền nam Pakistan. Tổng chi phí của dự án ước tính khoảng 60 tỷ USD.
Theo Hassan Daud Butt, giám đốc dự án CPEC của chính phủ Pakistan, nhiều dự án giai đoạn 1, bao gồm cải tiến cảng Gwadar, nhà máy điện và xây dựng đường bộ, vẫn chưa hoàn thành mặc dù thời hạn được đưa ra bởi chính phủ tiền nhiệm là vào năm ngoái.
Các dự án trong giai đoạn 2, bao gồm thiết lập các đặc khu kinh tế và khu công nghiệp cũng không có tiến triển. Theo kế hoạch ban đầu, các khu vực sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020.
Mặc dù ông Butt, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại gần đây với Nikkei Asian Review, không bình luận về lý do của sự chậm trễ. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ Pakistan đã áp dụng phương án tiếp cận chậm rãi với các dự án thuộc sáng kiến của Trung Quốc.
"Không thể có bất kỳ tiến triển nào với Trung Quốc. Ngay cả Bắc Kinh cũng biết rằng CPEC đang bị trì hoãn tại thời điểm này", Kaiser Bengal, một nhà kinh tế và cựu cố vấn chính sách cho chính quyền tỉnh Sindh nói. "Mỹ không muốn ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên", ông nói thêm.
Trung Quốc đang là "chủ nợ" hàng đầu của Pakistan. Nguồn: IMF
Pakistan đã bỏ hầu hết trứng vào rổ Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào CPEC đã dẫn đến việc nhập khẩu lớn các thiết bị và vật liệu của Trung Quốc, làm tăng nợ nước ngoài của Pakistan. Theo một báo cáo của IMF được công bố vào tháng 7, tổng nợ công phải trả của Pakistan ở mức 85,4 tỷ USD trong tháng 3, một phần tư trong số đó là nợ Trung Quốc. Ngân hàng Nhà nước Pakistan, có cách tính khác, xác định tổng số ở mức 106 tỷ USD.
Sự gia tăng trong nhập khẩu và tài trợ nợ đã khiến dự trữ ngoại hối của Pakistan cực kỳ thấp kể từ năm ngoái. Theo Ngân hàng Nhà nước Pakistan, nước này đã vay 16 tỷ USD từ nước ngoài trong năm tài khóa 2018-2019 để tránh cạn dự trữ ngoại tệ. 42% trong số đó, tương đương 6,7 tỷ USD đến từ Trung Quốc.
Các khoản nợ khổng lồ đang buộc phải chậm lại trong các dự án mới. Một ví dụ là dự án hiện đại hóa đường sắt Mainline-1 trị giá 8,5 tỷ USD, nằm trong CPEC Giai đoạn 1.
Dư luận hoài nghi, quân đội muốn hạn chế
Ayesha Siddiqa, một nhà bình luận chính trị tại Trường Nghiên cứu phương Đông và Châu Phi, Đại học London, nhận thấy một yếu tố khác khiến việc triển khai các dự án chậm chạp: quân đội Pakistan.
Bà Siddiqa cho biết, đang có ngày càng nhiều những thông tin chỉ trích CPEC. So với 2 năm trước, không có tờ báo nào dám xuất bản bất cứ thông tin nào tương tự. Quân đội từ lâu đã được coi là đối trọng của chính phủ trong hoạch định chính sách.
Việc bật đèn xanh cho các thông tin phê phán CPEC là vì quân đội muốn hạn chế các dự án này, bà nói thêm.
Dư luận Pakistan cũng bày tỏ thái độ hoài nghi với các dự án với Trung Quốc. "CPEC có lợi cho Pakistan, vì chúng tôi cần đầu tư cho tăng trưởng kinh tế và ổn định. Nhưng để so sánh, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có lợi hơn nhiều so với Pakistan", ông Tashfeen Farooqi, một người dân ở thành phố Karachi nói.
Shahbaz Rana, một nhà báo tài chính ở Islamabad, tán đồng rằng, mặc dù các nút thắt năng lượng của Pakistan đã được cởi bỏ nhờ các dự án điện của CPEC nhưng về lâu dài, Trung Quốc có nhiều lợi ích hơn so với Pakistan.
Ngoài ra, tình trạng bạo lực đối với công nhân Trung Quốc ở Pakistan, chẳng hạn như một cuộc tấn công gần đây vào một khách sạn sang trọng ở Gwadar của quân nổi dậy Baloch, cũng đã dấy lên nhiều tranh cãi về khả năng thành công của CPEC.
Trong khi đó, quyết tâm rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Mỹ Donald Trump là cơ hội để Pakistan cải thiện mối quan hệ với Washington, các chuyên gia cho biết. Vì Washington phản đối CPEC, Pakistan dường như đã đồng ý thực hiện một số điều chỉnh nhất định để xóa tan mối lo ngại của mình.
"Pakistan về cơ bản đang cố gắng cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ", Kamran Yousaf, một phóng viên tại Islamabad nói.