Nhu cầu của thời đại số hóa toàn cầu
Tại Việt Nam, các lớp học trực tuyến đã xuất hiện từ hơn 10 năm trước với những khóa học ngắn hạn, chủ yếu mang tính chất họp trực tuyến nhiều hơn là học và đào tạo. Tuy nhiên, các lớp học này vẫn còn những tồn tại, hạn chế như số lượng người tham gia, điểm cầu ít cũng như hệ thống phần mềm chưa linh hoạt.
Năm 2020-2021, ảnh hưởng của dịch SARS-CoV-2 (dịch Covid-19), giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều địa phương đã tạo ra vô vàn khó khăn cho ngành giáo dục. Việc học, thi trực tuyến đã trở thành một nhu cầu cấp bách khi năm học mới bắt đầu. Tuy nhiên, lựa chọn giải pháp học trực tuyến nào, do đơn vị nào cung cấp, có uy tín, có tiện dụng hay không lại là câu hỏi mà không phải nhà quản lý giáo dục nào cũng có thể dễ dàng đưa ra câu trả lời và lựa chọn.
Không chỉ đảm bảo "cần và đủ" là đủ
Học online giúp xóa nhòa khoảng cách không gian, tạo điều kiện cho việc tiếp thu kiến thức không giới hạn đối với người học. Tuy nhiên, các lớp học ban đầu sớm bộc lộ những hạn chế, khi đa phần mới chỉ dừng lại ở việc giao tiếp nói-nghe-nhìn giữa học sinh và giáo viên mà thiếu đi các công cụ cần thiết để quản lý lớp học cũng như thi cử, đánh giá chất lượng học tập.
Nắm bắt sớm vấn đề, tháng 3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, cụ thể rất rõ những yêu cầu về việc tổ chức dạy học trực tuyến, quy định về hạ tầng dạy học trực tuyến cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Bên cạnh đó, để có thể được lưu hành và áp dụng ra bên ngoài, các hệ thống, phần mềm giáo dục trực tuyến cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định của bộ Thông tin truyền thông bao gồm chương trình học, cách thức thiết kế lẫn phương thức cung cấp ra thị trường.
Việc đáp ứng các yêu cầu "cần và đủ" như kể trên chưa hẳn đã thỏa mãn các nhu cầu của người dạy, người học, chưa thể đặt các đối tượng này vào trung tâm của cuộc cách mạng số. Những yêu cầu về trải nghiệm cũng như cá nhân hóa đã tạo ra những thử thách mới cho các nhà phát triển phần mềm.
Tận dụng ưu thế là một tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, VNPT cũng đã sớm nắm bắt và chuẩn bị cho hành trình số hóa học tập từ cách đây nhiều năm. Với việc ứng dụng các công nghệ 4.0 một cách hiệu quả bao gồm AI, Big Data, AR/VR vào hệ thống dạy và học trực tuyến VNPT Elearning (vnEdu LMS), giúp cho việc dạy và học trở nên thú vị, hấp dẫn hơn, không còn đơn thuần chỉ là việc nhìn, nghe và nói. Việc tương tác giữa thầy cô, học sinh, nhà trường và phụ huynh học sinh cũng trở nên dễ dàng thông qua các công cụ số.
Là một trong số các nhà cung cấp được cấp chứng chỉ liên thông cơ sở dữ liệu của ngành, VNPT Elearning cho phép các cấp quản lý từ Sở, phòng, trường có thể dễ dàng nắm bắt được tình hình dạy và học tới từng lớp, từng học sinh.
Đối với nhiều giáo viên, đặc biệt là những người có tuổi, việc sử dụng thành thạo công nghệ luôn là một thử thách, nhưng điều này đã được khắc phục triệt để với VNPT Elearning. Hệ thống có thiết kế giao diện hệ thống một cách khoa học, có khả năng tùy biến cao, có thể dễ dàng giúp các thầy cô thiết kế bài giảng, giao bài, chấm điểm cũng như đánh giá sát tình hình học tập từ xa của học sinh.
Đặc biệt, việc tích hợp tính năng chống gian lận thi cử như chống sao chép, camera giám sát, cảnh báo giám thị, xác thực khuôn mặt và lịch sử làm bài… vào hệ thống cũng giúp các thầy cô có thể yên tâm về độ xác thực của các bài kiểm tra, từ đó kịp thời điều chỉnh chương trình học cho phù hợp. Điều này, đồng thời cũng sẽ giúp cho "năm học" tại các trường luôn được thông suốt, không bị gián đoạn, kể cả trong các tình huống giãn cách bất ngờ.
Về phía người học, VNPT luôn đặt đối tượng này vào trung tâm của sự phát triển. Tối ưu các trải nghiệm của học sinh, sinh viên, tạo khả năng tương tác cao với giáo viên, đi cùng với đó là những cơ hội tự hệ thống vốn kiến thức của mình thông qua các mô hình trắc nghiệm khách quan. Dường như, chưa bao giờ học sinh cảm thấy hứng thú, chủ động trong việc sắp xếp học tập như vậy.
VNPT Elearning cũng tạo cơ hội cho phụ huynh học sinh theo sát với tình hình học tập của con cái thông qua những báo cáo học tập thường xuyên, từ đó có biện pháp phối hợp cùng giáo viên phát huy ưu thế, khắc phục những hạn chế của con em.
Trong năm học mới 2021-2022, hệ thống dạy và học trực tuyến VNPT Elearning đã được lựa chọn và áp dụng tại hơn 20 nghìn trường học trong cả nước với hơn 600 nghìn giáo viên, hơn 8 triệu người học. Con số này liên tục được phát triển, mở rộng cho thấy những ưu thế nổi trội từ sản phẩm của tập đoàn công nghệ số hàng đầu Việt Nam.