Có một chú tiểu được gửi lên chùa để theo học về Phật pháp. Thế nhưng, sau một thời gian, dù đã cố gắng hết mình nhưng kết quả cho thấy, chú tiểu vẫn chẳng tiến bộ chút nào, khó có thể tiếp tục quá trình học tập tại đây. Chính vì thế, đến một ngày, cậu ta đành chấp nhận thực tế rằng mình đã thất bại, khăn gói trở về nhà.
Chiều hôm đó, sau khi gói ghém hết đồ đạc, chú tiểu đi từ biệt sư trụ trì và những người bạn đồng niên của mình rồi ra cổng chùa đợi một con thuyền đến đón mình về nhà. Đứng nhìn ra phía xa, cậu chợt thấy lòng mình chùng xuống.
Nỗi buồn chia xa cùng sự thất vọng về bản thân len lỏi vào tim cậu, khiến cậu muốn òa khóc nức nở. Thế nhưng, cuối cùng cậu vẫn kìm nén được, và tất cả chỉ biến thành những giọt nước mắt từ từ lăn xuống đôi gò má.
Chú tiểu suy tư trước khi phải rời chùa. (Ảnh minh họa)
Chú tiểu cứ đứng đó, không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua, và cũng không nhận ra vị sư trụ trì - người thầy của mình đã đứng đằng sau cậu từ rất lâu.
"Chốc nữa, một con thuyền sẽ tới đây để đưa con về nhà vì con đã không thể hoàn thành việc học ở ngôi chùa này. Thưa sư phụ, con phải nói gì với gia đình mình bây giờ?", cậu bé hỏi trước khi òa khóc trước mặt sư phụ.
Nhìn thấy người học trò nhỏ bé, hai vai đang run lên, vị sư phụ đã vỗ vỗ vào vai cậu bé, trả lời rằng: "Con hãy nói mình đã làm hết sức mình, và có lẽ những cậu bé khác cũng chỉ có thể làm được như vậy thôi".
"Nhưng con muốn làm một nhà sư nổi tiếng để có thể truyền dạy kiến thức cho những người khác", cậu bé vẫn chưa thực sự từ bỏ.
"Con hoàn toàn có thể mà", vị sư trụ trì khẳng định.
"Bằng cách nào ạ?", cậu bé tò mò hỏi lại.
- Hãy sống bằng cả trái tim mình. Ta sẽ chỉ cho con. Con có nhìn thấy con thuyền kia rẽ nước hồ mà đi, đằng sau nó là cảnh mặt trời lặn không?
- Có ạ.
"Con thuyền đó chính là con khi con rời ngôi chùa này. Cái hồ kia là cuộc đời của con. Làn sóng là hiệu ứng mà con sẽ tác động lên thế giới này..." (Ảnh minh họa)
- Con có nhìn thấy những đợt sóng đua nhau lan tỏa khắp mặt hồ không? Có thấy con thuyền giống như phần đỉnh của 1 tam giác vàng khi các đợt sóng tỏa ra từ mũi thuyền không?
- Có ạ.
- Vậy hãy nhìn xem. Con thuyền đó chính là con khi con rời ngôi chùa này. Cái hồ kia là cuộc đời của con. Làn sóng là hiệu ứng mà con sẽ tác động lên thế giới này. Mỗi một gợn sóng sẽ lại kích hoạt một gợn sóng khác, rồi gợn sóng khác đó lại kích hoạt một gợn sóng khác nữa, cứ thế, cứ thế.
Bằng cách không ngừng cố gắng trau dồi bản thân và yêu thương người khác, con sẽ dạy được cho người khác bài học về tình yêu một cách đơn giản nhất, đó là hãy là chính mình. Mỗi việc tốt đẹp con làm được cũng sẽ giống như một gợn sóng, nó sẽ sinh ra muôn vàn gợn sóng khác. Quan trọng nhất, hãy nhớ mỗi gợn sóng đều đón lấy ánh nắng mặt trời và phản chiếu ánh sáng của nó lên trời...
Lời bàn: Trong cuộc đời này, dễ nhất có lẽ là việc đã trở nên thành công, giàu có và nhìn lại quá khứ, vì mỗi một lời bạn nói đều như chân lý vậy, ai cũng thấy đúng, ai cũng muốn học hỏi.
Vậy khó nhất là gì? Khó nhất có lẽ là việc dám đối mặt với thất bại và làm lại từ đầu. Dũng khí ấy, không phải ai cũng có được. Và có lẽ, đưa ra được lời khuyên cho những người đã thất bại mà không làm tổn thương họ, đồng thời lại khích lệ được họ, giống như người thầy trong câu chuyện này, cũng là một việc vô cùng khó khăn.
Vậy cậu bé có nên quay trở lại chùa để tiếp tục việc học hay không?
Câu chuyện có kết thúc mở, nên không ai có thể đoán được cậu bé, sau khi nghe thầy mình giảng giải, sẽ quyết định quay trở lại ngôi chùa, thử cố gắng một lần nữa xem sao, hay vui vẻ quay về nhà gặp cha mẹ, trong lòng nhẹ nhõm, không còn cảm giác của sự thất bại nữa.
Ở lại hay trở về nhà, còn phải xem mục đích của bạn là gì. Nếu bạn cũng như cậu bé, muốn trở thành một nhà sư được người người kính trọng, vậy hãy quay lại chùa và cố gắng nhiều hơn.
Tuy nhiên, mỗi một người sống trên đời đều có vai trò nhất định, có thể lan tỏa và tác động đến người khác theo những cách thức khác nhau, giống như mỗi gợn sóng kia. Vậy nếu không trở thành nhà sư, thì có thể làm một người khác có ích cho xã hội, chẳng phải cũng rất tốt đẹp hay sao?
Đức Phật từng nói, đời người giống như việc chơi đàn. Nếu để dây đàn quá chùng, ta sẽ thất bại. Nhưng nếu để dây đàn quá căng, ta cũng không thể thành công. Mỗi một sự cực đoan đều sẽ dẫn tới sự kết thúc, và biết tìm ra một điểm giữa cân bằng là cả một nghệ thuật.
Có lẽ đến đây, mỗi người trong chúng ta cũng đã đều có đáp án của riêng mình.